|
Để bảo vệ chủ quyền, Nhà nước đã đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển, đảo (Ảnh: CSBVN) |
Sẽ có một khoảng trống quyền lực xuất hiện khi ông Trump muốn đưa kết quả lên Toà án Tối cao. Nếu thời gian công bố kết quả bầu cử Mỹ kéo dài, Việt Nam có bị ảnh hưởng không?
TS Lê Hồng Hiệp: Việt Nam nên quan sát diễn biến tại Mỹ cũng như phản ứng của các nước khác để đánh giá tình hình và có động thái phù hợp với chính quyền mới.
Sự thận trọng là dễ hiểu nhưng nếu thận trọng trên mức cần thiết sẽ làm giảm cơ hội tạo dấu ấn và can dự hiệu quả với chính quyền mới ngay từ đầu.
Ngoài ra, quan hệ song phương cũng có thể bị đình trệ một ít vì nếu tình trạng bế tắc kéo dài thì sẽ có sự bất định về bộ máy hoạch định chính sách, về vai trò lãnh đạo ở các bộ ngành chủ chốt của Mỹ.
Tuy nhiên, theo tôi đây là tình trạng chung, các nước khác cũng rơi vào tình trạng tương tự trong quan hệ với Mỹ, không riêng Việt Nam.
|
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Có một điều lý thú với cuộc bầu cử Mỹ lần này là nhiều người Việt Nam trông ngóng như một điểm tựa. Theo ông, điều đó thể hiện tâm thế gì?
TS Lê Hồng Hiệp: Có nhiều lý do để nhiều người Việt Nam ủng hộ Biden hay Trump trong cuộc bầu cử vừa rồi, bao gồm đánh giá của mỗi người về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của mỗi ứng viên, lý tưởng chính trị của mỗi người, thậm chí trong nhiều trường hợp là vì ai thắng sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của họ theo những hướng khác nhau.
Tuy nhiên nhìn tổng thể có nhiều người Việt Nam ủng hộ Trump hơn đơn giản là vì họ thấy các chính sách của chính quyền Trump đối với khu vực, nhất là trong việc ứng phó với Trung Quốc hay tình hình Biển Đông, là hiệu quả và có lợi cho Việt Nam, và họ muốn các chính sách đó tiếp tục khi ông Trump tái đắc cử.
Việc này tôi nghĩ là hoàn toàn dễ hiểu, vì hiện tại Mỹ là đối tác rất quan trọng của Việt Nam, nhất là về mặt chiến lược và vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, Mỹ hiện là nước duy nhất đủ sức đối trọng với Trung Quốc hiện nay, nên chính sách của Mỹ với khu vực và nhất là Trung Quốc như thế nào sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Việt Nam.
Sẽ ít người trông đợi việc Mỹ sẽ làm mọi thứ để bảo vệ lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông, nhưng ít nhất hoàn toàn hợp lý khi họ mong đợi một nước Mỹ mạnh mẽ, quyết liệt sẽ giúp kiềm chế tham vọng của Trung Quốc và tạo nên một thế chiến lược có lợi cho Việt Nam.
Xu hướng đối đầu Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn
Trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi nhanh chóng. Ông dự đoán mối quan hệ này sẽ diễn biến như thế nào dưới thời chính quyền mới của ông Joe Biden? Cách tiếp cận của ông Biden với Trung Quốc sẽ có gì khác biệt so với ông Trump?
TS Lê Hồng Hiệp: Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi dưới thời Tổng thống Donald Trump một phần là do các chính sách cụ thể của chính quyền Trump, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn lại nằm ở cấu trúc quan hệ hai nước, nhất là việc quyền lực của Trung Quốc ngày càng tăng, đe dọa vị thế siêu cường dẫn đầu của Mỹ.
Chính vì vậy, sau khi chính quyền Mỹ chuyển sang tay Đảng Dân chủ dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Joe Biden, quan hệ song phương vẫn sẽ mang tính đối đầu, cạnh tranh, vì nguyên nhân cấu trúc vẫn còn.
Tuy nhiên, chính quyền Biden có thể có một số điều chỉnh về cách tiếp cận trong việc đối phó với Trung Quốc, vừa cạnh tranh trong các vấn đề cốt lõi như quân sự, thương mại, công nghệ, ý thức hệ, nhưng cũng sẽ cố gắng lôi kéo Trung Quốc hợp tác trong một số vấn đề như chống biến đổi khí hậu, đối phó dịch COVID-19, hay kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Vì vậy, có khả năng sẽ có những thỏa hiệp, đánh đổi giữa hai bên trên những vấn đề nhất định. Điều đó cũng có nghĩa là cách tiếp cận của chính quyền Biden dù vẫn mang tính cạnh tranh, đối đầu, nhưng sẽ bớt trực diện, gay gắt hơn thời Trump.
Ngoài ra, chính quyền Biden cũng sẽ nhấn mạnh việc hàn gắn các liên minh, để tạo ra đồng thuận quốc tế trong việc ứng phó với Trung Quốc.
Điều này giúp chính sách kiềm chế Trung Quốc trở nên bền vững về lâu dài, nhưng có thể bị hạn chế về tác dụng, nhất là trước mắt, do sự đồng thuận như vậy cần có thời gian để xây dựng, chưa kể các nước có lợi ích khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc nên bản thân một sự đồng thuận như vậy cũng rất khó đạt được.
|
Hai tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
Dưới thời ông Obama mà ông Biden là Phó Tổng thống, chính quyền Mỹ đã khởi động chiến lược xoay trục về châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc. Theo ông, liệu ông Biden có tiếp nối di sản đối ngoại của ông Obama hay không?
