Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình đã tuyên bố như thế khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3-3 ở Hà Nội.
Tại cuộc họp báo, đại diện báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: “Liên quan đến các hành động gây leo thang căng thẳng mới đây của Trung Quốc như đưa tên lửa, chiến đấu cơ… ra Biển Đông, Bộ Ngoại giao đã nhiều lần phản đối, bao gồm gửi công hàm phản đối lên Liên Hiệp Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ. Liệu VN sẽ áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó có biện pháp pháp lý như Philippines đã làm?”
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, người phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố là quốc gia trực tiếp liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của VN là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
“VN sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc,” ông Bình nhấn mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ đồng thời là chuyên gia hàng đầu về Luật Biển, hoan nghênh tuyên bố này của Bộ Ngoại giao và ủng hộ vai trò của Liên hiệp quốc nhất là trong tình hình Trung Quốc công khai quân sự hóa các đảo mà nước này xây phi pháp ở Biển Đông.
TS Trần Công Trục nói Hiến chương Liên Hiệp Quốc là căn cứ hết sức quan trọng của thế giới trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó có quy định “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hiệp quốc”.
Theo TS Trần Công Trục, VN đã nhiều lần tuyên bố công khai quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông, đó là những quan điểm mang tính nguyên tắc và xuyên suốt, trong đó có nội dung khẳng định VN chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình căn cứ trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trong đó có quy định giải quyết tranh chấp thông qua các tổ chức tài phán quốc tế là một biện pháp hòa bình.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã liên tục có những hành động gây hấn, làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Đầu tháng 1, Trung Quốc hai lần thử nghiệm máy bay trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
Ngày 16-2, hãng tin Fox News của Mỹ dẫn những hình ảnh vệ tinh của công ty ImageSat International cho thấy hệ thống radar trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 23-2, cũng hãng tin Fox News dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết các cơ quan tình báo của Washington phát hiện gần 10 máy bay chiến đấu Shenyang J-11 và Xian JH-7 trên đảo Phú Lâm.
Ngoài ra, báo cáo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết các bức ảnh vệ tinh chụp từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên bốn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của VN.
Theo Tuổi trẻ