“Việt Nam mạnh quân sự sẽ khiến Trung Quốc sợ sa lầy chiến tranh“

VietTimes -- Sự phát triển quân sự của quốc gia láng giềng như Việt Nam trước mắt là giải pháp tốt nhất vô hiệu hóa bất cứ ADIZ nào của Trung Quốc, do Bắc Kinh không muốn xung đột vũ trang với Việt Nam dưới mọi hình thức chiến tranh vì sợ sa lầy, chuyên gia Mỹ Phil Reynolds nhận định.
Tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh
Tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh

Tiếp theo bài: Mỹ lập “hậu cứ tiền duyên” đập tan tham vọng Biển Đông của Trung Quốc

Các siêu cường thường có một quan điểm mang tính thống trị khi nhìn nhận những khu vực địa lý lân cận lãnh thổ của mình và Trung Quốc nhìn vùng nước Tây Thái Bình Dương tương tự như Mỹ nhìn nhận vùng biển Caribbean trong thế kỷ XIX.  Bắc Kinh cũng nhận thấy học thuyết Monroe là một kế hoạch chi tiết rất phù hợp với cho giấc mộng bá quyền của mình.

Trong xung đột địa chính trị hiện nay, Bắc Kinh nhìn nhận Mỹ như một siêu cường đang suy thoái, không thể tổ chức các quốc gia khu vực thành một liên minh chống Trung Quốc.

Bắc Kinh đang thực hiện các tính toán chiến lược, dựa trên cơ sở nhận định Mỹ sẽ khó duy trì một cuộc chiến tranh và mặc dù Mỹ đang có ưu thế dựa trên thế mạnh đỉnh cao công nghệ. Bắc Kinh tin rằng quân đội Mỹ không thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh viễn chinh với một đối thủ ngang tầm.

Trung Quốc cho rằng Mỹ đã ngủ quên trên chiến thắng từ sau Chiến tranh Lạnh và bộ máy quân sự đắt tiền trong suốt 40 năm qua không được sử dụng thực sự, chỉ đơn thuần được dùng như một công cụ răn đe chính trị.

Trên đại dương, Mỹ có nhiều tàu sân bay hơn tất cả các nước khác cộng lại, nhưng nhiều học giả Trung Quốc nghi ngờ khả năng Mỹ sẵn sàng mạo hiểm những cụm tàu sân bay tấn công chủ lực, mang theo hàng nghìn lính thủy đánh bộ thành bia bắn cho hàng trăm tên lửa đạn đạo chống tàu Đông Phong, trong đó biến thể mới nhất "D" có phạm vi tác chiến lớn hơn gấp 2 lần bán kính chiến đấu của các máy bay tấn công trên tàu sân bay Mỹ.

Những tên lửa này tiếp cận mục tiêu với tốc độ lên tới Mach 10, có khả năng cơ động cao, khiến các hệ thống Aegis khó lòng phòng thủ chống tên lửa hiệu quả khi đối phương tấn công với số lượng lớn. Quân đội Trung Quốc hiện nay, tương tự như Liên Xô, phát triển nhiều xe phóng đạn độc lập (có thể phóng tên lửa nhiều lần), cho phép một tổ hợp Đông Phong cơ động có thể tấn công hiệu quả một cụm tàu sân bay tấn công chủ lực, bất chấp sự tổn thất của các tổ hợp tên lửa khác.

Với khả năng quân sự hiện có, trong thế kỷ 21 Trung Quốc đang sử dụng các đảo nhân tạo trên Biển Đông như phương tiện giành quyền thống trị biển khơi tương tự những gì mà Mỹ đã thực hiện ở đầu thế  thế kỷ 20. Chính sách bành trướng của Trung Quốc hướng tới việc khiêu khích một phản ứng quân sự từ phía Mỹ.

Tên lửa DF-21 được Trung Quốc khoe là
Tên lửa DF-21 được Trung Quốc khoe là "sát thủ tàu sân bay"

Những lý luận này dẫn đến một giả thuyết: Các đảo nhân tạo thực sự không phải là mục tiêu trong chiến lược mở rộng của Trung Quốc, chúng quá dễ dàng bị tiêu diệt. Ngược lại, mục tiêu chiến lược lớn của Trung Quốc có thể là một sự thách thức đối với Mỹ trên toàn thế giới. Nếu Trung Quốc tính toán đúng, bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào với Mỹ sẽ không kết thúc bằng một cuộc chiến tranh toàn diện mang tính hủy diệt. Áp lực từ cộng đồng quốc tế sẽ nhanh chóng thúc đẩy hai bên đến một giải pháp thương lượng chính trị.

Nội dung này đã được nêu lên trong Sách trắng Quốc phòng của quân đội Trung Quốc (PLA), phát hành giữa năm 2015. Trung Quốc chuẩn bị lực lượng hải quân cho chiến lược "phòng thủ biển xa" và "bảo vệ quyền lợi hàng hải và lợi ích cốt lõi."

