|
Tính đến đầu tháng 12/2016, tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Internet Việt Nam đạt khoảng 5%, thời điểm cao nhất lên tới 6,28% (nguồn APNIC) - ảnh minh họa. |
Tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin Mạng Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), chỉ số truy cập qua IPv6 của Việt Nam tăng trưởng tốt, đặc biệt từ sau Ngày IPv6 Việt Nam (06/05/2016). Tính đến đầu tháng 12/2016, tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Internet Việt Nam đạt khoảng 5%, thời điểm cao nhất lên tới 6,28% (nguồn APNIC), hiện Việt Nam vượt lên đứng thứ 2 Khu vực ASEAN, thứ 4 khu vực Châu Á.
Từ số liệu tổng hợp của các doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam, công tác triển khai IPv6 cho mạng lưới và dịch vụ đã có những số liệu nổi bật. Việt Nam đã có hơn 800.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trên nền IPv6, băng thông quốc tế qua IPv6 khoảng 3.700 Gbytes, lưu lượng IPv6 khoảng 400 Gbytes, là các nhân tố chủ đạo trong công tác triển khai IPv6 của Việt Nam.
Với các nỗ lực bền bỉ, hoạt động đúng hướng của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia và sự hưởng ứng thực tế của doanh nghiệp, năm 2016, kết quả hoạt động thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam đã có bước khởi sắc đáng kể. Hiện tại, Việt Nam vượt lên đứng thứ 2 về kết quả triển khai IPv6 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 4 khu vực Châu Á (sau Nhật Bản, Malaysia và Ấn Độ) với tỉ lệ truy cập Internet qua IPv6 khoảng 5%.
Tuy có những tiến triển đáng kể trong kết quả triển khai IPv6 thực tế, nhưng tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam còn thấp so với tỉ lệ trung bình chung của khu vực và trên thế giới (khoảng 13% vào thời điểm hiện tại) và vẫn còn những điểm tồn tại cần nỗ lực giải quyết để đảm bảo có thể thực hiện được mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.
Nhiều tín hiệu tin vui từ các doanh nghiệp viễn thông
Lãnh đạo VNNIC đánh giá, mức độ hỗ trợ và triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 của ISP và doanh nghiệp viễn thông còn chưa đồng đều, kết quả của Việt Nam chủ yếu đến từ FPT Telecom. Trong khi các doanh nghiệp lớn khác như VNPT, Viettel, mức độ triển khai cung cấp dịch vụ chưa cao; đặc biệt là chưa có chỉ số dịch vụ di động 4G LTE, khi quốc tế triển khai mặc định với IPv6, nhưng doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng chưa mạnh dạn triển khai.
Trao đổi về kết quả triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 của FPT Telecom, đại diện Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết, đây là doanh nghiệp dẫn đầu Việt Nam và đứng thứ 17 toàn cầu trong công tác triển khai IPv6. Trong năm 2016, FPT đã cung cấp dịch IPv6 cho khoảng 800.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định; 100% các Website của FPT Telecom đã hoàn toàn chạy trên nền IPv6; triển khai IPv6 cho mạng nội bộ cũng như các dịch vụ nội dung, ứng dụng với khoảng 1.000.000 khách hàng IPv6 truy cập; tỉ lệ lưu lượng IPv6 quốc tế khoảng 22,7% (băng thông 3.491 Gbytes), trong nước khoảng 0.037% (băng thông 456 Gbytes).
Trong khi đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng tiếp tục được Cục chú trọng xây dựng kế hoạch, triển khai thử nghiệm thành công IPv6 cho hệ thống mạng TSLCD của Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Trung ương Đảng với tỉ lệ IPv6 tương ứng đạt khoảng 0,0165% và 1,423%. Tháng 12/2016, Cục tiếp tục phối hợp với Trung tâm Tin học – Văn phòng Quốc hội triển khai thành công IPv6 cho mạng của Văn phòng Quốc hội.
Đầu năm 2016, Viettel thử nghiệm dịch vụ băng rộng cố định và di động 4G LTE thành công trên nền tảng IPv6 tại Vũng Tàu với khoảng 120 khách hàng; băng thông IPv6 trong nước là 70,25 Gbytes, quốc tế là 155,13 Gbytes; Viettel đã có lưu lượng IPv6 nhưng chưa nhiều. Trong thời gian tới, Viettel tiếp tục triển khai dịch vụ IPv6 cho 28 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các dịch vụ băng rộng cố địn, 4G LTE, Hosting IDC, Cloud server ....
Cũng như Viettel, VNPT đã triển khai thử nghiệm một số dịch vụ có hỗ trợ IPv6 như dịch vụ quảng bá, xây dựng Website chạy IPv6. Tổng số lượng khách hàng của VNPT đo đạc được là hơn 4.000 khách hàng đầu cuối có IPv6. VNPT đã tăng trưởng lưu lượng IPv6 nhưng chưa nhiều. Năm 2017, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ IPv6, đặc biệt là dịch vụ 4G LTE, băng rộng cố định …
Năm 2016, Mobifone đã nâng cấp hệ thống, hoàn thành thử nghiệm IPv6 cho mạng CNTT, xây dựng phương án thử nghiệm dịch vụ 4G LTE. Sau khi triển khai thử nghiệm thành công, MobiFone sẽ triển khai chính thức dịch vụ 4G LTE trên nền tảng IPv6 vào cuối năm 2017. MobiFone cũng đã thực hiện chuyển đổi IPv6 thành công cho chuyên trang của MobiFone Portal.
VnExpress đã triển khai chuyển đổi và cung cấp dịch vụ IPv6 cho 4 chuyên trang của Báo VnExpress với khoảng 932.000 người dùng IPv6 truy cập mỗi ngày; tỉ lệ lưu lượng IPv6 kết nối trong nước khoảng 4,15% và 11% kết nối quốc tế. Báo VnExpress cũng đã rút ngắn 1 – 2 năm trong Kế hoạch chuyển đổi dịch vụ nội dung sang hỗ trợ IPv6.
NetNam cũng là đơn vị có hoạt động triển khai IPv6 từ rất sớm, hiện đã có 7 website sẵn sàng và dán nhãn IPv6 Ready Logo, duy trì 324 khách hàng dịch vụ Tunnel; NetNam đã sẵn sàng và dự kiến sẽ cung cấp IPv6 cho dịch vụ DNS, Hosting, Leasedline, wifi trong năm 2017.
Trong năm qua SCTV đã cung cấp IPv6 cho hơn 2.000 khách hàng băng rộng cố định, tỉ lệ lưu lượng IPv6 của mạng SCTV kết nối trong nước và quốc tế đều có tăng trưởng.
Đánh giá về hoạt động triển khai của VTC, VNNIC cho biết đơn vị này đã tăng cường kết nối peering IPv6 với VNPT, FPT, Mobifone Global; đã triển khai dịch vụ IPv6 cho hơn 500 khách hàng dịch vụ game mobile; tăng lưu lượng IPv6 kết nối VNIX (0,04%), trong nước (<1%), quốc tế (4%); thực hiện quảng bá IPv6 cho các khách hàng doanh nghiệp.
Năm 2016, CMC Telecom đã triển khai IPv6 rõ rệt hơn: Đã cung cấp dịch vụ IDC, hosting với IPv6; đã có lưu lượng IPv6 kết nối quốc tế và kết nối qua VNIX, tuy nhiên kết nối peering trong nước hầu như chưa có và việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới khách hàng còn rất thấp.