Người Nga rầm rộ biểu tình phản đối công ty Trung Quốc, bảo vệ hồ Baikal

VietTimes -- Bắt đầu từ ngày 24.3, trên gần 50 thành phố khắp nước Nga, bao gồm thủ đô Moscow đã xảy ra các cuộc biểu tình do các tổ chức bảo vệ môi trường Nga phát động nhằm phản đối công ty vốn của nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng nhà máy nước đóng chai bên cạnh hồ Baikal, phá hoại sinh thái và gây ô nhiễm môi trường. Đây là diễn biến mới nhất của trào lưu lo ngại, phản đối đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc ở Nga.
Người biểu tình chống xây dựng các nhà máy đóng chai nước, bảo vệ hồ Baikal.
Người biểu tình chống xây dựng các nhà máy đóng chai nước, bảo vệ hồ Baikal.

Trang tin Đông Phương (Orientaldaily) ngày 27.3 cho biết, phong trào công dân “Save Baikal” và tổ chức bảo vệ môi trường “Ecodefence365” đã phát động các cuộc biểu tình này, thu thập ý kiến yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin bảo vệ hồ Baikal, bao gồm việc đình chỉ việc xây dựng các nhà máy, đưa người ồ ạt sang khu vực này du lịch và chấm dứt chặt phá rừng bừa bãi phá hoại môi trường. Những người biểu tình đã giương cao các khẩu hiệu như “Baikal là của chúng ta!”, phản đối việc xây dựng các nhà máy vốn Trung Quốc ở ven hồ.

Đông Phương dẫn lời những người biểu tình bày tỏ thất vọng về việc chính quyền nhượng đất ven hồ Baikal cho người Trung Quốc. Báo này trích lời Ansimov, một người dân bản địa nói: “Dân bản địa chúng tôi muốn tiến hành cải tạo hay xây dựng mới đều không được phép.  Nhưng người Trung Quốc thì lại được làm mà chẳng phải qua thủ tục phức tạp gì”.

Một nhà máy của Công ty AquaSib đang được xây dựng ven hồ Baikal.
Một nhà máy của Công ty AquaSib đang được xây dựng ven hồ Baikal.

Baikal là hồ nước ngọt lớn nhất Trái Đất, có trữ lượng nước ngọt chiếm tới 20% của toàn thế giới. Một công ty vốn Trung Quốc có tên là AquaSib hồi năm 2017 đã được phép của cơ quan hữu quan thuộc chính quyền địa phương phê chuẩn xây dựng nhà máy nước đóng chai. Theo đó, AquaSib sẽ đầu tư 1,5 tỷ Rub, xây dựng 4 nhà máy và một đường ống dẫn nước lấy từ đáy hồ dài 3km tới các nhà máy, hiện công trình đường ống đã hoàn thành được 2/3. Nhà máy đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2019. Các nhà máy còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2021. Dự kiến, khi hoàn thành các nhà máy này sẽ có sản lượng 1 triệu chai nước/ngày, mỗi năm có thể hút từ hồ Baikal 190 triệu lít nước.

Hồ Baikal có hơn 2.500 loại sinh vật, đồng thời là trạm trung chuyển của các loài chim di cư. Khu vực Kultuk liền kề nơi công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy là khu bảo hộ thiên nhiên, dân chúng địa phương không được mua bán đất đai hay xây nhà. Việc chính quyền địa phương khi không tổ chức lấy ý kiến dân chúng đã phê chuẩn cho người Trung Quốc xây dựng nhà máy đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ. Trong đó một trang web đã thu thập được hơn 1 triệu chữ ký phản đối qua mạng. Tòa án khu vực Irkutsk hôm 15.3 đã ra phán quyết yêu cầu tạm dừng dự án xây dựng nhà máy nước đóng chai bên bờ hồ Baikal này.  Biện pháp tạm thời này được ca ngợi như chiến thắng dành cho các nhà bảo vệ môi trường. Thủ tướng Nga Medvedev đã ra lệnh điều tra quy hoạch nhà máy này có phù hợp các tiêu chuẩn môi trường hay không. Sau đó, qua điều tra phát hiện việc xây dựng có thể vi phạm nên công trình đã bị tạm ngưng.

