|
Một số vật dụng được các nhà khoa học tái chế từ rác thải. |
Nhằm góp phần đưa ra các giải pháp quản lý và tái chế rác thải nhựa, sáng 8/8, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức hội thảo có chủ đề: “Ô nhiễm rác thải nhựa: Giải pháp quản lý và nghiên cứu khoa học” tại Hà Nội.
Mỗi năm lại thêm hàng triệu tấn rác thải
Chia sẻ về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực biển Việt Nam, TS. Vũ Thị Quỳnh Chi (Trung tâm Quan trắc – Phân tích môi trường biển, Bộ Tư lệnh Hải quân) cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong bốn quốc gia trên thế giới có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều nhất, khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Trong đó, có hơn 80% chất thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Green Hub) năm 2018, một số thành phố vùng ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam và Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh là những địa phương có hàng tấn rác thải nhựa trôi nổi trên biển từ nhiều nguồn khác nhau. Chất thải nhưa trôi dạt ở khu vực cửa sông, trôi nổi xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản, dọc theo bờ biển…
|
Chuyên gia chia sẻ về vấn đề rác thải nhựa trong buổi hội thảo sáng 8/8.
|
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia sớm nhận thức sâu sắc về tác động của rác thải nhựa đối với môi trường biển, cũng đã có nhiều chương trình hành động vì môi trường biển và hạn chế các rác thải nhựa trên biển, nhưng tình trạng chất thải nhựa chuyển biến rất chậm. Phần lớn người dân dường như vẫn chưa có ý thức về những nguy hại từ ô nhiễm rác thải nhựa cũng như chưa có hành động cần thiết để bảo vệ môi trường biển.
Nhựa siêu vi làm biến đổi hệ sinh thái
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, lượng rác thải nhựa lớn còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập vào cơ thể con người, sinh vật.
TS. Mai Hương – giảng viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ - đã chứng minh được các mảnh vụn nhựa phân mảnh, nhựa siêu vi đã có mặt ở khắp mọi nơi, tiếp tục quay trở lại tác động lên sức khỏe của con người qua chuỗi thức ăn.
Nhựa siêu vi thải ra môi trường từ các nguồn như các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, dệt vải, phân hủy chất thải nhựa do tác động môi trường hoặc va đập làm cho mảnh nhựa lớn vỡ ra nhỏ hơn 5mm, dễ lan rộng và tồn tại trong môi trường.
TS. Mai Hương và các cộng sự từng thực hiện một thí nghiệm trên sông Sài Gòn (Bình Phước), rồi phát hiện ra nhựa siêu vi tồn tại trong tất cả các mẫu nước mà nhóm có, với nhiều hình dạng khác nhau.
|
Hưởng ứng thông điệp về môi trường, các nhà khoa học cùng tham gia lễ phát động phong trào "nói không với rác thải nhựa".
|
“Nhựa siêu vi tác động tới con người chủ yếu qua con đường ăn uống, tiếp xúc hàng ngày bởi chúng có kích cỡ rất nhỏ, có thể tồn tại trong chai nước, bay trong không khí hoặc trở thành nền tảng cho các vi sinh vật có hại sinh sôi, sau đó tác động tới cơ thể con người. Đối với hệ sinh thái, nhựa siêu vi có thể làm mất sự đa dạng sinh học, gây biến dị cho sinh vật hoặc làm mất đa dạng sinh học do các sinh vật nuốt phải nhựa khiến chúng khó tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, thay đổi theo chiều hướng không có lợi cho môi trường” – TS. Mai Hương nói.
Nhận thức được mối nguy hại của rác thải nhựa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng kêu gọi người dân hãy "nói không với rác thải nhựa", toàn quốc hưởng ứng phong trào Chống rác thải nhựa. Thủ tướng nhấn mạnh việc giải quyết ô nhiễm, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, từng gia đình, từng người dân, đồng thời, kêu gọi toàn xã hội phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. |