Vào một ngày bình thường trên Biển Hoa Đông, ba tín hiệu không khác gì những chú chim nhỏ xuất hiện trên radar mặt đất. Đó là máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, theo sau là 2 chiếc J-20 của Trung Quốc. Có một cuộc trao đổi vô tuyến giữa hai bên và trong chớp mắt, các máy bay chiến đấu đã biến mất khỏi tầm nhìn.
Khi căng thẳng gia tăng trong khu vực, Trung Quốc và Mỹ tăng cường hiện diện quân sự, những cuộc chạm trán kiểu này – liên quan đến một số máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới như J-20 của Trung Quốc – ngày càng trở nên thường xuyên.
Chiến đấu cơ mệnh danh "Mãnh Long"
Máy bay chiến đấu tàng hình Chengdu J-20 (Thành Đô J-20), còn được gọi là Mãnh Long, là biểu tượng cho quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc. Nó được coi là niềm hy vọng lớn nhất của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) trước các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất của Không quân Mỹ.
Mẫu J-20 có 1 chỗ ngồi, 2 động cơ, được coi là câu trả lời của Trung Quốc đối với mẫu F-22 Raptor do Lockheed Martin sản xuất. Giống như F-22, nó dài khoảng 20 mét, sải cánh khoảng 13 mét, nặng 19 tấn và trần bay 20 km. Cả hai máy bay phản lực đều có cùng một mục tiêu: giành ưu thế trên không.
J-20 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 – nghĩa là nó có khả năng tàng hình và hành trình siêu âm, khả năng cơ động siêu cao và hệ thống điện tử ưu việt.
Về khả năng tàng hình, nhà phát triển Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (CAIG) đã tạo cho J-20 một hình dạng giúp giảm phản xạ, với lớp phủ hấp thụ sóng radar và khoang vũ khí bên trong. Nó có cánh mũi – cánh nhỏ phía trước cánh chính – được điều khiển kỹ thuật số để tăng khả năng cơ động.
Thiết bị cảm biến và điện tử hàng không tích hợp bao gồm radar quét mảng điện tử chủ động có khả năng quan sát thấp hoặc radar AESA, có thể theo dõi nhiều mục tiêu trong mọi thời tiết. Thùng nhiên liệu bên trong của nó có thể duy trì phạm vi chiến đấu 1.100 km – tương đương với F-35A của Lockheed Martin và tốt hơn F-22.
J-20 còn có 6 khoang vũ khí có thể mang theo 6 tên lửa tầm xa hoặc bom dẫn đường chính xác để chiến đấu không đối không hoặc tấn công không đối đất.
Nhưng chiếc máy bay này đã mắc phải “bệnh tim” do động cơ kém hơn, ảnh hưởng đến khả năng cơ động và khả năng tàng hình của nó khi bay với tốc độ siêu thanh. Sau khi nâng cấp động cơ, PLA xác nhận vào tháng 5 rằng J-20 hiện có khả năng hành trình siêu âm – nhiều năm sau khi nó được đưa vào vận hành.
Lịch sử phát triển J-20
Nguyên mẫu J-20 đã gây chú ý trong chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2011 tại Thành Đô – một phần vì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khi đó đang có chuyến thăm Bắc Kinh để gặp lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
5 năm sau, 2 chiếc J-20 ra mắt công chúng tại triển lãm hàng không Chu Hải 2016.
Chiếc chiến đấu cơ này bắt đầu phục vụ trong quân đội vào tháng 9/2017, và Không quân PLA tuyên bố chiếc máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên đã sẵn sàng chiến đấu vào tháng 2/2018. Quá trình sản xuất hàng loạt bắt đầu vào năm 2020.
Vào tháng 10/2021, một biến thể mới của J-20 với 2 chỗ ngồi đã được tiết lộ – đây cũng là mẫu chiến đấu cơ tàng hình 2 chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới.
Đến cuối năm 2022, dựa trên số sê-ri được nhìn thấy trên chiếc chiến đấu cơ, nhiều nhà quan sát ước tính có ít nhất 200 chiếc J-20 đã được sản xuất và triển khai cho các phi đội không quân của PLA.
Để đạt đến giai đoạn đó đòi hỏi PLA phải trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài với các vấn đề về động cơ. Nguyên mẫu J-20 đầu tiên được trang bị 2 động cơ AL-31 do Nga sản xuất và trong quá trình phát triển, nó tiếp tục sử dụng động cơ AL-31 nhập khẩu hoặc động cơ WS-10B sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, cả hai mẫu động cơ này đều không đạt và đều gây cản trở khả năng siêu tốc của chiến đấu cơ J-20 – đạt tốc độ siêu âm mà không cần sử dụng bộ đốt sau – cũng như khả năng cơ động và khả năng tàng hình của nó.
