Tờ Tin tức Quốc phòng Mỹ ngày 19/5 nêu rõ sân bay này là sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Như vậy, đây là lần đầu tiên các máy bay ném bom như H-6K của Trung Quốc cất, hạ cánh bất hợp pháp trên quần đảo Hoàng Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Quân đội Trung Quốc cho biết hoạt động huấn luyện (bất hợp pháp) này sẽ giúp cho tổ lái máy bay ném bom của họ tích lũy được kinh nghiệm thao tác trên sân bay ở đảo.
Một đoạn clip do không quân Trung Quốc công bố cho thấy một sư đoàn không quân trang bị máy bay ném bom Trung Quốc đã tiến hành huấn luyện cất, hạ cánh liên tục.
Sư đoàn máy bay ném bom này đóng tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, cách đảo Phú Lâm khoảng 1.200 dặm Anh, nằm trong phạm vi bán kính tác chiến 2.200 dặm Anh của máy bay ném bom H-6K. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc cho rằng máy bay ném bom H-6K cất cánh từ một sân bay ở phía nam Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là, trong huấn luyện lần này, phía Trung Quốc cho biết sư đoàn trưởng Hách Kiến Khoa đích thân lái máy bay ném bom H-6K tiến hành huấn luyện. Trong khi đó, Hách Kiến Khoa là sư đoàn trưởng thuộc “Đại đội Thần Uy”, đơn vị này thuộc chiến khu Trung tâm của quân đội Trung Quốc.
Ngoài ra, máy bay ném bom H-6K tham gia huấn luyện lần này do Trung Quốc công bố có số hiệu là 41175, hoàn toàn thống nhất với số hiệu của một chiếc máy bay ném bom H-6K xuất hiện cuối cùng trong clip “Đẩy nhanh nâng cao năng lực tấn công chiến lược” của “Đại đội Thần Uy” công bố vào ngày 27/3/2018.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 21/5 dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho rằng sở dĩ máy bay ném bom H-6K lần đầu tiên hạ cánh trên Biển Đông lựa chọn đảo Phú Lâm là do các nguyên nhân sau đây:
Trước hết, cơ sở vật chất do Trung Quốc xây dựng (phi pháp) ở đảo Phú Lâm đã nhiều năm, tương đối hoàn thiện, độ dài của đường băng lên đến khoảng 3.000 m, từng cất, hạ cánh máy bay chở khách Boeing-737, có lợi cho cất, hạ cánh (phi pháp) những máy bay cỡ lớn như H-6K.
Thứ hai, cất cánh H-6K ở đó đã “có đủ ưu thế chiến thuật lớn”, mang theo đầy đủ vũ khí như bom thông thường để cất cánh, ở phía tây có thể “vươn đến toàn bộ lãnh thổ Việt Nam”, ở phía đông có thể vươn tới đảo Đài Loan, ở phía nam có thể vươn tới các đảo ở quần đảo Trường Sa. Nếu chứa đủ nhiên liệu có thể vươn xa hơn.
Thứ ba, đảo Phú Lâm nằm ở quần đảo Hoàng Sa (quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp), cất, hạ cánh máy bay ném bom H-6K ở đó sẽ “không gây ra quan ngại quá mức” cho các nước xung quanh Biển Đông, mà còn có thể “giảm tối đa tiếng nói quốc tế bất lợi”. Tuy nhiên, chuyên gia Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cất, hạ cánh H-6K ở đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam) là đã “tương đối kiềm chế”.
Rõ ràng, hoạt động huấn luyện cất, hạ cánh máy bay ném bom trong đó có H-6K của không quân Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam là một hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây bất ổn khu vực, không có lợi cho duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Trung Quốc cần chấm dứt các hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Đây là tuyên bố phản đối mạnh mẽ đối với hành động lần này của Trung Quốc của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng vào ngày 21/5/2018.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh. Việc làm này "làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
Việt Nam đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.