Hệ thống đường ống lấy nước hồ dẫn về các nhà máy sản xuất nước đóng chai đã cơ bản hoàn thành.
Hệ thống đường ống lấy nước hồ dẫn về các nhà máy sản xuất nước đóng chai đã cơ bản hoàn thành.

Theo kế hoạch, Công ty AquaSib sẽ cung ứng nước đóng chai cho thị trường Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Mông Cổ. Nhà máy này cũng tạo ra 150 việc làm cho dân địa phương và đóng góp một khoản thuế cho chính quyền. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngại rằng khi dự án được triển khai, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đưa người dân của họ sang Nga làm việc, sinh sống và bám rễ tại đây giống như những gì họ làm với các dự án trong sáng kiến “Vành đai, con đường”. Những người biểu tình còn tố cáo, nhiều cây rừng sau khi bị chặt đã được chở về Trung Quốc, người Trung Quốc vung tiền mua rất nhiều nhà đất ở ven hồ Baikal, nay lại xây dựng nhà máy nước đóng chai, tiếp tục lợi dụng hồ Baikal để làm ăn, thậm chí các nhà máy này còn ngăn cản dân chúng địa phương tiếp cận hồ. Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Nga đang dự thảo một pháp lệnh và thông qua quy chuẩn bảo vệ sinh thái của chiếc hồ nước ngoạt lớn nhất thế giới này.

Tuy nhiên, bên cạnh lo ngại về môi trường đóng vai trò chính thì vẫn còn một yếu tố thúc đẩy phản ứng của công chúng. Đó là tâm lý nghi ngờ của người dân Nga đối với đầu tư Trung Quốc ngày càng tăng trong khu vực. Giáo sư Yury Tavrovsky đến từ đại học Hữu nghị Nhân dân Nga (RUDN) cho biết: “Những vấn đề trong trao đổi kinh doanh song phương tại Siberia đem lại vấn đề thực sự cho chính quyền Moscow. Dư luận cùng phần lớn phương tiện truyền thông đại chúng đang phản đối đầu tư Trung Quốc. Nhà máy nước đóng chai ở Irkutsk khiến thái độ tiêu cực mà người dân dành cho cường quốc châu Á thêm nghiêm trọng”.

Người biểu tình phản đối xây dựng nhà máy nước ven hồ Baikal giữa giá rét
Người biểu tình phản đối xây dựng nhà máy nước ven hồ Baikal giữa giá rét

Được biết, đầu tư vào Nga của Trung Quốc trong vòng một thập niên qua tăng gấp gần 9 lần và đạt 13,8 tỉ USD vào năm 2017, với trọng điểm là ngành khai khoáng, nông - lâm - ngư nghiệp. Có ý kiến cho rằng, đầu tư của Trung Quốc chẳng giúp thúc đẩy tình hữu nghị mà chỉ đem đến phẫn nộ với căng thẳng, đặc biệt ở Siberia và khu vực Viễn Đông. Nhà máy nước đóng chai của AquaSib chỉ là minh chứng gần nhất.

Trước đó, hoạt động kinh doanh khai thác gỗ làm dấy lên trong dân chúng Nga mối quan ngại người Trung Quốc hủy diệt những cánh rừng cổ xưa. Giới truyền thông chỉ trích việc thuê đất nhàn rỗi của các công ty Trung Quốc là hành động xâm chiếm.

Theo nhà hoạt động môi trường Siberia Alexander Kolotov, người dân tỏ ra bất mãn về vị trí của nhà máy nhưng yếu tố bài Trung Quốc ở đây hết sức rõ ràng. “Nó đánh vào tâm lý sợ hãi và định kiến của người Nga hiện đại rằng Trung Quốc sẽ nuốt chửng di sản quốc gia của chúng ta” - ông Kolotov nói. Đơn kiến nghị được nộp đi sau cuộc biểu tình chống lại nạn người Trung Quốc chặt phá rừng trên khắp Siberia, khiến một số khu vực đã phải hủy bỏ thỏa thuận với các công ty Trung Quốc.

