Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm và bình luận của Việt Nam việc Trung Quốc và Nga tập trận chung trên Biển Đông, Người phát ngôn Lê Hải Bình nói: "Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam cho rằng mọi hoạt động, bao gồm các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông, cần phải tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Việt Nam mong muốn tất cả các nước đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương".
Lên tiếng về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung Quốc mới đây nói rằng Nga không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNLOS 1982, đề cao việc tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật đối với các vùng biển và đại dương".
Về việc Nhật Bản quyết định tuần tra biển Đông cùng Mỹ, ông Lê Hải Bình - người phát ngôn Bộ Ngoại giao - cho biết: lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động của các bên phải có đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Cụ thể, ông Lê Hải Bình nói: “Lập trường nhất quán của Việt Nam đó là mọi hoạt động của các bên đều phải có đóng góp tích cực, xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực Biển Đông.
Biển Đông là tuyến đường biển huyết mạch của khu vực cũng như trên thế giới, vì vậy, tất cả các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích cũng như có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực này”.
Trước đó, truyền thông thế giới cho biết, hôm 15/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã đề cập đến vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông trong một cuộc nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington (CSIS), Mỹ.
Bà Tomomi Inada nói nếu thế giới để việc "bẻ cong luật" xảy ra, thì "hậu quả có thể mang tính toàn cầu". Do vậy, bà Tomomi Inada cho biết Nhật Bản sẽ tăng cường hiện diện trên Biển Đông thông qua việc tuần tra chung với Mỹ và tập trận song phương, đa phương với các nước trong khu vực.
"Trong bối cảnh này, tôi ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ trong nỗ lực giữ gìn trật tự quốc tế trên biển theo luật pháp", bà Inada nói.
Đồng thời, một phần của kế hoạch tăng cường hiện diện của Nhật Bản tại biển Đông cũng bao gồm việc tăng cường năng lực cho các quốc gia giáp biển.
Thực tế, Nhật Bản đã triển khai viện trợ tài chính, tàu tuần tra cỡ nhỏ cho Việt Nam và một số nước trong khu vực để tăng năng lực bảo vệ lãnh hải của các nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. Ảnh:Reuters. |