|
Đại dịch Covid-19 đã giúp nhiều công ty truyền thông, báo chí gia tăng số người đọc trả phí cho các nội dung trực tuyến. Ảnh: What's New In Publishing |
Đã hơn một năm kể từ khi đại dịch bùng phát vào cuối năm 2019, sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế thế giới đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đương nhiên, ngành công nghiệp tin tức cũng không ngoại lệ. Đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, trên khắp thế giới, nhiều hãng tin tức lâu đời đã buộc phải đóng cửa, các nhà báo bị sa thải trong khi các nhà quảng cáo có xu hướng lo sợ.
Mặc dù vậy, theo báo cáo Tin tức số 2021 của Viện nghiên cứu Reuters thuộc Đại học Oxford, một số công ty truyền thông, báo chí đã được hưởng lợi từ nhu cầu muốn có những thông tin đáng tin cậy về đại dịch - như khả năng tiếp cận được nhiều người hơn, nâng cao mức độ uy tín của tờ báo và gia tăng số người đăng ký trả phí.
Các công ty truyền thông, báo chí uy tín đang hoạt động trực tuyến tốt hơn
|
Số người đọc trực tuyến của các hãng tin lớn trên thế giới đều tăng. Ảnh: What's New In Publishing |
Ở Bắc và Tây Âu, một số trang tin tức thương mại và dịch vụ công (những trang web hoạt động bằng nguồn vốn công và phi lợi nhuận) tiếp tục thu hút được số lượng độc giả trực tuyến lớn hơn so với một năm về trước và những trang này cũng tạo được mức độ tin cậy cao hơn.
Tại Na Uy, VG (Verdens Gang) chứng kiến mức tăng 9% về lượt sử dụng hàng tuần so với năm 2020, N-TV (Đức) tăng 4%, trong khi MTV News (Phần Lan) tăng 7%. Các trang web truyền thông dịch vụ công cũng hoạt động rất tốt, nguyên nhân là do họ tận dụng được phạm vi tiếp cận của mình thông qua TV và đài phát thanh để quảng cáo trực tuyến một cách tốt hơn.
Câu chuyện về Covid-19 đã phát huy được thế mạnh trong việc đưa tin dựa trên thực tế và chuyên biệt của các phương tiện truyền thông đại chúng với tin tức trực tuyến bao gồm các bảng phân tích dữ liệu về Covid-19, bản tin Covid-19 hàng ngày và các tập tin âm thanh hoặc video (podcast) phân tích, giải thích.
Niềm tin vào báo chí đang trên đà tăng lên
|
Niềm tin của người đọc đang tăng trở lại, giữa bối cảnh tin giả về đại dịch Covid-19 xuất hiện tràn làn trên các nền tảng mạng xã hội. |
Nói cách khác, niềm tin vào các phương tiện truyền thông tin tức đã được khôi phục trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây nên. Trước đó, nó đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc “tấn công” của những chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy và sự gia tăng đáng kể của các thông tin sai lệch được phát tán qua mạng xã hội. Hiện tại, niềm tin vào báo chí đang ở mức 44%, tăng trung bình khoảng 6% và nhiều hơn đáng kể ở một số quốc gia.
Ở đây, có một trường hợp ngoại lệ là Hoa Kỳ. Nước Mỹ đã bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc bầu cử Tổng thống 2020 cùng với những cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại phân biệt chủng tộc. Theo What’s New In Publishing, Mỹ, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ là 3 quốc gia không có sự gia tăng niềm tin vào báo chí trong năm nay.
|
Niềm tin vào báo chí tăng trong khi niềm tin vào các nền tảng mạng xã hội có xu hướng giảm. Ảnh: What's New In Publishing |
Kể từ khi mạng xã hội ra đời và phát triển bùng nổ trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, điển hình như Facebook, YouTube, Twitter…, báo chí đã chịu những tác động mạnh mẽ, từ việc thua thiệt trong thông tin ban đầu, sự chậm trễ trong đưa tin, thậm chí bị mạng xã hội “dắt mũi” đưa tin sai lệch, không kiểm chứng đến bị chia sẻ thị phần quảng cáo một cách đáng báo động.
