Vì sao Philippines đột nhiên quay lại tăng cường hợp tác với Mỹ?

VietTimes -- Sau 3 năm “sơ Mỹ, thân Trung”, được Trung Quốc hứa hẹn viện trợ và hy vọng dựa vào Trung Quốc để phát triển, giờ đây Philippines đang từng bước khôi phục lại quan hệ đồng minh vốn có với Mỹ. Hai tháng qua, Philippines bắt đầu quay lại tăng cường hợp tác với Mỹ, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Manila hồi đầu tháng 3, hai nước liên tiếp triển khai các cuộc diễn tập quân sự chung giờ đây đã mang ý nghĩa lớn lao và ảnh hưởng sâu rộng. Điều gì đã khiến Philippines có sự thay đổi quan trọng về chính sách đối ngoại như thế?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hung thăm Philippines đầu tháng 3 đã khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines có thể áp dụng để bảo vệ tàu thuyền, máy bay và đảo bãi của Philippines nếu bị nước khác tiến công
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hung thăm Philippines đầu tháng 3 đã khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines có thể áp dụng để bảo vệ tàu thuyền, máy bay và đảo bãi của Philippines nếu bị nước khác tiến công

Năm 2016, sau khi ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống Philippines đã tuyên bố rút khỏi liên minh với Mỹ và quay sang tìm kiếm chung sống hòa bình với Bắc Kinh, dựa vào Trung Quốc để phát triển. Nhưng cũng từ đó, Trung Quốc đã đưa các hạm tàu áp sát một hòn đảo trên Biển Đông mà Philippines kiểm soát  và quấy nhiễu, xua đuổi các ngư dân Philippines ở gần một đảo khác, khiến binh lính và dân chúng Philippines vừa sợ hãi vừa tức giận.

Gregory Poulin, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS) - một think tank độc lập có tiếng trụ sở tại Washington, nói: “Mỗi lần xảy ra sự việc kiểu đó, ông Duterte lại hứng chịu làn sóng phản đối mạnh mẽ cùng các ý kiến chỉ trích kịch liệt ở trong nước, nói ông là kẻ ngốc”.

Việc quay trở lại hợp tác với Mỹ khiến Philippines trở lại vị trí địa chính trị như trước khi Duterte lên nắm quyền. Đó là thành viên trong liên minh Tây Thái Bình Dương của Mỹ và đẩy Trung Quốc lâm vào địa vị phòng thủ trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á.

Hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc có mặt ở vùng biển phụ cận đảo Thị Tứ bị Philippines cho là nhằm uy hiếp ngăn cản họ cải tạo hòn đảo này
Hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc có mặt ở vùng biển phụ cận đảo Thị Tứ bị Philippines cho là nhằm uy hiếp ngăn cản họ cải tạo hòn đảo này

Chính phủ Mỹ cho rằng, ông Mike Pompeo khi tới Manila thăm hôm 1.3 đã “tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với hiệp ước đồng minh then chốt với Philippines”. Trang mạng Rappler.com của Philippines đưa tin, ông Mike Pompeo đã bày tỏ: nếu Trung Quốc tiến công các tàu thuyền hay máy bay của Philippines trên Biển Đông, chính phủ Mỹ sẽ cung cấp sự chi viện về quân sự cho Philippines.

Đồng thời, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cũng tuyên bố phản đối xem xét lại Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ vì có thể khiến văn kiện có 68 năm lịch sử đó bị lật nhào.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ nói, trong cuộc diễn tập quân sự chung thường niên diễn ra từ 1 đến 12.4 vừa qua, hải quân Mỹ đã cử tàu sân bay đổ bộ tấn công USS Wasp tham gia cùng với các máy bay tàng hình F-35B. Tàu USS Wasp là chiến hạm lớn nhất của Mỹ tham gia diễn tập chung với Philippines trong lịch sử từ trước đến nay. Chủ đề cuộc diễn tập này là mô phỏng chiến đấu phòng ngự ở Biển Đông và chiếm lại đảo từ tay đối phương.

