|
Bangladesh là thị trường có dân số rất đông, trên 170 triệu người, sức tiêu thụ cao trong khi khả năng cung ứng lương thực còn thấp. |
Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên 1 triệu tấn. Bản ghi nhớ mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 05 năm kể từ ngày ký, từ năm 2017 đến năm 2022.
Ngay sau khi ký Bản ghi nhớ này, phía Bangladesh mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000 tấn – 300.000 tấn gạo trắng 5% và nâng tổng số lượng gạo muốn mua đến hết năm 2017 là 500.000 tấn.
Được biết, Bản ghi nhớ về Thương mại gạo cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Bangladesh được ký lần đầu vào ngày 18/4/2011 tại Hà Nội và có thời hạn đến 31/12/2013. Sau đó, ngày 2/1/2014, hai bên đã ký để gia hạn lại Bản ghi nhớ trên có hiệu lực đến 31/12/2016. Trong năm 2011 và 2012, Việt Nam đã xuất khẩu trên 300.000 tấn gạo sang Bangladesh để phục vụ nhu cầu nước này. Trong những năm tiếp theo, Bangladesh đã tự túc và sản lượng lúa gạo đủ để cung cấp tiêu thụ nọi địa nên quốc gia này chưa đặt vấn đề mua thêm gạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, Bangladesh liên tục phải đối mặt với nhiều thiên tai, mất mùa và dẫn tới việc thiếu gạo để cung cấp đủ cho người dân trong nước.
Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh cho biết, phía Banglades đánh giá rất cao chất lượng, giá cả cũng như cách thức triển khai hợp đồng, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong những lần hợp tác trước. Vì vậy, mặc dù có nhiều đối thủ cạnh tranh về chất lượng, giá cả cũng như khoảng cách địa lý, phía Bangladesh vẫn quyết định chọn Việt Nam là nước cung cấp gạo cho Bangladesh trong thời gian dài.
Bangladesh là thị trường có dân số rất đông, trên 170 triệu người, sức tiêu thụ cao trong khi khả năng cung ứng lương thực còn thấp, thường xuyên phải đối mặt với mất mùa, thiên tai. Trong bối cảnh ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra của sản phẩm, việc Chính phủ hai nước ký kết gia hạn được Bản ghi nhớ này trong thời gian 05 năm sẽ giúp ngành sản xuất lúa gạo trong nước giải được một phần bài toán đầu ra, giúp các doanh nghiệp và bà con nông dân yên tâm canh tác. Đây là thành quả của sự chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường của Bộ Công thương.
Ngay khi tiếp cận và nắm bắt nhu cầu của phía Bangladesh, chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Công thương đã khẩn trương tiến hành các công việc liên quan và trao đối với phía Bangladesh để xác định cơ hội cụ thể, chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành lấy ý kiến tham gia về nội dung dự thảo, sau đó báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chính thức ký Bản ghi nhớ này.