Cụ thể, đây là lỗi phần mềm được ghi nhận bởi một người dùng Youtube. Khi người này chỉnh ngày trên chiếc iPhone của mình về 1/1/1970, và khởi động lại, máy đã biến thành cục gạch và vô phương cứu chữa, dù đã liên tục khởi động lại máy. Thậm chí, sử dụng iTunes hay DFU để khôi phục lại iPhone cũng không ăn thua.
Tất cả những gì chiếc iPhone làm được sau đó chỉ là bật sáng màn hình và dừng lại ở logo trái táo khuyết, mà không thể truy cập vào hệ điều hành. Còn theo giới thợ sửa chữa, thì đây là một trong những lỗi "treo Táo". Hiện tại, vẫn chưa rõ nguyên nhân, cũng như cách khắc phục triệt để lỗi phần mềm trên.
Đã có rất nhiều ý kiến bàn luận xung quanh sự cố trên. Theo lý giải từ cộng đồng người dùng iPhone trên diễn đàn Reddit, sở dĩ iPhone gặp lỗi quái đản như vậy là bởi, khi người dùng chỉnh máy về ngày 1/1/1970, đồng hồ bên trong máy sẽ bị đặt dưới mức thấp hơn 0, dẫn tới sự xáo trộn và khiến máy gặp lỗi.
Phía Apple hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về sự cố này. Nhưng nhiều khả năng, hãng sẽ sớm tung ra một bản vá khác trong thời gian sớm nhất. Nhìn chung, đây cũng không phải là lần đầu tiên các sản phẩm của hãng gặp phải sự cố quái đản tương tự, khiến người dùng vò đầu bứt tai không ngớt.
Được biết, trước đó, hàng trăm người dùng iPhone đã phản ảnh với Apple về lỗi Error 53 khiến thiết bị của họ trở thành cục gạch vĩnh viễn. Nguyên nhân ban đầu được xác định tới từ nút Home"không rõ nguồn gốc" được thay thế trước đó.
Điều này có nghĩa, trong trường hợp nút Home của người dùng bị hỏng, họ thay thế nó tại một cửa hàng sửa chữa điện thoại thay vì mang tới Apple Store, nút Home mới có thể không tương thích với các phần cứng khác trong máy, và bệnh tình phát tác khi bạn nâng cấp (hoặc cài đặt lại) hệ điều hành iOS. Hiện tại, Apple cũng chưa thể đưa ra biện pháp khắc phục cụ thể cho người dùng.
Không chấp nhận việc mất trắng hàng trăm USD, rất nhiều người dùng đã gửi đơn kiện liên Tòa án bang California, tố cáo "Apple đã đi quá xa" trong việc kiểm soát phần cứng trên những thiết bị do hãng phát triển, đồng thời yêu cầu khoản bồi thường lên tới 5 triệu USD vì những phiền toái này.
Tổng hợp