Như đã biết, sau khi lên làm tổng thống, năm 2017 ông Duterte đã đình chỉ cuộc diễn tập chung thường niên với Mỹ này. Năm 2016, ông Duterte chủ trương gác lại tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, bắt đầu đàm phán với họ. Khi đó việc Duterte kiên quyết cự tuyệt sự giúp đỡ của Mỹ khiến Bắc Kinh rất mừng rỡ bởi từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh đến nay, Trung Quốc luôn giữ thái độ nghi ngờ đối với Mỹ.

Một máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc bay phía trên bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines
Một máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc bay phía trên bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines

Trong 3 năm qua, Trung Quốc và Philippines đều tránh đề cập đến yêu sách chủ quyền của đối phương trên Biển Đông, có điều hai bên cũng không giải quyết tranh chấp về vấn đề chủ quyền.

Thế nhưng, từ đầu năm nay thường xuyên có 200 - 300 tàu thuyền Trung Quốc đi vào khu vực phụ cận đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Philippines đang chiếm giữ; Philippines đang xây dựng tại đó một bãi đổ bộ và tu sửa đường băng.

Người phát ngôn của Phủ tổng thống Philippines năm ngoái xác nhận việc tàu Hải cảnh Trung Quốc lục soát môt tàu cá của ngư dân Philippines và lấy đi hết số cá trên tàu. Trước đó liên tiếp có tin các tàu Trung Quốc quấy nhiễu các tàu cá của ngư dân Philippines ở gần bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) mà hai bên đều yêu sách chủ quyền. Khi đó phía Philippines đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc điều tra, xử lý vụ việc này.

Năm 2016, Trung Quốc cũng cam kết cung cấp viện trợ và đầu tư 24 tỷ USD cho Philippines để phát triển quan hệ hai bên; nhưng phía Philippines nói, Trung Quốc mạnh mẽ cam kết nhưng lại thực hiện rất ít. Dư luận nước này cũng lo ngại việc dựa vào vay tiền của Trung Quốc sẽ khiến Philippines mắc nợ ngập đầu.

Cờ Philippines được cắm trên bãi cạn Scarborough, nhưng hiện nay bãi này đã bị Trung Quốc kiểm soát trên thực tế
Cờ Philippines được cắm trên bãi cạn Scarborough, nhưng hiện nay bãi này đã bị Trung Quốc kiểm soát trên thực tế

Ông Gregory Poulin nói: “Rất rõ ràng, Duterte đã không được Trung Quốc hào phóng móc ví như đã hứa hẹn, bởi vì Trung Quốc sẽ không vì tình hữu hảo với Duterte mà thay đổi về căn bản chính sách Biển Đông của họ”. Bắc Kinh tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với vùng biển chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, họ là quốc gia có sức mạnh quân sự lớn nhất châu Á. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã chiếm giữ và xây dựng các thiết chế quân sự trên 7 bãi đá trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, hành động này đã khiến Philippines và 4 quốc gia khác trong khu vực tức giận.

Tổ chức “Trạm khí tượng xã hội” (Social Weather Station – SWS) của Philippines hồi cuối năm 2018 đã công bố kết quả điều tra cho thấy, 44% người dân Philippines không cho rằng “ý đồ của Trung Quốc là hữu hảo với Philippines”, chỉ 27% tán thành, còn đại đa số tin vào Mỹ hơn là Trung Quốc.

Hôm 5.4, ông Duterte đã bày tỏ, nếu Trung Quốc không rút lực lượng khỏi vùng phụ cận các đảo mà Philippines đòi chủ quyền, ông sẽ cử quân đội tới thực thi sứ mệnh “cảm tử”. Trước đây, trước áp lực của dân chúng, thái độ của ông Duterte với Trung Quốc cũng trở nên cứng rắn, nhưng khi phát biểu ở nơi khác lại đưa ra những lời thân thiện với Trung Quốc.

Tàu USS Wasp cùng với các máy bay tàng hình F-35B tham gia tập trận chung với quân đội Philippines ở gần bãi cạn Scarborough tranh chấp với Trung Quốc
Tàu USS Wasp cùng với các máy bay tàng hình F-35B tham gia tập trận chung với quân đội Philippines ở gần bãi cạn Scarborough tranh chấp với Trung Quốc

Ông Hồ Dật Sơn, một chuyên gia của Viện nghiên cứu quốc tế Singapore cho rằng, hiện nay ông Duterte có thể cứng rắn với Trung Quốc có lẽ chỉ để giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 5 tới đây.

