Việt Nam có hơn 204.000 người nghiện ma túy được quản lý

Theo Thượng tướng Vương, năm 2010, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê có đánh giá số liệu người nghiện nhưng sau đó không theo dõi thường xuyên. Năm 2014, Bộ Công an tham gia đánh giá thì ra số liệu như báo cáo.
Xét xử một vụ án liên quan đến ma túy tại một phiên tòa lưu động ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Xét xử một vụ án liên quan đến ma túy tại một phiên tòa lưu động ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Sáng 14-4, Bộ Công an đã báo cáo về Chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng, chống ma túy giai đoạn 2011-2015 tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự thắc mắc về số người nghiện tăng cao trong những năm qua và tình trạng ma túy tuồn vào các trại giam.

Tăng cao là do lỗi thống kê

Theo báo cáo của Bộ Công an năm 2010, cả nước có 143.196 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, đến năm 2014 cả nước có 204.337 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 61.181 người, bằng 42,72%). Đáng chú ý là ngoài việc tăng về số người nghiện thì thành phần người nghiện ma túy cũng đa dạng, có cả học sinh, sinh viên, người mẫu, vận động viên, trí thức.

Trước thắc mắc của các đại biểu về tỉ lệ người nghiện tăng cao như thế trong những năm qua, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng chênh lệch này là do lỗi của cơ quan thống kê…

Theo Thượng tướng Vương, năm 2010, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê có đánh giá số liệu người nghiện nhưng sau đó không theo dõi thường xuyên. Năm 2014, Bộ Công an tham gia đánh giá thì ra số liệu như báo cáo.

Liên quan tới vấn đề này, trong cuộc họp báo tổng kết về cao điểm tấn công trấn áp tội phạm tại TP.HCM mới đây, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP cho biết số người nghiện có hồ sơ theo dõi hơn 19.000 chỉ mới phản ánh hơn 50% thực tế. Với người nghiện lang thang không có nơi cư trú thì tỉ lệ sót lọt trong thống kê lên đến khoảng 70% thực tế.

Nhận định về tình trạng sót lọt trong số liệu thống kê như Công an TP.HCM nêu, Thượng tướng Quý Vương khẳng định với Pháp Luật TP.HCM: “Đúng là có sót lọt nhiều so với thực tế. Người nghiện sử dụng ma túy lén lút nên việc thống kê chính xác là không dễ…”.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết rất lo ngại tình trạng không thống kê, quản lý được người nghiện ngoài xã hội sẽ phát sinh nhiều tệ nạn trộm, cướp, giết người… do tác dụng ma túy.

Phạm nhân tuồn ma túy bằng “ngôn ngữ riêng”

Đại biểu Lê Văn Lai nêu lên thực trạng đáng lo ngại trong phòng, chống ma túy là việc ma túy được tuồn vào, trao đổi, sử dụng trong chính các trại giam. Đại biểu Lai chất vấn: “Đề nghị Thứ trưởng cho biết tình trạng thẩm lậu ma túy vào trại giam thế nào? Không chỉ riêng tôi bức xúc trước tình trạng trên…?”.

Thứ trưởng Lê Quý Vương thừa nhận về tình trạng trên là có và đáng lo ngại, ở các nước tiên tiến như Mỹ cũng xảy ra. Tại Việt Nam, tình trạng tuồn ma túy vào trại giam xảy ra chủ yếu tại các trại giam ở các tỉnh phía Bắc. Do các tỉnh phía Bắc có nhiều tội phạm ma túy. Có trại giam tỉ lệ người nghiện thụ án chiếm đến 70%. Ông Vương nhận định ma túy tuồn vào trại giam qua ba con đường: Qua hàng tiếp tế, qua thăm gặp phạm nhân và các trại giam nằm gần khu dân cư thì chỉ cần vung tay là ma túy có thể được ném vào trại.

Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho biết qua nghiên cứu tại các trại giam thì phạm nhân có ngôn ngữ riêng bằng dấu hiệu, ám chỉ… để trao đổi, sử dụng ma túy trong trại. “Có trường hợp hai phạm nhân đứng cách xa nhau, chỉ trao đổi ánh mắt mà hiểu nhau để cùng phối hợp hành động…” - Thứ trưởng Vương khẳng định.

Để đấu tranh với tình trạng tuồn ma túy vào trại giam cũng khó khăn, ví dụ hàng tiếp tế là một cái bánh chưng, một cân giò… thì giám thị cũng không đành lòng yêu cầu băm nhỏ thức ăn đó ra để kiểm tra.

Tuy nhiên, ông Vương khẳng định nguyên nhân là từ sự lơ là, tiếp tay của cán bộ quản giáo. Bộ Công an cũng đã xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, tiếp tay của cán bộ trại giam. Điển hình như đã xử lý hình sự nhiều cán bộ quản giáo tại Trại giam Tân Lập (Phú Thọ) tiếp tay tuồn ma túy (năm 2014), lơ là để phạm nhân mang điện thoại vào trại. Mới đây, Bộ Công an cũng xử lý trách nhiệm nhiều cán bộ quản giáo của Trại giam số 3 (Nghệ An) tiếp tay tuồn ma túy vào trại.

2/5 mục tiêu không đạt

Báo cáo trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thừa nhận mục tiêu quan trọng hàng đầu là giảm người nghiện; giảm số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy không đạt được. Mục tiêu về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện đối với người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý cũng không đạt được. Còn lại ba mục tiêu đạt được như tăng hiệu quả phòng, chống tội phạm, ngăn chặn nguồn ma túy nước ngoài, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy; triệt xóa việc trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Theo PLTP