Viện Báo chí Reuters: 76% các tổ chức báo chí, truyền thông đã đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ thói quen truyền thống và tạo ra các xu hướng mới trong ngành báo chí, truyền thông.
Ảnh: What's New In Publishing
Ảnh: What's New In Publishing

Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Reuters Institute for the Study of Journalism - RISJ) đã công bố một báo cáo về cách mà các tổ chức báo chí, truyền thông phản ứng lại với những biến đổi thị trường trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra và những hành động đó có ý nghĩa như thế nào đối với năm 2021 và tương lai về sau.

Ông Nic Newman, Trợ lý Nghiên cứu cấp cao tại RISJ, cho biết: “Năm 2021 sẽ là năm của những thay đổi về kỹ thuật số sau những cú sốc mà đại dịch Covid-19 mang đến. Giãn cách xã hội và những hạn chế khác đã phá vỡ thói quen truyền thống và tạo ra xu hướng mới. Trong năm nay, chúng ta sẽ khám phá ra những thay đổi đó sẽ diễn ra như thế nào”.

Đa dạng hóa nguồn doanh thu được đặt làm mục tiêu chính

Báo cáo “Dự đoán Xu hướng và Công nghệ của Báo chí Truyền thông năm 2021” của Viện Báo chí Reuters được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát vào tháng 12/2020 với sự tham gia của 234 đại diện ngành báo chí, truyền thông truyền thống và kỹ thuật số trên 43 quốc gia. Trong đó, các đại diện tham gia gồm có: 52 Tổng biên tập, 45 CEO và 29 Trưởng bộ phận Kỹ thuật số.

“Việc cho rằng đại dịch Covid-19 với vai trò là một chiếc “máy gia tốc” đối với ngành báo chí sẽ trở nên ngày càng sáo rỗng nếu thiếu đi những dẫn chứng cụ thể. Trong cuộc khảo sát, các biên tập viên, CEO và các lãnh đạo cấp cao khác đã cho chúng tôi thấy cái nhìn thực tế về ý nghĩa của điều này đối với họ”, ông Nic Newman cho biết thêm.

Theo báo cáo, có đến 76% trên tổng số người được hỏi đã thừa nhận rằng đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh mong muốn và kế hoạch chuyển đổi số của họ. Các chiến lược kinh doanh về cơ bản sẽ bao gồm những thay đổi đối với phương thức làm việc, mô hình kinh doanh hay cách các công ty truyền thông nghĩ về sự cách tân, đổi mới.

Thúc đẩy đăng ký số (digital subscriptions) - được đánh giá là phần trọng tâm của doanh thu hơn cả quảng cáo hiển thị (Display Advertising) và quảng cáo tự nhiên (Native Advertising) - là câu trả lời nhận được từ đại đa số người tham gia khảo sát. Thương mại điện tử (eCommerce) và các sự kiện (events) là những ưu tiên đáng chú ý tiếp theo.

Mặc dù đăng ký số (digital subscriptions) dẫn đầu về mức độ quan trọng thiết yếu, nhưng thực tế, chúng chỉ là một trong số nhiều các nguồn doanh thu đa dạng khác mà các tổ chức báo chí, truyền thông đang sử dụng, với mục đích đảm bảo một tương lai phát triển bền vững trong dài hạn và giảm thiểu hay hạn chế sự phụ thuộc vào quảng cáo.

Việc “đa dạng hóa nguồn doanh thu là chủ đích chính” đối với các tổ chức báo chí. Trung bình, các tổ chức báo chí thường đặt mục tiêu phát triển ít nhất 4 nguồn doanh thu khác nhau trong năm nay và những năm tới.

Mô hình đăng ký được coi là một trong những nguồn doanh thu quan trọng nhất đối với các tổ chức báo chí hiện nay.

Mô hình đăng ký được coi là một trong những nguồn doanh thu quan trọng nhất đối với các tổ chức báo chí hiện nay.

Trong số đó, tờ The Independent (Anh) đã ngừng phát hành báo in cách đây hơn 4 năm về trước, doanh thu hiện nay của họ chủ yếu dựa vào sự kết hợp giữa quảng cáo số, thương mại điện tử (eCommerce), mô hình doanh thu liên kết (affiliate revenue), đăng ký trả phí (subscription) và mô hình đóng góp. Đặc biệt, những nội dung của The Independent cũng đã được mở rộng sang các ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha.

“Chúng tôi đã trải qua một năm với lợi nhuận và doanh thu đạt mức kỷ lục chưa từng có, vì vậy chúng tôi cảm thấy rất tự tin về con đường phát triển trong những năm tới đây”, Giám đốc điều hành của The Independent, ông Christian Broughton cho biết.

Bên cạnh đó, The Independent cũng đang có kế hoạch đẩy nhanh các sáng kiến mới bao gồm: dự án video hoặc truyền hình và mở rộng ra thị trường quốc tế nhiều hơn trong năm nay.