Tuy nhiên, khác với quan điểm này, tạp chí The Diplomat (Nhà ngoại giao) của Nhật số ra ngày 15.4 cho rằng, tình hình Biển Đông trở nên nóng lên do vấn đề xung quanh đảo Thị Tứ giữa Trung Quốc và Philippines là bởi Trung Quốc đã hành động quá đáng.

Theo số liệu trong báo cáo quý I/2019 của chính phủ Philippines, họ đã phát hiện 275 tàu thuyền với 657 lượt chiếc của Trung Quốc lui tới khu vực biển xung quanh đảo Thị Tứ ở gần đá Vành Khăn mà Trung Quốc đã chiếm và bồi đắp thành đảo nhân tạo. Những tàu thuyền này bao gồm cả các tàu của lực lượng “dân binh trên biển”. Gần đây, Trung Quốc đã sử dụng các tàu quân sự và lực lượng chấp pháp trên biển để chi viện cho các tàu này hoạt động.

The Diplomat cho rằng, hoạt động này của Trung Quốc xuất hiện ít lâu sau khi Mỹ nói rõ với Philippines phạm vi áp dụng của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines. Nhiều năm nay, các quan chức Philippines thường tỏ vẻ buồn bực vì Mỹ không muốn nói rõ liệu hiệp ước này có thích hợp áp dụng đối với các đảo mà Philippines kiểm soát trên Biển Đông hay không. Tuy nhiên, hồi tháng 3, khi thăm Manila, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định rõ điều này.

The Diplomat chỉ rõ, ngoài việc ngăn cản Philippines cải tạo đảo Thị Tứ, Trung Quốc còn có ý định thăm dò giới hạn của liên minh Mỹ - Phi, có lẽ để ông Duterte phát biểu những lời tôn trọng Trung Quốc và phê phán Mỹ. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra mà Duterte đã bất ngờ công kích Bắc Kinh bằng lời cảnh cáo dọa sẽ cho quân đội “chuẩn bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tự sát”.

The Diplomat cho rằng, lần này Bắc Kinh đã hành động quá đáng đối với Duterte. Với sự đảm bảo của Mỹ, lại được cổ vũ bởi cuộc tập trận chung “Vai kề vai”, Manila và Washington có thể sẽ phát hiện ra rằng họ thật sự vai kề vai cùng nhau.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin chủ trương duy trì việc thực hiện Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin chủ trương duy trì việc thực hiện Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) lại dẫn ý kiến giới quan sát ngoại giao nói, Trung Quốc đưa nhiều tàu thuyền áp sát Thị Tứ, mục đích để ngăn chặn Philippines xây dựng cơ sở quân sự trên đảo và Trung Quốc lo ngại Mỹ có thể sử dụng những cơ sở đó. Nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói: “Tàu chiến Mỹ có thể hoạt động ở vùng phụ cận đảo, máy bay chiến đấu Mỹ có thể cất hạ cánh trên đường băng trên đảo, trực tiếp uy hiếp sự an toàn của các đảo bãi tiền tiêu của Trung Quốc” ở quần đảo Trường Sa.

Theo trang tin Đa Chiều, phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, lần đầu tiên Philippines đã viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông. Đa Chiều cho biết, tờ Daily Inquirer của Philippines hôm 13.4 đưa tin, Phủ Tổng thống Philippines hôm 12.4 đã lên án Trung Quốc và tuyên bố Philippines có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Duterte đã nhấn mạnh như trên sau khi Trung Quốc khẳng định họ “có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý” về việc Trường Sa “thuộc chủ quyền Trung Quốc”. Ông Panelo nói Tòa trọng tài quốc tế đã phán quyết về vấn đề này, Philippines kiên quyết bảo vệ lãnh thổ quốc gia và quyền lợi về vùng đặc quyền kinh tế, “điều này không những phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài, mà còn phù hợp với Hiến pháp và nguyện vọng của nhân dân Philippines”.

Đây là lần đầu tiên, Philippines nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế kể từ sau khi ông Duterte lên làm tổng thống dù tòa đã phán quyết họ là bên thắng trong vụ kiện Trung Quốc dưới thời người tiền nhiệm, Tổng thống Benigno Aquino.