Sinh ra và lớn lên bên dòng sông đỏ nặng Phù Sa với cái tên thơ mộng: sông Hồng, cậu bé con có cái tên đáng yêu: Thế Anh của dòng họ Phạm - Bát Tràng đã ngấm những ngọt lành từ dòng sông thơ mộng ấy từ khi còn phôi thai trong lòng mẹ.
Lớn lên, trở thành một chàng trai sức dài vai rộng, đi khắp đó đây, tới những chân trời rộng mở, những cường quốc lớn, nghe nhiều câu chuyện thú vị và cuốn hút về con người, đất đai và cuộc sống, trở về quê hương, đi bên dòng sông vẫn cuồn cuộn quấn quanh làng anh bắt đầu suy nghĩ về tiềm năng còn ẩn chứa từ dòng sông thương yêu…
Nghệ nhân Phạm Thế Anh - "cha đẻ" của dòng gốm Hồng Sa (dòng gốm được hình thành từ phù sa sông Hồng).
|
Và huyền thoại bắt đầu từ những hạt phù sa
Ngược dòng thời gian, trở về cuộc thiên di đầu tiên của các cụ liệt tổ, liệt tông khai sinh ra ngôi làng để nhớ lại những gì đã có với dòng sông kì diệu này: Được chiếu vua ban, những người con ưu tú của làng Bồ Bát, làng chuyên về gốm sứ (thuộc Ninh Bình- cố đô Hoa Lư xưa) đã đi dọc dòng sông Hồng và thấy 72 đụn đất trời ban- đất sét trắng, loại đất quý tạo thành gốm và cho ra lò những sản phẩm đặc biệt. Các cụ đã ở lại, gây dựng nên Bạch Thổ phường (một phường làm nghề gốm từ loại đất trắng kia) và qua thời gian, với tài hoa cùng sự nỗ lực phi thường, mảnh đất này đã tạo ra các thế hệ anh tài, vang danh đất Việt và trở thành mảnh đất Bát Tràng được ghi vào sử sách tới ngày nay.
Dần qua thời gian, nhiều người cho rằng, đụn đất thần kỳ không còn nữa, những người con của làng nghề phải đi tìm khai thác đất khắp nơi. Song ít ai biết sự thật này: cho dù là 72 đụn hay gấp hàng ngàn lần con số ấy lên cũng không thể nào cứ vậy mà khai thác mãi được nên các bậc cao niên trong làng nhắc nhở cháu con: đó là con số tượng trưng cho tâm linh và mang ý nghĩa trường tồn, bền vững, mãi mãi chứ không phải là con số đếm được để ngồi đấy hưởng dần. Đến một ngày, tự thế hệ tiếp nối sẽ phải tìm và giải mã cho sự trường tồn bằng chính tấm lòng, trái tim, khối óc của mình.
Và đêm đêm, lại ngày nối ngày những tiếng sóng dịu dàng ăm ắp phù sa đỏ nặng của sông Hồng vẫn vỗ về quanh làng, thủ thỉ câu chuyện xưa và thôi thúc cháu con làng nghề qua từng câu chuyện kể, từng dòng chữ khắc vào các câu đối đặt ở đình làng…
Cho đến một ngày, chàng thợ gốm Phạm Thế Anh, một người con của làng nghề và là một trong số những người con đời thứ 15 của dòng họ Phạm - một trong 23 dòng họ tại Bát Tràng đã được gọi tên, chính anh đã mày mò, nghiên cứu, thử nghiệm để tạo ra dòng gốm mới, dòng gốm được hình thành từ phù sa sông Hồng.
Dòng gốm mới được Phạm Thế Anh đặt tên là Hồng Sa, sự kết hợp giữa tên của dòng sông quê mẹ với tên những chắt chiu ngọt lành từ dòng sông ấy dành tặng cho anh, cho làng cổ Bát Tràng và cho đất nước Việt Nam xinh tươi này: chất Phù Sa.
Chàng thợ gốm chân chất sau vẻ lãng tử, hào hoa
Cũng như rất nhiều người con của mảnh đất nổi danh Bát Tràng, mảnh đất mà trong sử sách đã ghi, còn lưu trong hai câu đối tại cột đồng trụ uy nghiêm gắn ở đình làng: “Ngũ hành tú khí chung anh kiệt - Vạn trượng văn quang biểu cát tường” (Nơi hội tụ khí thiêng hun đúc nên các bậc anh hùng hào kiệt - Ánh sáng văn hóa tỏa xa vạn dặm biểu thị sự cát tường) Phạm Thế Anh mang đến cho người đối diện những bất ngờ thú vị.