Nhà phát triển CAIG quyết định nâng cấp lên động cơ WS-10C do Trung Quốc sản xuất, quá trình này bắt đầu từ đầu năm 2022. Những chiếc J-20 mới với động cơ và hiệu suất cải tiến đã được một số nhà quan sát gọi tên là J-20B.
Trong khi đó, việc phát triển động cơ phản lực cánh quạt mới có tên WS-15 Emei cuối cùng cũng đạt được tiến bộ. Động cơ này được dành cho J-20 nhưng sau khi dự án được triển khai vào đầu những năm 2000, liên tục vấp phải sự chậm trễ. Phải đến tháng 7/2023, chiếc J-20 đầu tiên được trang bị 2 động cơ WS-15 mới được cất cánh thử nghiệm.
Việc nâng cấp này đã đánh dấu sự kết thúc những vấn đề về động cơ của J-20 – PLA đã chỉ ra rằng những chiếc Mãnh Long của họ hiện giờ đã có khả năng hành trình siêu âm trong một video ghi lại cuộc tập trận được tiến hành gần đảo Đài Loan vào tháng 5.
Hôm 12/11, những chiếc J-20 đã tham gia vào màn trình diễn trên không tại triển lãm hàng không Chu Hải trong khi biến thể 2 chỗ ngồi, J-20S, được trưng bày trên mặt đất.
“Mãnh Long” được triển khai đến đâu?
Biển Hoa Đông – nối liền với eo biển Đài Loan – là khu vực ưu tiên triển khai của các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của PLA.
Các chuyến bay thử nghiệm J-20 sớm nhất đã được thực hiện trên Biển Hoa Đông và các chiến đấu cơ đầu tiên thuộc mẫu này đã được triển khai cho các phi đội thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông, cơ quan giám sát khu vực này.
Điều này là bởi quân đội Mỹ có hơn 100 chiếc F-35 đồn trú tại các căn cứ không quân ở Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có khoảng 40 chiếc F-35 đang phục vụ và 100 chiếc khác đang được đặt hàng.
Đến năm 2025, khoảng 200 chiếc F-35 dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong khu vực. Mỹ cũng bắt đầu triển khai vĩnh viễn F-22 tới Okinawa ở Nhật Bản vào tháng 3.
Đảo Đài Loan là nguyên nhân chính. Hòn đảo tự trị này đã trở thành mục tiêu số 1 của PLA trong 75 năm và chiến đấu cơ J-20 từ Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông đã tuần tra gần hòn đảo với tần suất ngày càng tăng kể từ năm 2020.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc và sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát bằng vũ lực nếu cần thiết. Hầu hết các nước, trong đó có Mỹ, không coi Đài Loan là một quốc gia độc lập nhưng nhiều nước phản đối bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào bằng vũ lực.
Cuộc chạm trán đầu tiên được biết đến giữa J-20 và F-35 xảy ra trên Biển Hoa Đông, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ khi đó là ông Kenneth Wilsbach cho biết vào tháng 3/2022.
Vài tháng sau, Không quân PLA xác nhận J-20 của họ đã “chặn và xác định máy bay nước ngoài” nhiều lần xuất hiện trên Biển Hoa Đông. Nó cũng công bố đoạn phim ghi lại cảnh các phi công J-20 chạm trán với “lực lượng không quân nước ngoài” và thực hiện các chuyến bay gần đảo Đài Loan.
J-20 cũng được triển khai tương đối sớm cho Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Bắc của PLA, nơi chịu trách nhiệm quản lý bán đảo Triều Tiên cũng như Nga và Mông Cổ. Các phi đội có trụ sở tại Nội Mông và tỉnh Hà Bắc được cho là những đơn vị đầu tiên nhận được Mãnh Long.
Kể từ tháng 4/2022, các máy bay chiến đấu tàng hình cũng đã xuất hiện trong các cuộc tuần tra của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam trên Biển Đông.
Ở mặt trận phía Tây, ngay sau cuộc đụng độ chết người giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ trên biên giới tranh chấp của họ vào tháng 6/2020, 2 chiếc J-20 đã được nhìn thấy trong các hình ảnh vệ tinh thương mại tại Hotan ở Tân Cương – căn cứ không quân gần nhất ở Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh chụp vào tháng 5 năm nay cho thấy ít nhất 6 chiếc J-20 tại Shigatse ở Tây Tạng, căn cứ không quân của Trung Quốc gần cao nguyên Doklam nhất, nơi Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc đối đầu kéo dài vào năm 2017.
Trung Quốc tăng mạnh số lượng "Mãnh long" J-20, biên chế cho các lữ đoàn không quân tiêm kích
Trung Quốc giới thiệu bom dẫn đường chính xác Tianlong-20 cho tiêm kích tàng hình J-20
Trung Quốc chế tạo máy bay không người lái tàng hình FH-97A kết hợp với J-20
Theo SCMP