Thương mại điện tử tăng mạnh trong 4 năm tới

Theo Group M, công ty đầu tư truyền thông hàng đầu thế giới, thương mại điện tử là một nguồn thu đầy hứa hẹn khác cho các công ty báo chí, truyền thông với mức chi tiêu được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong vòng 4 năm tới, lên đến 7 tỷ USD.

Một số tờ báo như BuzzFeed, The New York Times và New York Magazine hay Vox Media đã có những bước tiến đáng kể đầu tiên trong lĩnh vực này.

Nhìn chung, các tổ chức báo chí xây dựng các sáng kiến thương mại điện tử của họ chủ yếu xoay quanh việc quản lý nội dung và họ nhận được hoa hồng từ việc mua bán, như những gì mà Wirecutter, trang web đánh giá sản phẩm thuộc sở hữu The New York Times, The Strategist của Tạp chí New York/Vox Media và IndyBest của The Independent đang làm.

Bên cạnh thương mại điện tử, thì sự kiện (events) và gói đăng ký (subscription) cũng được xem là nguồn doanh thu đầy tiềm năng trong ngành báo chí nói chung. Hoạt động kinh doanh sự kiện dường như đã đi vào “ngõ cụt” do các lệnh giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc được chính phủ các quốc gia thực thi để bảo vệ người dân khỏi đại dịch Covid-19.

Trước tình hình đó, mô hình “Work from home” nổi lên, mọi người dần chuyển sang hình thức làm việc tại nhà và ngày càng trở nên quen thuộc hơn với các công cụ trực tuyến như Zoom, Houseparty hay Google Meet. Điều này vô hình chung là “cứu tinh” cho đại đa số các đơn vị báo chí, truyền thông, khi họ tiến hành triển khai các sự kiện trực tuyến.

Họ đã nhanh chóng nhận thấy rằng các sự kiện trực tuyến có thể được tổ chức tốt trong thời gian ngắn, với chi phí cơ sở hạ tầng thấp hơn, thu hút lượng độc giả cao hơn so với sự kiện thực tế truyền thống.

“Rất nhiều tổ chức báo chí, truyền thông đang đặt cược và cho rằng việc kết hợp các sự kiện trả phí với các đăng ký hiện có sẽ là một cách tốt để củng cố lòng trung thành và giảm tỷ lệ độc giả rời đi. Những người khác xem các sự kiện trực tuyến là nguồn dữ liệu vô giá và là cách để bắt đầu mối quan hệ với những độc giả tiềm năng mới”, ông Newman cho biết.

Ý tưởng mới đến từ độc giả và dữ liệu

Những cú sốc do đại dịch Covid-19 mang đến đòi hỏi các tổ chức báo chí phải nhạy bén trong việc đổi mới để thích ứng với môi trường đầy biến động như hiện nay. Mạng truyền hình cáp tại Hoa Kỳ - CNN đã phát hành podcast về virus Covid-19 của hãng chỉ trong vài ngày, trong khi nếu như trước đây quá trình này phải mất đến hàng tháng để phân tích và kèm theo đó là hàng loạt các cuộc họp và báo cáo đi kèm.

74% người tham gia khảo sát của Viện Reuters cho biết, những ý tưởng cách tân tuyệt vời nhất của họ đến từ những hiểu biết về độc giả và dữ liệu. Các nhà lãnh đạo cấp cao nói rằng, giờ đây, đóng góp của họ trong việc tạo ra các ý tưởng mới chỉ chiếm một phần rất hạn chế và chủ yếu, họ chỉ đứng ra tạo điều kiện thuận lợi cho những người khác phát triển các ý tưởng sáng tạo với sự trợ giúp của dữ liệu.

Theo ông Newman, “tốc độ đổi mới sẽ vẫn duy trì đà tăng trong năm nay khi các công ty truyền thông đẩy mạnh các kế hoạch chuyển đổi số của họ. Nhưng số vốn tài chính có sẵn rót vào cho các khoản đầu tư mới sẽ ít hơn. Các công ty có khả năng tập trung vào việc cải tiến các sản phẩm và thương hiệu hiện có hơn là đầu tư quá nhiều vào một dự án và mong nó thành công rực rỡ hoặc tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới”.

Một bộ phận những người tham gia khảo sát cho biết, trước mắt, họ muốn cải thiện trải nghiệm cốt lõi của các trang web và ứng dụng của họ. Trong số những người được hỏi, có người nói rằng, “báo chí nói chung có rất nhiều điều cần tăng tốc như tính dễ sử dụng, dịch vụ khách hàng… Tiêu biểu là Amazon và Netflix, việc có trong tay trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu người dùng không thể đăng nhập dễ dàng, tạm dừng đăng ký hay thay đổi chi tiết thanh toán”.

“Chúng tôi tin rằng thiết kế có những tác động to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cải thiện trải nghiệm người dùng, mức độ tương tác và “vòng đời” của người đăng ký. Các tổ chức tin tức phải học hỏi từ các công ty chuyên doanh kỹ thuật số (digital pure plays) và ngành công nghiệp hàng tiêu dùng (công nghiệp nhẹ) cách gia tăng giá trị thông qua thiết kế”, Goetz Hamann, Trưởng bộ phận Xuất bản kỹ thuật số tại Die Zeit khẳng định.