Khả năng Trung Quốc ngăn chặn lực lượng hải quân Mỹ vào khu vực tranh chấp và luôn đặt Biển Đông, biển Hoa Đông “cận kề miệng hố chiến tranh” với thời gian kéo dài đủ lâu để cuộc đàm phán chia sẻ lợi ích Trung – Mỹ được khởi động.

Đối mặt với một cuộc xung đột tiềm năng với dự báo sẽ tổn thất tàu sân bay và thủy thủ với số lượng lớn, chính quyền Mỹ sẽ gặp khó khăn khi thuyết phục công chúng Mỹ về các hoạt động nhằm mục đích bá quyền khu vực của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương là một mối đe dọa hiện hữu, đặc biệt sau thất bại ở Afganistan và Iraq.

Lịch sử và những tính toán chiến lược của Trung Quốc đã đẩy Mỹ vào một tình huống khó khăn với bốn lựa chọn khác nhau, trong tất cả các lựa chọn đó Trung Quốc đều có thể đạt được mục đích:

- Mỹ có thể tiếp tục trong trạng thái đối đầu quân sự cường độ thấp mà không thể làm gì để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, trước mắt là vụ kiện của Philipines và bãi cạn Scarborough .

- Mỹ có thể tiến đến một cuộc chiến tranh, gánh chịu tổn thất nặng nề và phải giải quyết bằng thương lượng.

- Mỹ có thể rút lui, để mặc các quốc gia mà Mỹ phát triển thành đối tác và đồng minh gần đây trong tình huống đối đầu và cầm chắc thất bại với Trung Quốc. Mỹ sẽ mất hoàn toàn đồng minh châu Á

 - Mỹ có thể thay đổi chính sách "xoay trục châu Á" trong nhiệm kỳ tổng thống mới, tìm kiếm cách tiếp cận Biển Đông thực dụng hơn, chia sẻ quyền lợi với Trung Quốc.

Một kết quả thứ năm, tồi tệ nhất hơn tất cả, là hình thành một liên minh quân sự nhằm ngăn chặn chiến lược của Trung Quốc, dễ dàng gây ra một cuộc chiến tranh vũ trang và vẽ lại bản đồ nước Mỹ. Tất cả năm kết quả này đều khiến Trung Quốc trở lên mạn hơn và Bắc Kinh có thế biến thế kỷ 21 thành thế kỷ của Trung Quốc.

Điểm yếu trong tư duy chiến lược của Trung Quốc chính là các quốc gia láng giềng mà Trung Quốc thường coi thường hoặc chèn ép, trong đó quan trọng nhất là Nhật Bản, Việt Nam và Philipines.

Tháng 5.2014, Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khổng lồ HD-981, được bảo vệ bởi một lực lượng hùng hậu các tàu hải cảnh, tàu vận tải và tàu quân sự, vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này đã được nhiều nhà phân tích quốc tế coi đó một nỗ lực của Bắc Kinh muốn cảnh báo Việt Nam, nhắc nhở quốc gia láng giềng rằng những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông không thể bị đẩy lùi bởi mối quan hệ hợp tác đang phát triển với Mỹ.

Những động thái cực đoan của Trung Quốc thường xuyên diễn ra dưới nhiều hình thức trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Bắc Kinh liên tục gây áp lực, nhưng mối quan hệ giữa quân đội Việt Nam với quân đội Mỹ vẫn phát triển đều đặn, các chiến hạm của hai quốc gia cùng tham gia những hoạt động thường xuyên trên biển.

Sĩ quan Việt Nam dự các khóa tập huấn chuyên sâu như cứu hộ, cứu nạn, tuần tra và tìm kiếm trên biển do các chuyên gia Mỹ hướng dẫn, đồng thời các nhân viên và quan chức Mỹ nhiệt tình tham gia các hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích sau chiến tranh.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam năm 2015
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam năm 2015

Giai đoạn gần đây, Philippines tiến gần hơn trong quan hệ với Mỹ sau những cuộc tranh đấu không hiệu quả với Trung Quốc ở Biển Đông. Sau năm 2012 trong cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh triển khai lực lượng ngăn chặn tiếp tế cho nhóm binh sĩ Philippines cố thủ trên con tàu cũ nát ở bãi Cỏ Mây, Philippines  quyết tâm củng cố và nâng cấp quan hệ quân sự với Mỹ đồng thời tìm kiếm giải pháp tăng cường năng lực hải quân.

Trước mắt, sau cuộc bầu cử tổng thống, Philipines cũng đang bắt đầu một chiến lược mới, phát huy kết quả phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế thường trực Liên Hiệp Quốc nhằm tạm thời ngăn chặn các động thái cực đoan của Bắc Kinh trong thời gian tới và bắt đầu phát triển hải quân.

