Vì sao vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Trung Quốc khiến tình báo Mỹ sửng sốt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Truyền thông Anh đưa tin, vào tháng 8/2021, Trung Quốc đã bí mật thử nghiệm vũ khí siêu thanh. Tính năng của tên lửa siêu thanh có khả năng mang hạt nhân này đã khiến các cơ quan tình báo Mỹ phải ngạc nhiên.
Bài viết về vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh Trung Quốc đăng trên Financial Times của Anh
Bài viết về vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh Trung Quốc đăng trên Financial Times của Anh

Trong một bài báo được tờ Financial Times của Anh (FT) đăng tải hôm 16/10, nguồn tin được trích dẫn cho biết vụ thử tên lửa siêu thanh do Trung Quốc tiến hành đã sử dụng tên lửa Trường Chinh làm phương tiện mang. FT cho biết, Trung Quốc thường đưa tin về các vụ phóng tên lửa, nhưng vụ thử vào tháng 8 này đã bị che giấu.

Nói chung, vũ khí siêu thanh là vũ khí bay trong khí quyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh trở lên và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa siêu thanh không đi theo quỹ đạo parabol cố định của tên lửa đạn đạo truyền thống, và có tính cơ động cao khiến đối phương khó theo dõi và đánh chặn.

Mặc dù Mỹ và các quốc gia khác đã phát triển hệ thống phòng thủ chống lại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, nhưng họ hiện không có khả năng theo dõi, bắn hạ và đánh chặn tên lửa siêu thanh.

Theo báo cáo mới nhất do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) công bố, Trung Quốc đã tích cực phát triển vũ khí siêu thanh, mà họ cho rằng điều này rất cần thiết để chống lại sự tiến bộ của Mỹ trong lĩnh vực siêu thanh và các công nghệ khác.

Hình ảnh được cho là vụ phóng thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Hình ảnh được cho là vụ phóng thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

AFP cũng chỉ ra rằng cuộc thử nghiệm này được tiến hành trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đặc biệt căng thẳng. Trong một thời gian, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan.

Báo cáo dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết: "Thí nghiệm này cho thấy Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, và nó tiên tiến hơn nhiều so với những gì mà các quan chức Mỹ nhận thấy".

Theo Financial Times, khả năng tên lửa của Trung Quốc cho phép loại vũ khí này có thể đột phá hệ thống phòng không hiện có. Về thông tin này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết: "Chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng rằng chúng tôi lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi phát triển quân sự. Điều này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực này và các khu vực khác. Đây là một trong những lý do chính để chúng tôi coi Trung Quốc là một thách thức hàng đầu”.

Reuters đã gửi một bản fax tới Bộ Quốc phòng Trung Quốc liên quan đến vụ phóng thử, với hy vọng họ bình luận về nó, nhưng đã không nhận được phản hồi.

Đầu đạn của tên lửa siêu thanh DF-17 mang hình dạng tàu lượn (Ảnh: Sina).

Đầu đạn của tên lửa siêu thanh DF-17 mang hình dạng tàu lượn (Ảnh: Sina).

Về thời gian và địa điểm cụ thể của vụ thử nghiệm không được tiết lộ. Tuy nhiên, hồi tháng 8 năm nay, Trung Quốc đã thông báo tập trận lớn chưa từng có ở Biển Đông từ ngày 6 đến 10/8 ở phía Đông Nam đảo Hải Nam và một vùng cấm bay đã được thiết lập bên trong khu vực diễn tập, khi đó đã có ý kiến có thể xảy ra vụ phóng thử tên lửa đạn đạo. Rất có thể khu vực mục tiêu của vụ thử nằm ở đây.

AFP đưa tin rằng hiện ít nhất 5 quốc gia, trong đó Trung Quốc, Mỹ và Nga, hiện đang nghiên cứu về công nghệ siêu thanh. Tháng trước, Triều Tiên cũng tuyên bố đã phóng thử một tên lửa siêu thanh mới được họ phát triển.

Trung Quốc trong cuộc diễu binh mừng Quốc khánh năm 2019 đã phô diễn các loại vũ khí tiên tiến, trong đó có loại tên lửa siêu thanh DF-17, gây bất ngờ cho dư luận. Tuy nhiên hiện không rõ tên lửa được phóng thử có phải là loại DF-17 này hay không?

Tên lửa đạn đạo này bay vào không gian vũ trụ và sau đó quay trở lại theo quỹ đạo dốc với tốc độ cao hơn. Vũ khí siêu thanh rất khó ngăn chặn vì chúng bay tới mục tiêu ở độ cao thấp và có thể đạt tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tức là khoảng 6.200 km/h.

Trang Financial Times của Anh ngày 16/10 đưa tin độc quyền Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh vào tháng 8, nhưng không giống như các lần trước đây, lần này tên lửa đầu tiên đi vào quỹ đạo và sau đó “bay quanh trái đất", rồi quay trở lại bầu khí quyển để lướt với tốc độ siêu thanh, nhưng cuối cùng bộ phận đầu đạn chiến đấu đã đánh vào nơi cách mục tiêu hơn 20 dặm (khoảng hơn 30 km).