Rất nhiều người từng nhầm tưởng Phạm Thế Anh là một diễn viên hay tài tử điện ảnh.
|
Không chỉ với những người lần đầu được gặp và cảm nhận mà cả bà con chòm xóm đều khen nghệ nhân Phạm Thế Anh: chàng trai ấy đẹp và nhân hậu. Rất nhiều người còn nhầm tưởng anh là một diễn viên hay tài tử điện ảnh. Xong Phạm Thế Anh chỉ cười vui và anh cho biết anh là một chàng thợ gốm thứ thiệt, chân lấm tay bùn, quần thảo với đất, với hồ với những sản phẩm gốm sứ từ khi còn là cậu thiếu niên, bị bố “quẳng” xuống phân xưởng làm thợ gốm cho tới khi là ông chủ trẻ, được gọi là “xếp” ở công ty gốm Hoàng Long.
Tới lúc chúng tôi được ngồi nói chuyện, nghe anh nói về những trăn trở, những đam mê và khao khát dành cho nghề mới thấy hết vẻ cao quý trong tâm hồn người thợ gốm Phạm Thế Anh sau những choáng ngợp từ thành công ban đầu mà anh có được hôm nay.
Ngay từ khi còn nhỏ, như một trào lưu thời bấy giờ, chàng trai sinh năm 1975 theo đòi chúng bạn bỏ học sớm mà gia đình bắt nài thế nào cũng không thích đi học tiếp. Bởi vậy, kết thúc lớp 9 anh bị bố (là xếp của đơn vị tiền thân công ty anh quản lý ngày nay) “tống cổ” xuống phân xưởng, bắt phải làm một người thợ gốm như thể nếu cậu công tử của ông không chịu học hành thì cũng không được phép chơi bời lêu lổng.
Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi chơi, bị bố cư xử như vậy hẳn cậu ấm con cũng không thoải mái cho lắm. Nhưng bây giờ trưởng thành nhìn lại, nghệ nhân Phạm Thế Anh đã cảm ơn những ngày tháng gian nan học nghề đó. Bởi qua những thất bại, những khó khăn của ngày đầu học việc anh mới có được niềm đam mê nghề và khát khao chinh phục những thách thức, vươn tới những thành công như hôm nay. “Nếu sinh ra ở làng nghề mà không giỏi nghề sẽ không thể sống nổi bằng nghề, càng không thể có được thành công, có lẽ sự khởi đầu này là một may mắn của mình”, nghệ nhân Phạm Thế Anh chia sẻ.
Phải mất 11 năm, bắt đầu từ năm 1993, học từ cục đất, miệt mài bên bàn xoay, tay ngâm trong hồ đất trộn, lem nhem từ đầu tới chân, làm hỏng rồi làm lại nhiều lần, học từng bài men để trở thành một người thợ gốm lành nghề Phạm Thế Anh mới được giao tiếp quản công ty, khi đó anh 30 tuổi, năm 2005 - cũng là lúc người bố kính yêu của anh từ trần.
Dù đã lăn lộn và hiểu về đất, hiểu về sản phẩm, về nghề nhưng khi tiếp quản công ty Phạm Thế Anh đã gặp phải những bài toán khó trong quản lý và vận hành công việc kinh doanh. Nhưng bằng những nỗ lực cả trong nghề và trong công tác quản lý Thế Anh đã dần tháo gỡ được khó khăn và từng bước ổn định, phát triển công ty gốm Hoàng Long.
Một khoảng không gian đẹp lôi cuốn trong khu vườn của nghệ nhân Phạm Thế Anh.
|
Để có được cơ ngơi đẹp như cổ tích với dòng kênh nhỏ chạy quanh nhà, với chiếc cầu kiều xinh xinh nối đôi bờ trưng bày toàn những bộ đồ trà đẹp hoa cả mắt, với những viên sỏi to nối bước trên làn nước trong veo ra khu vườn độc đáo bày tượng Quan Âm cùng những danh hiệu cao quý của người làm nghề nghệ nhân Phạm Thế Anh đã mất một hành trình gian nan 17 năm trời, có lúc tưởng như không vượt qua nổi. Nhưng suốt 17 năm đó, câu chuyện về tấm lòng hào hiệp, sự chân thành và tài năng của anh luôn được những người thân, những ai yêu quý anh nhắc nhớ.