Mọi thứ chỉ đảo ngược trong vài năm trở lại đây do lo ngại về những thông tin sai lệch và gây hiểu lầm của người dùng mạng xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch, những thông tin sai lệch, gây hiểu lầm về Covid-19 hoặc sức khỏe cộng đồng xuất hiện ngày càng nhiều.
Trước sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng, các nền tảng mạng xã hội đã buộc phải thực hiện cách tiếp cận cứng rắn hơn nhằm gỡ bỏ nhanh chóng những nội dung độc hại. Các nền tảng này cũng đã giới thiệu những nguồn thông tin đáng tin cậy về Covid-19, bao gồm số liệu thống kê chính thức từ các thương hiệu tin tức uy tín. Việc các mạng xã hội giới thiệu những nguồn thông tin đáng tin cậy được dự đoán sẽ còn tiếp tục kéo dài ngay cả sau khi đại dịch được đẩy lui.
Về phía các công ty báo chí, truyền thông, đại dịch cũng đã đẩy nhanh các kế hoạch thu hút độc giả trả phí cho nội dung trực tuyến, thông qua các mô hình đăng ký hoặc tài trợ. El Pais (Tây Ban Nha), El Tiempo (Colombia) và News 24 (Nam Phi) là một trong số những ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, cùng với việc xây dựng các bức tường phí đối với những nội dung trực tuyến, đại dịch cũng làm dấy lên lo ngại về sự bất bình đẳng trong cách tiếp cận thông tin. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu như hiện nay, việc những người có khả năng trả phí sẽ nhận được những thông tin chất lượng hơn so với những người còn lại liệu có hợp lý?
Thói quen trực tuyến của người dùng đang thay đổi
Trong đại dịch, nhiều người lớn tuổi đã bắt đầu chấp nhận các nền tảng số mới, tận dụng những tiện ích từ việc mua sắm trực tuyến và hội nghị truyền hình (Video Conferencing) đem lại. Nhiều loại hình dịch vụ đăng ký số đã bùng nổ, đặc biệt là các dịch vụ phát trực tuyến mang tính giải trí như Netflix. Tin tức có thể đi sau xu hướng này. Tuy nhiên, khi khả năng kinh tế của các gia đình trở nên eo hẹp, các công ty truyền thông, báo chí cũng có khả năng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc làm thế nào giữ chân độc giả.
Theo báo cáo của What’s New In Publishing, mọi người đang sử dụng điện thoại thông minh để truy cập tin tức nhiều hơn với khoảng 73% sử dụng cho mục đích này hàng tuần. Sự thay đổi đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài và có tác động lớn đối với các “định dạng” mới của tin tức. Các tin tức được trình bày đẹp mắt dưới dạng hình ảnh và video ngắn đang hoạt động rất tốt trong bối cảnh đại dịch. Có thể kế đến các ứng dụng mạng xã hội ưu tiên thiết bị bị di động như TikTok hay Instagram.
Như vậy, mọi người đang có xu hướng tiêu dùng kỹ thuật số, sử dụng mạng xã hội và thiết bị di động nhiều hơn. Điều này cũng đang khiến cho các mô hình kinh doanh cũ của báo chí trở nên lạc hậu đồng thời khiến niềm tin vào các công ty truyền thông bị suy giảm. Cú hích Covid-19 kết hợp với sự thay đổi về mặt công nghệ một cách chóng mặt buộc các nhà lãnh đạo truyền thông phải suy nghĩ lại về cách thức hoạt động của báo chí trong thập kỷ tới với tư cách là một doanh nghiệp cũng là một nghề.
Theo What’s New In Publishing