Sáng 28/11, trong khuôn khổ Hội thảo Truyền thông chuyên đề về công tác dân số, Hội nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Cục Dân số đã tổ chức tập huấn cho các phóng viên, nhà báo địa phương và của trung ương đóng tại Đà Nẵng.
Trao đổi tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội cho biết, từ năm 1980 đến nay, mặc dù chất lượng dân số Việt Nam đã được nâng lên, nhưng chưa vững chắc; chỉ số HDI vẫn ở bậc trung bình và xếp ở vị trí 116/188 quốc gia (số liệu năm 2014).
Không chỉ vậy, dân số Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ khác biệt lớn về mức sinh giữa các tỉnh, các vùng miền trong cả nước. Nhất là khu vực có mức sống, chất lượng cuộc sống cao thì tỷ lệ sinh lại thấp. Trong khi đó, những khu vực không có điều kiện kinh tế, mức sống thấp lại có tỷ lệ sinh cao. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng khi tỷ lệ bé trai/100 bé gái là 112,8 (năm 2015).
Đặc biệt, biến đổi mạnh cơ cấu dân số theo tuổi khi dân số vàng đang giảm và dân số già Việt Nam đang tăng. Cụ thể, theo số liệu năm 2015, tỷ lệ dân số từ 0-14 tuổi giảm 0,5% so với năm 2009 khi ở mức 24%; độ tuổi từ 15-64 giảm 1%, còn 68,4% so với năm 2009; Và dân số ở độ tuổi 65 trở lên tăng 0,5% ở mức 7,6% so với năm 2009.
"Nguyên nhân là do nhận thức và hành động còn nặng về công tác kế hoạch hóa gia đình, tư duy về dân số và phát triển còn hạn chế", GS.TS Nguyễn Đình Cự phân tích.
"Chính vì vậy công tác trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển của đất nước", GS.TS Nguyễn Đình Cự nhấn mạnh.
Chia sẻ lại buổi tập huấn, Nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo TP Đà Nẵng chia sẻ: "Đây là những buổi trao đổi nghiêp vụ, giúp cho các phóng viên nhà báo có cách nhìn, tương tác đúng đắn hơn đối với công tác truyền thông dân số nói riêng và y tế nói chung. Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ bẫy thu nhập trung bình và cơ cấu dân số là một vấn đề đáng quan tâm. Bởi thực trạng dân số nước ta là nước chưa giàu, nhưng dân đã già. Nên vai trò của phóng viên, nhà báo là khá quan trọng trong việc truyền thông đối với công tác dân số".