Yêu tranh để đi qua thách thức của đời sống
Đã có những câu chuyện về đời sống của nghệ nhân Phạm Thế Anh với sở thích hội họa và trước những câu hỏi quan tâm nhiệt thành của cánh phóng viên, anh đã vui vẻ cho biết:
“Năm 2011, sau một thời gian thay bố mình tiếp quản công ty thì mình gặp phải những chuyện buồn trong đời sống - tài chính và có những thách thức trong công việc buộc phải vượt qua. Trước đó, mình và một số anh em trong làng biết đến tài năng hội họa của chú Tạ Kỳ Vinh, một họa sĩ không chuyên, làm bên nghành Lâm nghiệp. Chú có nhiều tranh về phong cảnh quê hương rất đẹp nhưng mình chưa có cơ duyên gặp mặt. Tình cờ vào năm 2011 mình gặp chú tại Bát Tràng và được biết chú cũng đang gặp những chuyện nan giải ở gia đình và buộc phải bán nhà. Thế là mình nảy ra ý định cùng chú hợp tác để tháo gỡ tình hình cho cả hai bên.
Mình mời chú tới nhà ở cùng, dành riêng cho chú tầng 2 và đầu tư toàn bộ màu, bút, toan, khung… để chú thực hiện những bức họa mà cả hai chú cháu lên ý tưởng. Rất nhiều bức tranh chú vẽ hoàn toàn theo ý thích của mình: về những con đường trơn trượt, lầy lội dưới mưa, về ký ức tuổi thơ, về cánh đồng hay dòng sông, những chiếc đèn hay những cơn mưa bóng mây…
Một góc không gian treo tranh của họa sĩ Tạ Kỳ Vinh.
|
Đó là những tháng ngày ảm đạm trong cuộc đời của chú Vinh, tâm tư này tác động mạnh tới phong cách hội họa và khiến các bức chú vẽ như chất chứa nỗi buồn. Còn mình, muốn hướng tới sự tươi mới, trẻ trung và một phần muốn chú giải thoát khỏi thế giới nội tâm u uất nên đã trình bày ý tưởng để chú thực hiện những bức vẽ mang sắc thái khác hẳn hoặc dung hòa với tâm trạng buồn bã, ảm đạm kia.
Hai năm đầu hai chú cháu sớm- trưa- chiều- tối đàm đạo và loay hoay với những bức vẽ mà chưa bán được bức nào. Chú vẽ ra, mình đầu tư tới đâu bao tiêu toàn bộ tới đấy.
Gia đình lúc đó ủng hộ mình bởi thấy mình buồn mà có người bầu bạn, lại là người hiền lành, gặp cảnh khó khăn như chú thì mọi người yên tâm vì cả nhà ai cũng sống đùm bọc, có tính tương trợ lẫn nhau. Nhưng bạn bè và hàng xóm láng giềng thân thiết lại đùa: Thân ông ông chả lo nổi lại còn lo cho ông khác, chả hiểu ông nghĩ kiểu gì.
Sau đó mình đưa con chú về đây học nghề, vợ chồng chú vui lắm! Các em giờ đã trưởng thành, ổn định được tài chính. Cách đây không lâu, cả nhà chú đã ra thuê nhà. Vợ chồng mình đã giữ chú ở lại và phân tích rằng: chú hãy để dành tiền thuê nhà thành một khoản và mua nhà rồi cả gia đình về cho bớt tốn kém. Nhưng chú muốn quy tụ gia đình. Điều kỳ diệu là sau bao nhọc nhằn, ở tuổi 80 chú vẫn mua piano chơi, thi thoảng vẽ tranh, chú vẫn vui vẻ và yêu đời”.