Sự có mặt của du khách Trung Quốc trong khu vực cũng bùng nổ sau khi đồng Rub sụp đổ vào năm 2014 kéo theo việc Nga giảm bớt các hạn chế thị thực du lịch. Du lịch và kinh doanh phát triển, nhưng lòng tin của người dân địa phương lại sụt giảm. 9 tháng đầu năm 2918, ngành du lịch của Irkutsk tăng trưởng 40%, với 63% số du khách đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một nghị sĩ địa phương cho biết, kinh tế địa phương không thu được lợi ích từ việc này. Ông nói: “Nghiệp vụ du lịch của người Trung Quốc rất khép kín. Từ khách sạn, hãng du hành, thuê máy bay, thậm chí hướng dẫn viên du lịch đều do người Trung Quốc kiểm soát, tiền chủ yếu lưu chuyển trong tay người Trung Quốc”.

Bà Svetlana Pavlova, tổng biên tập tờ IRK.ru có trụ sở tại Irkutsk nói rằng, đối với người Siberia, có 2 thứ giống như tấm vải đỏ kích thích con bò tót khiến họ phản ứng mạnh mẽ. Một là, người Trung Quốc chiếm hết mọi thứ và để lại rác. Hai là việc hồ Baikal bị lấn chiếm. Trong trường hợp này, công ty thực hiện dự án AquaSib lại chịu sự kiểm soát gần như 100% của doanh nhân Trung Quốc người Hắc Long Giang. 

Ông Denis Bukalov, một nhà vận động chống lại dự án tại Irkutsk nói: “Nhà máy đã hủy hoại bờ hồ ở Kultuk sau khi chia cắt đất bất hợp pháp”, ông khẳng định dự án đã tạo ra tiền lệ nguy hiểm. “Bạn có thể thấy bản đồ quyền sở hữu đất đai ghi rõ rằng 7 lô đất được dành cho việc xây dựng nhà máy đóng chai nước gần đó. Họ sẽ biến Baikal thành một đầm lầy”, ông nhấn mạnh.

Thống đốc khu vực Irkutsk, đảng viên cộng sản Sergei Levchenko, tuần trước đã ra lệnh tạm dừng dự án đầu tư của người Trung Quốc này. Người tiền nhiệm của ông năm 2010 đã phê chuẩn dự án đầu tư. Đảng Cộng sản Nga đã chỉ trích dự án này đem về một khoản tiền nay không rõ biến đi đâu, đảng này yêu cầu phải tiến hành điều tra vụ việc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (phải) gặp gỡ Phó Thủ tướng Nga Trutnev tại Đại Liên tháng 8/2018 bàn việc thúc đẩy hợp tác giữa khu vực Đông Bắc của Trung Quốc và vùng hồ Baikal của Nga
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (phải) gặp gỡ Phó Thủ tướng Nga Trutnev tại Đại Liên tháng 8/2018 bàn việc thúc đẩy hợp tác giữa khu vực Đông Bắc của Trung Quốc và vùng hồ Baikal của Nga

Trên mạng internet Trung Quốc hiện có nhiều bài viết ca ngợi nguồn nước hồ Baikal, hình dung nước hồ không ô nhiễm, thuần khiết thiên nhiên, chất lượng cao. Một số hãng nước khoáng Trung Quốc cũng quảng cáo nước hồ này đạt tới tiêu chuẩn có thể uống trực tiếp. Nhưng vào năm 2018, phán quyết của Tòa án tỉnh Irkutsk buộc một công ty Trung Quốc ngừng sản xuất khẳng định, việc họ sản xuất nước uống đóng chai trực tiếp từ nước hồ mà không kiểm soát chất lượng nước là không phù hợp với tiêu chuẩn y tế của Nga.

Việc khai thác quá mức các khu công nghiệp ở vùng hồ, trong đó có việc xây dựng các nhà máy giấy cũng đã khiến một số dòng chảy vào hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng; trong số 41 thành phố bị nghiêm trọng nhất nước Nga, có 5 thành phố nằm trong tỉnh Irkutsk có hồ Baikal. Tuy gần đây ý thức bảo vệ môi trường của dân chúng Nga được nâng cao, chính phủ cũng tăng cường giám sát, năm 2013 đã đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng ven hồ như nhà máy sản xuất giấy, nhưng nước hồ Baikal vẫn không hoàn toàn là nguồn nước thuần khiết, không bị ô nhiễm. Đương nhiên, so với môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ở Trung Quốc thì nước hồ Baikal có giá trị thương nghiệp rất lớn.