|
Việt Nam chưa phát triển đúng với tiềm năng |
Lương của ông lúc đó chỉ có hơn 100 đô la, chưa bằng một nửa so với trước đó, và không đủ để ông trang trải các chi phí sinh hoạt ở Thủ đô Seoul.
Gia đình ở quê thỉnh thoảng vẫn phải gửi thêm tiền, hay đồ ăn cho con mình. Họ ủng hộ quyết định của ông.
Các bạn bè, những người làm ở khu vực tư nhân, cũng ủng hộ ông. Ông Ho kể, các bạn thân thi thoảng gặp nhau ăn uống, nhưng họ dứt khoát không để ông cùng trả tiền. “Bạn tôi nói, cậu làm cho nhà nước không có tiền, thì thôi không trả, góp người là vui rồi, nhưng cậu phải đóng góp được cho đất nước này,” ông nhớ lại.
Ông kể, những lời động viên của bạn bè, gia đình đã thôi thúc ông làm việc hăng say như thế nào thời trẻ tuổi. Chàng thanh niên Ho sau đó trở thành Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, và đóng góp nhiều cho việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh tế của đất nước này tại Việt Nam.
Những đóng góp của các công chức mẫn cán như ông Ho, và các chiến lược phát triển đúng đắn sau đó, đã giúp Hàn Quốc có bước phát triển kỳ diệu trong vài thập kỷ qua.
Nhìn sang Hàn Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung không khỏi ngưỡng mộ. Ông nói, những năm 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc mới chỉ bước vào giai đoạn phát triển thứ nhất, cũng như Việt Nam.
Sau 40 năm, Hàn Quốc đã phát triển sang giai đoạn 3, còn Việt Nam chúng ta vẫn là giai đoạn 1, ông nhận xét.
Cũng như Hàn Quốc, hàng loạt các quốc gia khác ngay trong ASEAN, đã vượt lên trước Việt Nam khá xa.
Theo đánh giá của World Economic Forum trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015, các nước ASEAN 6 đều được đánh giá thuộc giai đoạn phát triển cao hơn Việt Nam. Singapore thuộc nhóm nước phát triển giai đoạn 3 ; Malaysia, Thái Lan, Indonesia phát triển ở giai đoạn 2 ; Philippines và Brunei ở giai đoạn quá độ từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2. Về phần mình, Việt Nam hiện đang phát triển ở giai đoạn đầu, thuộc nhóm 37 nước phát triển thấp nhất.
Còn theo báo cáo 2014-2015 của World Economic Forum, thứ hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam ở vị trí 68/144 nền kinh tế, cải thiện 2 bậc so với năm ngoái.
Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng nhẹ từ 4,18 (theo báo cáo của WEF năm 2013-2014) lên 4,23 (báo cáo 2014-2015). Tuy nhiên, thứ hạng cho thấy Việt Nam chưa có cải thiện nhiều về năng lực cạnh tranh do WEF không xếp hạng một số nước vì thiếu dữ liệu, nên số nền kinh tế được xếp hạng giảm từ 148 xuống còn 144 nền kinh tế.
Ngoài ra, nếu so với các nước ASEAN-6 thì mức độ cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam chậm hơn. Malaysia tăng 4 bậc, Thái Lan tăng 6 bậc, Indonesia tăng 2 bậc, Philippines tăng 7 bậc.
Theo đánh giá của WEF, nhiều chỉ số của Việt Nam còn có khoảng cách xa so với các nước trong khu vực như chỉ số về thể chế (hạng 92), giáo dục bậc cao (hạng 96), thị trường tài chính (hạng 90), mức độ sẵn sàng về công nghệ (hạng 99), trình độ tổ chức kinh doanh (hạng 106).
Đáng lưu ý là chỉ số về “thể chế” tuy có sự cải thiện về thứ hạng, song điểm số lại giảm so với năm trước. Trong nhóm “Thể chế”, nhiều chỉ tiêu của Việt Nam được xếp hạng rất thấp như Quyền sở hữu tài sản – hạng 101; Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - hạng 105; chi phí không chính thức – hạng 109; gánh nặng về các quy định – hạng 101; minh bạch trong hoạch định chính sách – hạng 116; kiểm toán và chuẩn mực báo cáo – hạng 132; bảo vệ cổ đông thiểu số - hạng 122; bảo vệ nhà đầu tư – hạng 123.
Trích dẫn những số liệu này trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận xét, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam cần chú trọng tới chỉ số về “thể chế” thuộc nhóm “các nhân tố cơ bản” và đầu tư cho các nhân tố tăng năng suất (nhóm các nhân tố hiệu quả) như giáo dục bậc cao và thúc đẩy tiếp thu công nghệ.
Trong khi đó, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam chỉ bằng 1/16 của Singapore, bằng 1/2 chung trong khối ASEAN năm 2013, trong khi năng suất lao động Việt Nam vẫn kém từ 2-15 lần so với các nước ASEAN, theo một báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương.
Những chỉ số này cho thấy, Việt Nam còn một khoảng cách rất xa so với các quốc gia láng giềng.
Nếu không cải cách những yếu tố này, đặc biệt là bộ máy nhà nước đã trở nên quá lớn, chiếm mất 2/3 chi tiêu ngân sách, thì đất nước rất khó mà đuổi kịp các quốc gia khác.
Về phần mình, ông Ho, sau khi nghỉ hưu, đã quyết định gia nhập tập đoàn Samsung ở Việt Nam, doanh nghiệp đang có doanh số xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam.
Ông nói, ông yêu thích công việc, và vẫn làm việc hăng say hàng ngày để đóng góp vào những giá trị của Samsung.
Theo TBKTSG