Một góc đẹp khác trong khu vườn của nghệ nhân Phạm Thế Anh.
|
Tìm lối đi riêng và sáng tạo ra loại gốm mới
Chính khoảng thời gian làm mới mình với hội họa đã giúp Phạm Thế Anh háo hức trở lại với công việc và cuộc sống để tạo ra bước phát triển mới cho sự nghiệp. Năm 2017 đánh dấu những mốc son cho chàng thợ gốm làng nghề khi anh liên tiếp gặt hái các danh hiệu cao quý mà bất kể người con nào của các làng nghề truyền thống cũng ước mơ: Nghệ nhân Hà Nội, Danh hiệu Bàn Tay Vàng, Doanh Nhân tiêu biểu Châu Á Thái Bình Dương (với danh hiệu này nghệ nhân Phạm Thế Anh còn đoạt hai giải khác là: Hàng Việt Nam- Châu Á Thái Bình Dương; Nhà hoạt động Châu Á Thái Bình Dương) và năm 2018 nghệ nhân Phạm Thế Anh còn đoạt Giải Bạc Festival Huế năm 2018.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận sự nỗ lực và tài năng cùng những mày mò, nghiên cứu của Phạm Thế Anh suốt từ khi anh bắt đầu cầm cục đất tạo nên hình hài của gốm cho tới những bức đi táo bạo sau này.
Trong khi các lớp cha chú, các bậc đàn anh, bạn bè và cả lứa các em trẻ tuổi tạo nên sự phát triển mạnh mẽ với sự đa dạng hóa các mặt hàng gốm sứ, liên tiếp mở công ty cùng mạng lưới tiêu thụ rộng khắp thì Phạm Thế Anh lại làm cú rẽ ngang: một mình một kiểu- tạo một lối đi riêng: chỉ tập trung mũi nhọn sản xuất hàng ấm chén.
17 năm qua, kể từ khi thay cha đảm nhận vị trí trụ cột, Phạm Thế Anh không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để đưa ra những mẫu mã ấm chén mới. May mắn thay, anh đã được thị trường và đối tác lớn là Nhật Bản tin cậy. Qua những thử thách ban đầu, đối tác Nhật đã cử chuyên gia sang đào tạo bài bản và tỉ mỉ cho chính anh và anh em trong công ty, sau đó họ bàn giao- trao đổi dây chuyền công nghệ, hỗ trợ cho việc hợp tác.
Ban đầu, công ty Hoàng Long chỉ làm sản phẩm thô rồi chuyển qua Nhật hoàn thiện mới xuất ra thị trường. Sau đó, khi đã đủ độ chín, công ty bắt đầu có những đơn hàng hoàn thiện từ trong nước, xuất sang nước bạn, được đón nhận và mang lại hiệu quả doanh thu tốt.
Cùng với xu thế phát triển, dòng ấm Tử Sa theo phong cách Trung Quốc được sản xuất rầm rộ và trở thành mặt hàng nóng tại thị trường Việt Nam.
Phạm Thế Anh không quản ngại thời gian, tâm sức nghiên cứu về dòng ấm này. Nhưng thay vì lao vào sản xuất anh lại suy nghẫm về một hướng phát triển mới.
Trong những lần được sang nước bạn thăm quan và nghe nói về đất Tử Sa với rất nhiều câu chuyện huyền thoại Phạm Thế Anh đã liên tưởng tới việc xưa kia cha ông làng gốm lấy đất phù sa sông Hồng để tạo thành chất men gốm phủ ngoài cho sản phẩm và anh bắt đầu đưa ra quyết định táo bạo: tại sao nước bạn có thể tạo ra gốm Tử Sa từ một loại đất đặc biệt còn gọi là cát tím mà ta lại không thể tạo được một loại gốm từ phù sa sông Hồng.
Những thử nghiệm ban đầu sụp đổ, những thử nghiệm sau đó cũng không thành công bởi với 100% phù sa đã không tạo ra sự kết khối. Và sau nhiều nỗ lực Phạm Thế Anh đã tìm ra công thức cho bài gốm đặc biệt này.
Chưa đủ yên tâm, anh đã thử nghiệm nhiều lần và cho các đối tác khó tính kiểm nghiệm để cùng đi tới kết luận: phù sa sông Hồng đã làm nên điều thần diệu. Để ghi nhớ anh đặt tên cho loại gốm này là Hồng Sa. Mới đây, nghệ nhân Phạm Thế Anh đã đăng ký thành công độc quyền thương hiệu gốm Hồng Sa, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp và đăng ký bản quyền trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam về loại gốm này./.