Vì sao ông Obama vẫn là “mục tiêu” tấn công ưa thích của Tổng thống Trump?

VietTimes -- Chỉ mất có 1 phút và 9 giây để Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra loạt đòn chỉ trích kịch liệt nhằm vào người tiền nhiệm của mình - và chỉ mất khoảng thời gian tương tự để ông làm dấy lên cuộc tranh luận xem ai là vị Tổng thống tốt hơn.
Ông Trump trong cuộc phỏng vấn tại Bãi Cỏ phía Nam Nhà Trắng hôm 5/7 (Ảnh: Washington Post)

"Chính Tổng thống Barack Obama trước đây là người đã khởi động chính sách chia tách trẻ em khỏi các bậc cha mẹ nhập cư trái phép ở biên giới và cũng chính ông Obama là người đẩy mối quan hệ với Triều Tiên vào chỗ tồi tệ. Ông Obama quá lơi lỏng về vấn đề kinh tế và để các đồng minh của Mỹ lợi dụng", ông Trump tuyên bố.

Việc tung ra tin đồn chỉ trích đối thủ là điều thường thấy ở ông Trump, nhưng trong những ngày gần đây, ông liên tục chỉ tay vào ông Obama, khiến người ta không khỏi ngạc nhiên.

Một mặt, điều này phản ánh sự xung đột dài kỳ giữa ông Trump và người tiền nhiệm Obama. Mặt khác, nó xuất phát từ thực tế cựu Phó Tổng thống của ông Obama, ông Josepth R. Biden Jr., hiện đang là ứng viên tranh cử Tổng thống 2020 hàng đầu của phe Dân chủ.

"Hãy nhìn vào những điều mà chúng tôi đã làm, hãy nhìn vào những thứ mà chúng tôi giải quyết, thứ mà tôi gọi là "mớ lộn xộn Obama-Biden"" - ông Trump phát biểu trước báo giới tại Bãi Cỏ phía Nam Nhà Trắng trước khi rời Washington để tới CLB đánh golf ở Bedminster, New Jersey - "Chúng tôi vẫn đang phải giải quyết mớ lộn xộn đó".

Sau hơn 2 năm rưỡi, sự quan tâm của ông Trump tới người tiền nhiệm dường như chỉ tăng lên chứ không suy giảm. Mới đây, trong chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc cuối tuần trước, ông Trump liên tục đề cập tới người tiền nhiệm của mình mặc dù không được hỏi. Vị Tổng thống đương nhiệm chỉ trích ông Obama về hàng loạt vấn đề ngoại giao cũng như trong nước.

"Khi bị dồn vào một góc, ông Trump thường ôm lấy nguyên tắc của bản thân, đó là công kích ông Obama - và thường là nói dối" - ông Benjamin J. Rhode, cựu phó Cố vấn an ninh quốc gia thời chính quyền Obama, cho hay - "Tôi không nhận ra thêm điều gì hơn từ đó".

Kể từ năm 2011, khi công bố kế hoạch tranh cử để đánh bại ông Obama, ông Trump đã bị ám ảnh bởi vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Ông liên tục đặt ra câu hỏi về quyền công dân của ông Obama, dựa trên "birther" - một thuyết âm mưu cho rằng ông Obama không sinh ra trên đất Mỹ. Trên cương vị Tổng thống lúc bấy giờ, ông Obama đã phản công trong sự kiện bữa tiệc tối của Hiệp hội Phóng viên tại Nhà Trắng ngày 30/4/2011, và ông Trump trở thành tâm điểm trêu chọc của Tổng thống Obama cùng diễn viên hài Seth Meyers.

Kể từ sự kiện bẽ bàng đó, ông Trump dường như quyết tâm hạ bệ các thành tựu chính trị của ông Obama, mà mới đây nhất là việc ông cáo buộc người tiền nhiệm đứng đằng sau âm mưu sử dụng các cơ quan tình báo và hành pháp để tước đoạt quyền ứng viên Tổng thống của ông năm 2016.

Vẫn biết các đời Tổng thống Mỹ luôn đổ lỗi cho người tiền nhiệm của họ trong nhiều vấn đề quốc gia - trong đó có cả ông Obama, người trong nhiệm kỳ đầu tiên đã chỉ trích người tiền nhiệm George W. Bush - nhưng đáng chú ý ông Trump lại là người đi xa nhất trong số này.

Cũng hiếm khi các đời Tổng thống Mỹ lại chĩa mũi dùi vào những người tiền nhiệm vốn có tỷ lệ ủng hộ nhiều hơn họ. Theo kết quả thăm dò mà hãng Gallup công bố hồi năm ngoái, ông Obama có tỷ lệ ủng hộ tới 63%, trong khi ông Trump chỉ nhận được 41%.

Vấn đề ở chỗ, ông Trump phát hiện ra rằng cộng đồng cử tri căn cốt của ông muốn, và vẫn muốn, ai đó đứng lên chống lại ông Obama. Đặc biệt là trong bối cảnh ông Joe Biden đang ra sức vận động cử tri Mỹ dựa vào những thành tựu của chính quyền Obama trước kia, ông Trump xem việc hạ bệ người tiền nhiệm như một lợi thế chính trị.