Mô tả giả tưởng đường bay của tên lửa siêu thanh (Ảnh: Chinatimes).

Mô tả giả tưởng đường bay của tên lửa siêu thanh (Ảnh: Chinatimes).

Theo bài báo, khả năng này cho phép loại vũ khí này có thể đột phá mọi hệ thống phòng không hiện có. Các quan chức Mỹ nói công nghệ vũ khí siêu thanh của Trung Quốc tiên tiến hơn nhiều so với phán đoán của Mỹ. Tin tức này của Financial Times không phải là không có căn cứ. Bộ trưởng Không quân Mỹ trước đó tuyên bố rằng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong khả năng “tấn công từ quỹ đạo”. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ hồi tháng 8 cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân siêu thanh của Trung Quốc đặt ra thách thức lớn đối với Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ.

Về vấn đề này, mạng Guancha (Nhà quan sát) của Trung Quốc phân tích rằng vũ khí được Financial Times đưa ra là một "vũ khí siêu thanh trên quỹ đạo". "Vũ khí siêu thanh trên quỹ đạo" này trên lý thuyết thực sự có thể có tác dụng đột phá mạnh mẽ đối với tất cả các hệ thống chống tên lửa và cảnh báo sớm hiện có. Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo được sử dụng cho các cuộc tấn công hạt nhân thường hạn chế về trọng lượng bắn ném. "Vũ khí siêu thanh quỹ đạo" này sẽ cần một lượng lớn tải trọng để đi vào được quỹ đạo và quay lại bầu khí quyển, dẫn đến hiệu suất tấn công thấp và không phải là thứ vũ khí hiệu quả chiến đấu thật đặc biệt mạnh mẽ. Ngay cả khi có những thí nghiệm như vậy, chúng cũng được sử dụng trong các lĩnh vực khác của lĩnh vực hàng không vũ trụ, chứ không phải cho mục đích quân sự hóa.

DF-17 hiện là loại tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới đã được đưa vào trang bị chiến đấu (Ảnh: CCTV).

DF-17 hiện là loại tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới đã được đưa vào trang bị chiến đấu (Ảnh: CCTV).

Các quốc gia khác nhau có định nghĩa khác nhau về vũ khí siêu thanh. Nói chung, vũ khí siêu thanh là vũ khí bay trong khí quyển với tốc độ vượt quá 5 lần tốc độ âm thanh. Hiện tại, trên thế giới mới chỉ có Trung Quốc có vũ khí siêu thanh đã thực dụng. Cả Mỹ và Nga đều chưa chính thức đưa vũ khí siêu thanh vào trang bị. So với tên lửa đạn đạo truyền thống, vũ khí siêu thanh phần lớn bay trong khí quyển; hiện nay các hệ thống phòng thủ rất khó có thể đánh chặn vũ khí siêu thanh.

Các nhà bình luận quân sự trên Guancha cho rằng tình hình bay của loại vũ khí được Financial Times nói đến khác với các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh hiện có. Đó là "vũ khí siêu thanh trên quỹ đạo". Mỹ trước đây cũng đã phát triển các dự án thử nghiệm các dự án siêu thanh trên quỹ đạo như HTV-3X và X-37B, nhưng chưa được sử dụng cho mục đích quân sự.

Tên lửa này đầu tiên đạt tốc độ lên được quỹ đạo và đưa đầu đạn vào quỹ đạo thấp của Trái đất, trong khi tên lửa liên lục địa truyền thống không cần đạt tốc độ quỹ đạo, điều này khiến vũ khí này về mặt lý thuyết có thể bắn tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ở chế độ thâm nhập, vũ khí quỹ đạo này cũng được trang bị một vật thể bay siêu thanh trong khí quyển, để nó có thể bắt đầu lướt siêu thanh sau khi quay trở lại bầu khí quyển ở rất xa khu vực phòng thủ.

Sơ đồ hệ thống phòng thủ, đánh chặn tên lửa đạn đạo của Mỹ (Ảnh: 6parrk).

Sơ đồ hệ thống phòng thủ, đánh chặn tên lửa đạn đạo của Mỹ (Ảnh: 6parrk).

Loại "vũ khí siêu thanh quỹ đạo" này về lý thuyết thực sự có thể có tác dụng xuyên phá mạnh mẽ đối với tất cả các hệ thống cảnh báo sớm và chống tên lửa hiện có. Hệ thống cảnh báo sớm chống tên lửa giai đoạn giữa hiện nay chủ yếu dựa trên việc tính toán tên lửa đạn đạo có quỹ đạo đường đạn cố định, không thể chặn được vật thể vũ trụ đang cơ động trên quỹ đạo. Sau khi cơ động quỹ đạo kết thúc đầu đạn lướt siêu thanh quay trở lại khí quyển, điều khiển khí động học cũng có thể được sử dụng để duy trì cơ động trong khí quyển, tránh việc quân đội Mỹ sử dụng tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa để đánh chặn, và với tốc độ cực nhanh của nó, có thể rút ngắn đáng kể thời gian phản ứng của tên lửa chống giai đoạn cuối.

