Từng dùng qua nhiều đời iPhone từ 3Gs cho tới các đời mới như 6 và 6s, nhưng Vũ Trí Dũng (26 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) mới đây lại mua phải một chiếc iPhone 6s giả. Theo người dùng này, iPhone 6s được anh mua với giá 15 triệu đồng từ một người trên một diễn đàn mua bán thực chất chỉ là một chiếc iPhone 6 cũ trị giá hơn 10 triệu đồng.
"Khi mua, mình đã kiểm tra rất kỹ từ thông tin số IMEI trên thiết bị, trong phần Settings cho tới vỏ hộp. Thậm chí, thử cả tính năng chỉ có trên 6s như 3D Touch, Live Photo cũng thấy bình thường. Mình còn cài đặt lại, cắm vào máy tính với phần mềm iTunes để kiểm tra. Tất cả đều thông báo là iPhone 6s bản 64GB màu vàng hồng. Kiểm tra cả số IMEI trên web của Apple cũng cho thấy sản phẩm còn thời hạn bảo hành, thông tin như một chiếc iPhone 6s Rose Gold 64GB", Dũng kể. "Chỉ khi đem máy về nhà, cắm vào máy tính, kết nối iTunes để khôi phục cái đặt gốc mới phát hiện ra đó chỉ là một chiếc iPhone 6, đã được thay vỏ và cài đặt lại phần mềm thành iPhone 6s", Dũng bức xúc.
Những chiếc iPhone 6s và 6s Plus nhái, giả được bán với giá rẻ và công khai.
Câu chuyện này sau đó được chia sẻ lại trên nhiều diễn đàn công nghệ, các trang chia sẻ của cộng đồng người dùng iPhone. Ai cũng bất ngờ vì nhiều người cho rằng, không có cách nào biến được iPhone 6 thành 6s mà lại qua mặt được các phần mềm kiểm tra của Apple. Bản thân iPhone 6 và 6s có phần cứng khác nhau, tính năng mới như 3D Touch liên quan đến phần cứng nên không thể chuyển từ đời mới sang đời cũ, chỉ có vỏ ngoài là dễ giả mạo vì 2 model giống nhau.
iPhone là thiết bị vốn được Apple quản lý khá chặt chẽ. Hệ điều hành iOS cũng được khoá kỹ, không dễ can thiệp và cài thêm tính năng mà Apple không cho phép. Việc cài đặt hay trao đổi dữ liệu cũng buộc phải sử dụng đến phần mềm iTunes trên máy tính, mỗi khi kết nối, iTunes sẽ thông báo đầy đủ tên, màu sắc và dung lượng thiết bị. Còn với số IMEI hay Serial, khi nhập trên trang web của Apple, người mua sẽ xem được thông tin về thời hạn bảo hành, máy mới hay đã được kích hoạt, qua sử dụng. Vì thế, với nhiều người dùng có kinh nghiệm, khi mua iPhone họ vẫn thường kết nối tới iTunes, tra thông tin số IMEI trên website của Apple để đảm bảo không mua phải máy giả.
Tuy nhiên, theo anh Phạm Xuân Việt, kỹ thuật viên của một cửa hàng iPhone trên đường (Nguyễn Thái Học, Hà Nội), cách kiểm tra trên chỉ còn hiệu quả với những mẫu iPhone nhái và giả rẻ tiền chạy Android. Còn với loại iPhone 6 giả thành 6s rất khó nhận biết, và ngay đến cả thợ cũng có thể bị qua mặt. Thậm chí, một vài cửa hàng ở Hà Nội cũng cho biết, họ từng bị chào mua iPhone 6s được làm giả từ iPhone 6. Tuy nhiên, cách thức làm giả cụ thể như thế nào vẫn chưa ai nắm rõ.
Theo suy đoán từ một số người buôn có kinh nghiệm, loại hàng trên có xuất xứ từ Trung Quốc và đã được làm giả rất tỉ mỉ nhằm giống thật nhất. Số IMEI trên iPhone 6 được làm giả đã được đổi sang của một máy iPhone 6s thật. Vỏ được thay sang loại màu hồng, có logo chữ S và đi kèm khay sim mới. Còn các tính năng như 3D Touch hay Live Photo sử dụng các phần mềm có chức năng tương tự, được cài thêm từ Cydia sau khi đã bẻ khoá máy (jailbreak). Để tránh bị phát hiện, các phần mềm cài thêm hay biểu tượng kho ứng dụng Cydia được giấu và xoá đi.
Chỉ đến khi người dùng cắm những chiếc iPhone 6s giả này vào iTunes và thực hiện việc khôi phục phần mềm hay nâng cấp thì mới xuất hiện thông báo lỗi thiết bị và phần mềm không tương thích. Lúc này mới lộ ra là iPhone 6. Vì mỗi đời iPhone có một phiên bản phần mềm riêng dù cùng phiên bản iOS và không thể cài đặt lẫn. Sau khi khôi phục lại hệ điều hành gốc bằng iTunes, chiếc iPhone 6s 64GB Rose Gold của anh đã trở lại thành một chiếc iPhone 6, các tính năng như 3D Touch hay Live Photo cũng biến mất.
Theo VnE