"Hãy nói với Biden rằng NATO đã lợi dụng hoàn toàn ông ta và Tổng thống Obama" - ông Trump nói - "Biden đã không hề biết ông ta đang làm cái quái gì, và Tổng thống Obama cũng vậy. NATO đã lợi dụng chúng ta - và giờ họ đang phải trả giá".

"Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Biden" - ông Trump nói thêm - "Họ không hề hiểu vấn đề. Họ bị lợi dụng bởi Trung Quốc, bởi NATO, bởi mọi quốc gia mà họ làm ăn cùng".

Theo ông Trump, ông Obama đã phản ứng quá mềm mỏng trước những hoạt động thương mại kiểu lợi dụng của Trung Quốc và quá mềm mỏng với các đồng minh NATO - những nước không chỉ đủ hạn mức đóng góp chi tiêu quốc phòng cho khối - đây là 2 vấn đề mà ông Trump chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với chính quyền trước đây. Trong những ngày gần đây, ông Trump cũng cáo buộc ông Obama đã gây ra tranh chấp hiện tại với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO - liên quan tới việc nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Tuy nhiên, trong lúc tung ra loạt đòn chỉ trích nhằm vào ông Obama, đôi lúc ông Trump đã thổi phồng thực tế. Ông khẳng định rằng nếu ông Obama còn đang nắm quyền, ông ta có lẽ đã lao vào một cuộc chiến với Triều Tiên - một phát ngôn bị chỉ trích kịch liệt bởi các cố vấn của ông Obama.

Trong những ngày gần đây, ông Trump còn đưa ra một câu chuyện mới rằng ông Obama từng cố tổ chức cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để rồi bị cự tuyệt. Tuy nhiên ông không thể đưa ra được bằng chứng chứng minh sự việc trên.

"Ông ta đã nhiều lần kêu gọi ông Kim Jong-un tổ chức cuộc gặp. Tổng thống Obama muốn gặp gỡ ông Kim Jong-un. Và ông Kim jong-un nói không" - ông Trump nói - "Ông ta đã kêu gọi rất nhiều lần. Và giờ chúng tôi đang có một mối quan hệ rất tốt đẹp".

Sau khi ông Trump đưa ra câu chuyện trên trong lúc công du châu Á hồi tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, Susan E. Rice, đã cực lực bác bỏ nó. Ông Rhodes, cấp phó của bà Rice, cũng bác bỏ phát ngôn trên. "Không có chút sự thực nào trong câu chuyện muốn gặp gỡ ông Kim" - ông Rhodes nói - "Đây là hoàn toàn là bịa đặt và không ăn khớp với tuyên bố mà ông ta đưa ra trước đó rằng ông Obama muốn lao vào cuộc chiến với Triều Tiên".

Nhiều cựu quan chức dưới thời Obama cũng công khai lên tiếc bác bỏ phát ngôn của ông Trump, trong đó có James R. Clapper Jr. - cựu Giám đốc Tình báo quốc gia; Wendy R. Sherman - cựu thư ký Ngoại trưởng; Daniel R. Russel - cựu thư ký Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương; và Jeremy Bash - cựu Phó Giám đốc CIA và sau là Chánh văn phòng Lầu Năm Góc.

Ông Trump cũng tìm cách viết lại lịch sử về chính sách nhập cư gây chia tách gia đình người nhập cư trái phép tại biên giới, khi phát biểu trước báo giới rằng chính ông Obama là người khởi xướng chính sách này, trong khi ông đang cố ngăn chặn nó.

"Chính Tổng thống Obama đã xây dựng lên những trại giam đó. Đó là vào năm 2014" - ông Trump nói trong một cuộc họp báo tổ chức tại Osaka, Nhật Bản hồi tuần trước - "Tôi muốn nói điều này: Họ đã có một chính sách chia tách. Phải chứ? Tôi chấm dứt nó".

Ông Trump đã đúng khi nói rằng chính quyền Obama đã cho xây dựng một số cơ sở giam giữ hiện đang là tâm điểm gây tranh cãi về cách đối xử người nhập cư trái phép ở biên giới, nhưng chúng chưa từng giam giữ trẻ em trong thời gian quá dài. Hơn nữa, tuy chính quyền Obama đúng là có gây chia tách các gia đình nhập cư, nhưng điều này khá hiếm và thường chỉ là trong các trường hợp mà giới chức nghi ngờ về mối quan hệ giữa trẻ em và người lớn đi kèm.

Chính quyền Tổng thống Trump từng tuyên bố áp dụng "chính sách không khoan nhượng" với người nhập cư trái phép vào tháng 4/2018, gây ra hậu quả là gần 3.000 trẻ em bị buộc phải chia tách khỏi cha mẹ. Sau khi đối diện với làn sóng phẫn nộ, chỉ 2 tháng sau, ông Trump phải ký một sắc lệnh chỉ thị chấm dứt việc chia tách gia đình.

Theo New York Times