Taylor Fravel, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts và là chuyên gia về chính sách vũ khí hạt nhân Trung Quốc, cho rằng, mặc dù ông không biết vụ thử có thật hay không, nhưng độ cao bay của tàu lượn siêu thanh rất thấp, khiến chúng khó theo dõi và tiêu diệt. Sau đó, ông đề cập đến thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc, nói rằng vũ khí này sẽ xuyên thủng mọi hệ thống phòng không của Mỹ, Trung Quốc khi phát triển và bố trí nó sẽ phá hoại sự ổn định chiến lược. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ thử nghiệm vũ khí này một lần, chưa cho thấy họ đã khả năng triển khai nó.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ hồi tháng 8 tuyên bố “Trung Quốc gần đây đã chứng minh khả năng vật thể bay lướt siêu thanh rất tiên tiến” và cảnh báo rằng khả năng này sẽ đặt ra thách thức lớn đối với khả năng đưa ra cảnh báo và tấn công của Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ.

Hai nguồn tin thông thạo với nội tình vụ thử nghiệm cho biết về lý thuyết, phương tiện lướt siêu thanh của Trung Quốc có thể đi theo tuyến đường Nam Cực để thực hiện tấn công mục tiêu, điều này sẽ đặt ra thách thức lớn đối với quân đội Mỹ. Bởi vì hầu hết các radar cảnh báo sớm hiện có của quân đội Mỹ đều được triển khai tại các căn cứ ở Alaska gần Bắc Cực và ở phía Bắc nước Mỹ, chúng chỉ có thể phòng thủ các tên lửa đạn đạo theo tuyến đường Bắc Cực, Mỹ hiện thiếu cảnh báo sớm ở phía nam cực và nam bán cầu. Do đó, vũ khí này có thể làm giảm thêm thời gian cảnh báo sớm của quân đội Mỹ.

Hiện Lầu Năm Góc Mỹ chưa phản hồi về tin này. Khi tin tức này được tiết lộ, chính quyền Joe Biden đang viết "Báo cáo đánh giá Tư thế Hạt nhân" được xuất bản 4 năm một lần. Báo cáo này được viết theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, yêu cầu chính phủ thông báo cho Quốc hội về việc triển khai và phát triển vũ khí hạt nhân ở các quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới, cũng như hướng phát triển của chính phủ Mỹ.

Trước những cáo buộc từ phương Tây liên quan đến “sự mở rộng vũ khí hạt nhân” của Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản ứng nhiều lần.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào ngày 28/9 đã tuyên bố: “Trung Quốc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng và kiên quyết phản đối việc NATO liên tục thổi phồng thuyết về mối đe dọa hạt nhân của Trung Quốc”.

Hình ảnh giả tưởng tên lửa siêu thanh DF-17 sau khi phóng (Ảnh: 6park).
Hình ảnh giả tưởng tên lửa siêu thanh DF-17 sau khi phóng (Ảnh: 6park).

Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Trung Quốc luôn tuân thủ chiến lược hạt nhân phòng ngự tự vệ. Trung Quốc tuân thủ chính sách không là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân vào bất kỳ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng thời cam kết rõ ràng không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân một cách vô điều kiện chống lại các quốc gia và khu vực không có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc chưa từng tham gia vào bất kỳ hình thức chạy đua vũ trang hạt nhân nào, cũng như không triển khai vũ khí hạt nhân ra nước ngoài. Miễn là bất kỳ quốc gia nào không có ý định đe dọa hoặc làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì quốc gia đó sẽ không bị đe dọa bởi sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc, cũng như không nên cảm thấy bị đe dọa”.

Tin giờ chót: Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều ngày 18/10, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn bộ này khi trả lời câu hỏi của phóng viên đã nói về thông tin trên truyền thông Anh. Theo Triệu Lập Kiên, đây chỉ là một cuộc thử nghiệm phi thuyền không gian thông thường nhằm xác minh công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc hạ thấp giá thành sử dụng tàu vũ trụ, giúp cung cấp phương thức khứ hồi giá rẻ và thuận tiện hơn cho nhân loại lợi dụng không gian vì mục đích hòa bình. Nhiều công ty trên thế giới đã thực hiện những thí nghiệm tương tự. Trước khi tàu vũ trụ quay trở lại, các thiết bị hỗ trợ của tàu vũ trụ sẽ bị tách rời, bị đốt cháy và tan rã trong quá trình rơi vào bầu khí quyển, và rơi xuống vùng biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, có vẻ giải thích này không ăn nhập với thông tin về vụ phóng mà Financial Times đã đưa.