Theo đó nhấn mạnh việc tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương được quản lý chặt chẽ, cơ quan chuyên môn ở địa phương tiếp tục được giữ ổn định.
Ông cho biết, ở cấp tỉnh có 17 cơ quan được tổ chức thống nhất và một số cơ quan được thành lập theo đặc thù riêng; cấp huyện có 10 cơ quan được tổ chức thống nhất, 2 cơ quan được tổ chức cho phù hợp với từng loại đơn vị hành chính và 1 cơ quan đặc thù là phòng dân tộc; các huyện đảo có không quá 10 cơ quan. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhìn chung vẫn còn cồng kềnh.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã ban hành các quy định để triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, không tăng biên chế công chức, viên chức, chỉ tuyển dụng mới 50% số biên chế nghỉ hưu, tinh giản; phấn đấu đến 2021 giảm 10% số công chức và 20% số viên chức trong tổng biên chế; triển khai xây dựng vị trí việc làm.
Tổng số cán bộ cấp Thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ; một số cơ quan vượt so với quy định do sắp xếp tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ; gần đây Bộ Chính trị điều động một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng về các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
“Số lượng cấp phó ở các bộ, ngành và địa phương dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quá trình triển khai thực hiện luật tổ chức Chính phủ và luật tổ chức chính quyền địa phương", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Theo đó, tính đến tháng 9/2015, có 122 Thứ trưởng và tương đương (bằng số lượng đầu nhiệm kỳ); có 242 phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh (nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển thì vượt 13 người so với quy định và giảm 1 người so với đầu nhiệm kỳ).
Theo VOV