Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông VNPT, Mobifone, VNPT, BKAV, đại diện Sở TT&TT các địa phương, cũng như các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ bao gồm Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC), Cục quản lý thương mại quốc tế (ITA), Bộ Thương mại, Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia (ANSI) và nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ như Qualcomm, Intel Palo Alto Networks, Oracle, Mavenir…
Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT nhấn mạnh việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn là yêu cầu cấp thiết, cả đối với thiết bị, mạng lưới, hạ tầng, chất lượng dịch vụ, các vấn đề an toàn an ninh mạng, góp phần nhanh chóng hoàn thiện môi trường quản lý, đẩy nhanh việc triển khai và thương mại hoá 5G tại Việt Nam.
Hội thảo lần này tập trung vào 03 chủ đề gồm: tiêu chuẩn 5G và OpenRan; Mạng lưới và hạ tầng; An ninh mạng 5G. Chuyên gia và diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn tại Hoa Kỳ, nêu ý kiến về các lĩnh vực ứng dụng 5G, giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc triển khai 5G, đảm bảo an toàn an ninh mạng, thúc đẩy mở cửa thị trường, tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về 5G.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Alex Orange, Giám đốc cấp cao Qualcomm tại Đông Nam Á, nhận định rằng thị trường 5G vào năm 2030 có thể đạt tới 30 nghìn tỉ USD. Do đó, theo ông, Việt Nam cần nghiên cứu 5G sẽ được ứng dụng trong lĩnh vực nào khi mà ở thời điểm hiện tại nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nông nghiệp, khai khoáng. Thực tế mạng 5G sẽ là nền tảng cho nông nghiệp chính xác, hay thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực như giáo dục số, y tế, khám chữa bệnh từ xa, phẫu thuật, logistic, sản xuất thông minh ...
Liên quan đến vấn đề cơ chế quản lý và sử dụng băng tần, bà Jayne Stancavage, đại diện Intel cho rằng, với cơ chế cung cấp tần số linh hoạt, FCC đã làm rất tốt ở Mỹ khi đưa ra quy chế về kỹ thuật, cấp phép, tạo ra một bộ khung, và chia sẻ với cộng đồng để giảm thiểu tối đa các rào cản kỹ thuật. Quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, cơ chế kỹ thuật có sự tham gia của các doanh nghiệp, vì thế các chính sách khi được ban hành không phải là con số không với doanh nghiệp, mà nó đã là một quá trình tiếp cận, nghiên cứu ngay từ đầu, việc này giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng đưa dịch vụ ra thị trường…
Về các câu hỏi liên quan tới 5G SA hay NSA, tại Hoa Kỳ, FCC không đưa ra trách nhiệm nhà mạng phải triển khai theo SA hay NSA, đó là quyết định của nhà mạng và họ chỉ phải nộp hồ sơ thông báo cho FCC phổ tần 4G đã dược cấp điều chuyển sang 5G.
Theo các chuyên gia, nếu nhà mạng hiện hữu đã đầu tư vào 4G LTE rồi thì đương nhiện họ tận dụng hạ tầng, sử dụng mạng lõi hiện có, có lộ trình chuyển đổi cho các giai đoạn tiếp theo. Nếu nhà mạng mới chưa có hạ tầng, chưa đầu tư gì thì nhà mạng đó sẽ sử dụng công nghệ mới nhất theo mô hình SA. Và họ cần cân nhắc hệ sinh thái có thiết bị SA chưa. Ở Đông Nam Á đã có nhà mạng của Singapore triển khai ngay mạng SA và hệ sinh thái của họ phát triển rất nhanh.
Đánh giá về tương lai phát triển 5G tại Việt Nam, các đại biểu tham dự Hội thảo đều có chung nhận xét, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là nước đi đầu trong việc tiếp nhận sớm công nghệ 5G. Việc ban hành các tiêu chuẩn và thúc đẩy tiêu chuẩn toàn cầu là cần thiết để điều phối các nỗ lực 5G trong khu vực, đồng thời tạo thuận lợi cho môi trường pháp lý mở nhằm khai thác hiệu quả mạng 5G trong các ngành công nghiệp liên quan.