Việt Nam “gác” Biển Đông với vệ tinh Ấn Độ...

VietTimes -- Ấn Độ sẽ thiết lập một trạm theo dõi vệ tinh và trung tâm hình ảnh ở miền nam Việt Nam, cho phép Hà Nội tiếp cận các hình ảnh vệ tinh bao quát toàn bộ khu vực bao gồm Trung Quốc và Biển Đông, giới chức Ấn Độ cho biết.
Một vụ phóng vệ tinh của Ấn Độ
Một vụ phóng vệ tinh của Ấn Độ

Theo Souh China Morning Post (Hong Kong) ngày 25/1, động thái trên có thể chọc tức Bắc Kinh, nước có quan hệ với cả Ấn Độ và Việt Nam và đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trong khi trạm quan trắc vệ tinh là một cơ sở dân sự có nhiệm vụ giám sát bề mặt trái đất phục vụ nông nghiệp, khoa học và ứng dụng môi trường, các chuyên gia an ninh cho rằng hình ảnh vệ tinh cũng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Theo các chuyên gia an ninh, Hà Nội đang tìm kiếm các công nghệ tình báo, trinh sát và giám sát trong bối cảnh Biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng. “Về phương diện quân sự, động thái này có thể rất quan trọng. Đây là một giải pháp đôi bên cùng thắng, bổ khuyết cho Việt Nam đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ”, Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Trương nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định.

Tập đoàn nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) sẽ tài trợ và xây dựng trạm quan trắc và thu nhận dữ liệu vệ tinh nói trên tại TPHCM để giám sát các vụ phóng vệ tinh của Ấn Độ, giới chức nước này thông báo. Truyền thông Ấn Độ cho biết trị giá dự án vào khoảng 23 triệu USD.

Ngành khoa học không gian Ấn Độ đã có bề dày 54 năm với lịch trình mỗi tháng phóng một vệ tinh và các hệ thống trạm quan trắc tại quần đảo Andaman và Nicobar, Brunei, Biak ở Indonesia và Mauritius sẽ theo dõi vệ tinh trong giai đoạn đầu rời bệ phóng. Trạm quan trắc tại Việt Nam sẽ tăng cường năng lực cho hệ thống này, phát ngôn viên ISRO Deviprasad Karnik cho hay.

Nhưng không giống như các trạm quan trắc ở nước ngoài khác, cơ sở tại Việt Nam có thể được lắp các thiết bị thu nhận hình ảnh vệ tinh quan sát trái đất của Ấn Độ, giúp Việt Nam có thể sử dụng vào mục đích của mình, một quan chức chính phủ Ấn Độ giấu tên cho biết.

Theo các chuyên gia an ninh, các căn cứ hải quân khu vực duyên hải Trung Quốc, các chiến dịch của lực lượng hải cảnh, hải quân cũng như mọi động tĩnh trên các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông đều nằm trong tầm giám sát của vệ tinh Ấn Độ.

Một quan chức Ấn Độ khác cho biết New Delhi cũng sẽ tiếp cận các hình ảnh này. Ấn Độ có 11 vệ tinh giám sát trái đất trên quỹ đạo, giúp cung cấp hình ảnh về nhiều khu vực khác nhau. Giới chức Ấn Độ không cung cấp khung thời gian khi nào trạm quan trắc sẽ đi vào hoạt động. Giới chuyên gia an ninh cho rằng Việt Nam có thể sẽ được cung cấp những hình ảnh theo thời gian thực nhờ các vệ tinh Ấn Độ cũng như trui rèn khả năng phân tích hình ảnh.

“Các công nghệ tiên tiến có nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa các vệ tinh dân sự và quân sự. Trong một số trường hợp, các hình ảnh của vệ tinh dân sự đủ tốt cho mục đích quân sự”, ông Trevor Hollingsbee, nhà phân tích tình báo hải quân hồi hưu của Bộ Quốc phòng Anh  nói.

Các vệ tinh trinh sát tinh vi có thể được dùng để thu các tín hiệu và liên lạc quân sự, cũng như cung cấp hình ảnh chi tiết về các mục tiêu trên mặt đất với độ chính xác dưới một mét, ông Kok và các chuyên gia khác cho biết.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông nhằm độc chiếm vùng biển quan trọng này
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông nhằm độc chiếm vùng biển chiến lược này

Trạm quan trắc vệ tinh sẽ là cơ sở nước ngoài đầu tiên như vậy ở Việt Nam sau khi Hà Nội và New Delhi ký thỏa thuận tăng cường quan hệ an ninh. Ấn Độ đã cung cấp tín dụng để Việt Nam mua các tàu tuần tra và đào tạo thủy thủ tàu ngầm giúp Việt Nam, trong khi Hà Nội trao quyền thăm dò dầu khí trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông cho Ấn Độ.

Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia như Việt Nam, bỏ qua lo ngại việc này khiến Trung Quốc bực tức, giới quân sự đánh giá. “Bạn muốn hợp tác với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, lý do rất hiển nhiên là Trung Quốc”, chuyên gia Ajay Lele thuộc Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng New Delhi nói. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều đang trong quá trình hiện đại hóa quân đội nhằm đối phó với môi trường an ninh ngày càng phức tạp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng trạm quan trắc vệ tinh không phải vấn đề quân sự, còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận gì. Học giả Úc Carl Thayer nghiên cứu quân sự Việt Nam từ thập niên 1960 đánh giá cơ sở quan trắc vệ tinh cho thấy cả hai nước Việt-Ấn đều muốn tăng cường hợp tác an ninh do chia sẻ nhiều lợi ích chung.

 T.N