Sau một thời gian, lực lượng hải quân Philipines dưới sự ủng hộ của Mỹ có thể gây áp lực trở lại với Trung Quốc.

Trong ba quốc gia có quan hệ với Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn quyết tâm bá quyền của Trung Quốc, Nhật Bản là đối tác – đồng minh lâu năm và quan trọng nhất của Mỹ. Tháng 9.2015  Quốc hội thông qua việc diễn giải lại Điều 9 Hiến pháp của ông Abe cho phép Nhật Bản linh hoạt hơn trong các vấn đề quốc phòng.

Cùng với sự cho phép của pháp luật và các hiệp ước  hợp tác quốc phòng vừa được ký kết, Mỹ và Nhật Bản bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện cho các hoạt động quân sự chung dự phòng, nâng cao năng lực của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong truyền thông và liên kết phối hợp tiến hành các hoạt động quân sự.

Quan trọng nhất là cơ sở  pháp luật mới cho phép Nhật Bản có thể thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần kỹ thuật cho các hoạt động quân sự trên Biển Đông của Mỹ.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hợp tác quân sự này là quần đảo Senkaku. Những hòn đảo không người này là khu vực tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, cách tỉnh Okinawa và thành phố Naha 300 dặm, nhưng chỉ cách Đài Loan khoảng 100 dặm.

Ba trong số các hòn đảo thuộc sở hữu của tư nhân, nhưng năm 2012, Tokyo đã mua lại, đưa toàn bộ 5 đảo về thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Trong một hành động đáp trả, Tháng 11.2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm trên quần đảo Senkaku.

ADIZ là các biện pháp nhằm kiểm soát các hoạt động đường không trên lãnh thổ của một quốc gia. Khu ADIZ mới của Trung Quốc đã chồng lên khu nhận dạng phòng không ADIZ của Nhật khoảng 250 dặm.

ADIZ mới là công cụ gắn khu vực mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản với vùng biển đặc quyền kinh tế EEZ mà Bắc Kinh tự tuyên bố, trải dài đến gần Okinawa. Động thái này của Bắc Kinh khiến lực lượng không quân Nhật Bản phải báo động ở mức cao nhất, sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trong vùng tranh chấp.

Lập luận trên cho thấy một thực tế rõ ràng, nếu Việt Nam, Philipines và Nhật Bản đủ mạnh để thực hiện chiến lược chống tiếp cận (A2/AD) trên các vùng nước then chốt, ba quốc gia này chính là những chốt khóa phong tỏa nền kinh tế của Trung Quốc.

Sự ủng hộ và thúc đẩy phát triển sức mạnh hải quân của Mỹ với các nước láng giềng chính là chiến lược trọng tâm ngăn chặn bá quyền Trung Quốc, theo chuyên gia Reynolds.

Tên lửa chống hạm Bastion-P của Việt Nam
Tên lửa chống hạm Bastion-P của Việt Nam
Tên lửa Extra của hải quân Việt Nam
Tên lửa Extra của hải quân Việt Nam

Sự phát triển quân sự của quốc gia láng giềng như Việt Nam trước mắt là giải pháp tốt nhất vô hiệu hóa bất cứ ADIZ nào của Trung Quốc, do Bắc Kinh không muốn xung đột vũ trang với Việt Nam dưới mọi hình thức chiến tranh vì sợ sa lầy.

Tổn thất của Trung Quốc sẽ rất lớn khi Mỹ không tham gia cuộc chiến mà chỉ có những động thái kiềm chế địa chính trị, truyền thông, trừng phạt kinh tế, giới hạn các hoạt động thương mại vận tải của Trung Quốc.

Nếu xung đột xảy ra với Nhật Bản hoặc Philipines, một liên minh 3 nước chống trả Trung Quốc sẽ được hình thành không có sự tham gia mà chỉ có sự hậu thuẫn của Mỹ. Với các phương tiện và khả năng của cả 3 nước, Trung Quốc sẽ buộc phải đàm phán với Mỹ nhằm bình ổn tình hình khu vực và ngăn chặn sự sụp đổ nền kinh tế ven biển bằng các đòn trừng phạt mà Mỹ vẫn thường dùng.

Chiến lược tổng quan của Mỹ và các đồng minh nhằm ngăn chặn Bắc Kinh, sẽ là sự kết hợp phát triển quân sự khu vực và đấu tranh địa chính trị, cùng với thực thi quyền tự do hàng hải và truyền thông thế giới.

Hơn thế nữa, Mỹ còn sử dụng các cụm tàu sân bay tấn công như một công cụ răn đe phong tỏa và trừng phạt kinh tế. Đây chính là định hướng tối ưu giải quyết vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông trong nhiều thập kỷ tới.

* Tác giả là Tiến sĩ Phil Reynolds - Đại học Hawaii