Theo kịch bản trong các quy hoạch điện quốc gia, tổng nhu cầu năng lượng tạiĐông Nam Á(ASEAN) sẽ tăng 83% từ 549 Mtoe năm 2011 lên mức 1.004 Mtoe ở năm 2035. Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT cho rằng, tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng khu vực sẽ chậm dần từ mức bình quân 3%/năm giai đoạn 2011 – 2020 và giảm xuống còn 2,3%/năm giai đoạn 2020 – 2035.
Trong đó, năng lượng hạt nhân đóng vai trò không đáng kể trong cơ cấu năng lượng của khu vực trong giai đoạn 2011 – 2035. Điều này phản ánh sự phức tạp trong phát triển các chương trình hạt nhân và hầu hết các quốc gia đều không “mặn mà” trong việc quy hoạch năng lượng hạt nhân trong chiến lược phát triển dài hạn của mình.
Đồ thị cho thấy, nguồn năng lượng tương lai của ASEAN là than đá, dầu mỏ và năng lượng tái tạo. Nguồn năng lượng hạt nhân xếp sau cùng trongnhóm 7 nguồn năng lượng này.
Trên thực tế, năng lượng hạt nhân hiện nay chưa được sử dụng ở các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, an ninh năng lượng luôn được đặt lên hàng đầu là lý do để các nước trong khu vực không thể không nghĩ đến nguồn năng lượng này trong tương lai.
FPTS cũng dự báo rằng, trong nhóm ASEAN, Việt Nam nhiều khả năng sẽ là nước đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong khu vực vào năm 2020.
Việt Nam là quốc gia tích cực nhất trong vấn đề này, hiện nay đang chuẩn bị quy hoạch, huấn luyện đội ngũ kỹ thuật và tạo lập khung pháp lý riêng cho nhà máy điện hạt nhân.
Trước đó, Việt Nam đã ký một thỏa thuận hợp tác song phương (bao gồm cả tài trợ về tài chính) với Nga trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là tên gọi chung của chuỗi hai nhà máy điện hạt nhân I và II đang trong dự án xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW.
Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, nhà máy điện hạt nhân I và II sẽ được khởi công vào tháng 12 năm 2014 và hoàn thành vào năm 2022 (phát điện vào cuối năm 2020). Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008.
Sau Việt Nam, Quy hoạch điện lực Thái Lan cũng dự kiến sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2026. Tuy nhiên các dự án này gặp phải nhiều ý kiến phản đối do vấp phải hạn chế trong nguồn tài nguyên năng lượng của Thái Lan (điều được xem là điều kiện tiên quyết cho các chương trình phát triển điện hạt nhân). Dự báo, phải đến năm 2030, Thái Lan mới có dòng điện đầu tiên từ năng lượng hạt nhân.
Được biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện truyền tải. Cùng với đó, đơn vị này đang cân đối vốn đến năm 2030 để xây dựng cơ chế tài chính thực hiện các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. EVN dự kiến sẽ đảm bảo huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020 khoảng trên 600.000 tỷ đồng.
Theo Vinanet