Thị trường podcast có thể vượt quá 3,3 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025

Mọi sự đổi mới sẽ trở nên vô ích nếu kết quả cuối cùng vẫn là không thu hút được độc giả. Hai định dạng mà các tổ chức báo chí đã dựa vào nhiều nhất để “lôi kéo” và giữ chân độc giả vào năm 2020 là bản tin qua email và podcast.

Giống như đã đề cập ở trên về CNN, nhiều đơn vị tin tức đã phát hành các bản tin qua email và podcast để cung cấp cho độc giả thông tin giúp họ điều hướng cuộc sống sau những tác động đến từ đại dịch Covid-19. The New York Times, là một trong số các tổ chức báo chí đã tạo ra các bản tin email, họ đã bổ nhiệm nhà báo cao cấp David Leonhardt làm người phụ trách Bản tin Tóm tắt Buổi sáng (có hơn 17 triệu người đăng ký).

Podcast cũng đã phát triển rất mạnh trong năm ngoái mặc dù mọi người không còn di chuyển đường dài nhiều như trước (do lệnh giãn cách). Các podcast về đại dịch như “Coronavirus Fact vs Fiction” (của CNN) và “Coronavirus Update” (của NDR, Đức) là những podcast đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ độc giả trên khắp thế giới.

Không thể không kể đến các khoản đầu tư đáng kể vào định dạng này trước đó, như Spotify mua lại The Ringer (một trang web thể thao và văn hóa đại chúng và nội dung bằng podcast); Megaphone mua lại Gimlet Media (công ty truyền thông kỹ thuật số và sản xuất podcast tường thuật). Amazon cũng có động thái đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào podcast sau khi mua lại Wondery (một mạng podcast của Mỹ) thời gian gần đây.

Âm thanh (audio) mang lại cơ hội phát triển đáng kể cho các tổ chức tin tức. Deloitte ước tính rằng thị trường podcast có thể vượt quá 3,3 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025, gấp khoảng 3 lần so với quy mô hiện tại. “Phần lớn giá trị này sẽ tiếp tục có được qua quảng cáo nhưng chúng tôi cũng sẽ tiến hành các mô hình trả phí vào năm nay”, ông Newman cho biết.

69% cho rằng AI là động lực lớn nhất cho báo chí

Phần lớn các sáng kiến tăng trưởng nói trên sẽ được hỗ trợ bởi công nghệ. Báo cáo nghiên cứu về một số công nghệ có thể có ảnh hưởng tới báo chí trong thập kỷ tới cho thấy, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR), kết nối 5G và thiết bị thông minh là những công nghệ chủ chốt.

Đa số những người được hỏi (69%) cho AI là động lực lớn nhất cho báo chí trong vài năm tới, tiếp theo là 5G (18%) và các thiết bị mới (9%).

Đa phần các tổ chức báo chí, truyền thông đã và đang sử dụng các công nghệ AI như máy học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLG) và nhận dạng giọng nói để giúp tổ chức tìm kiếm những câu chuyện và độc giả mới, tăng tốc sản xuất đồng thời cải thiện phân phối.

The Globe and Mail, một tờ báo tại Canada đã sử dụng một công cụ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là Sophi để chọn lọc các câu chuyện cho trang chủ và các trang đích khác của tờ báo.

BBC cũng đã thử nghiệm một công cụ chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ này sẽ sử dụng phóng sự và thông tin tổng hợp từ các nguồn chính thức để trả lời các câu hỏi của độc giả xoay quanh virus Covid-19.

Theo ông Newman, “một trong những lĩnh vực đáng chú ý nhất trong năm nay có thể là tự động hóa hoặc bán tự động hóa các định dạng mới từ văn bản”.

BBC đang thử nghiệm các công cụ chuyển đổi những tin tức bằng văn bản thành những “câu chuyện bằng hình ảnh” có thể hiển thị trên điện thoại di động. Những công cụ tương tự trên có thể giúp các công ty truyền thông phục vụ sở thích khác nhau của khán giả mà không đòi hỏi quá nhiều nguồn lực đầu tư vào đó.

Nắm bắt thời cơ

“Sự kết hợp của các thiết bị mới, kết nối tốt hơn và công nghệ ngày càng phát triển hứa hẹn về một thế giới thông minh hơn, nơi trí thông minh của con người được tăng cường và hỗ trợ bởi máy móc. Nhưng việc này cũng đánh dấu một thời kỳ gián đoạn với những mặt trái tiềm ẩn đối với nhiều người trong ngành. Báo chí với tư cách là một doanh nghiệp sẽ cần phải nắm lấy thời cơ ngay lúc này để hoàn thành quá trình chuyển đổi của chính mình càng nhanh càng tốt”, ông Newman đã khẳng định.