TS Lê Hồng Hiệp: Chính quyền Obama đã khởi xướng chiến lược ‘xoay trục’ để ứng phó với Trung Quốc, nhưng chưa thực hiện được nhiều về thực chất.
Đến thời ông Trump, chiến lược này được đóng gói lại thành chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do” (FOIP), đi kèm với nhiều động thái thực chất, nhất là về mặt quân sự.
Với xu hướng đối đầu Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn như đã nói trên, nhiều khả năng chiến lược FOIP của chính quyền Trump vẫn được tiếp tục dưới thời Biden, mặc dù có thể có điều chỉnh về cách thực hiện.
Vấn đề đặt ra ở đây là chính sách vẫn được duy trì nhưng các bước thực hiện dưới chính quyền mới sẽ thực chất và hiệu quả đến đâu.
Hiện có những lo ngại là nếu chính quyền Biden quay lại cách tiếp cận thận trọng, hòa hoãn, thiếu quyết đoán của thời chính quyền Obama thì chính sách này sẽ không hiệu quả trong việc ứng phó với Trung Quốc. Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Trong hơn một năm trở lại đây, vấn đề Biển Đông được đẩy lên và nhận được mối quan tâm cao của chính quyền ông Trump trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Mỹ đã có nhiều tuyên bố cứng rắn lên án Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Ông dự đoán vấn đề Biển Đông sẽ ở đâu trong chính sách của chính quyền mới?
TS Lê Hồng Hiệp: Chính quyền Biden nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì cách tiếp cận cứng rắn về vấn đề Biển Đông. Thực tế trong giai đoạn chính quyền Obama, chính sách Biển Đông của Mỹ đã bắt đầu cứng rắn lên, khởi đầu với phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN năm 2010 tại Hà Nội.
Dưới thời Trump, sự cứng rắn đó được đẩy lên cao, quyết liệt hơn, bằng cả diễn ngôn và hành động. Nay dưới chính quyền Biden, sự cứng rắn đó sẽ nhiều khả năng được duy trì vì tranh chấp Biển Đông đã trở thành một công cụ để Mỹ có thể tập hợp lực lượng và kiềm chế tham vọng chiến lược của Trung Quốc.
Mỹ sẽ không dùng Biển Đông để đánh đổi các lợi ích khác trong quan hệ với Trung Quốc.
Chỉ có một điều mà chúng ta chưa rõ là sự cứng rắn đó có được thể hiện bằng các hành động cụ thể, quyết liệt trên thực địa hay không, hay chỉ là cứng rắn trên luận điệu mà thôi.
Chính quyền Obama từng bị nhiều chuyên gia và quan chức khu vực chỉ trích là dù phát ngôn mạnh mẽ nhưng hành động lại thiếu cứng rắn, cầm chừng.
Hi vọng, kiểu tiếp cận như vậy sẽ không lặp lại dưới thời Biden.
Chỉ có Việt Nam mới giúp được Việt Nam
Ông Biden không phải là nhân vật xa lạ với Việt Nam. Ông Biden thuộc nhóm thượng nghị sĩ ủng hộ tiến trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, là Phó Tổng thống chính quyền Obama - giai đoạn quan hệ Việt - Mỹ phát triển toàn diện. Có thể trông đợi điều gì về quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới hay không?
TS Lê Hồng Hiệp: Dù ai làm chủ Nhà Trắng thì quan hệ Việt - Mỹ vẫn sẽ duy trì đà phát triển, vì giữa hai nước chia sẻ nhiều lợi ích chung, nhất là về chiến lược và kinh tế. Những lợi ích này là lợi ích quốc gia, vượt qua phạm vi lợi ích đảng phái.
Tất nhiên, về cách thực hiện và chính sách cụ thể thì mỗi chính quyền sẽ mang lại cho Việt Nam những thuận lợi và thách thức khác nhau.
Đối với chính quyền Biden, thuận lợi là họ sẽ nhấn mạnh hơn khía cạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và các thể chế toàn cầu, ưu tiên chống biến đổi khí hậu…, đều là những chính sách phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Thách thức là họ có thể đề cao các vấn đề giá trị, hoặc không đủ mạnh mẽ trong hành động trên hồ sơ Biển Đông, hoặc quá bận tâm với các ưu tiên mới mà lơ là khu vực và Việt Nam…
Việt Nam có thể chủ động phối hợp với các nước khác có cùng tư duy, cùng mối quan tâm để vận động chính quyền mới đưa ra hoặc duy trì các chính sách phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Tuy nhiên, có thành công hay không lại là chuyện khác.
Chỉ có một điều rõ ràng là Việt Nam cũng như các nước đều phải chấp nhận thực tế chính trị mới ở Washington, qua đó đưa ra những điều chỉnh để thích nghi và bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia của mình.
Theo ông, Việt Nam cần phải xử lý mối quan hệ với hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc như thế nào khi cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng gia tăng? Đối với Biển Đông, chúng ta nên chuẩn bị gì thay vì trông đợi "nước xa tới cứu lửa gần"?
TS Lê Hồng Hiệp: Về nguyên tắc, chỉ có Việt Nam mới giúp được Việt Nam. Chỉ có một nội lực mạnh mẽ, một tâm thế tự cường, một sự đồng lòng của mọi người dân mới có thể giúp Việt Nam đứng vững được trước các áp lực từ bên ngoài, nhất là trên Biển Đông.
Tuy nhiên, đồng thời Việt Nam cũng cần có những bước đi phù hợp để thúc đẩy quan hệ với ASEAN, với các nước lớn, để tạo dựng một môi trường chiến lược quốc tế phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Điều đó hoàn toàn cần thiết, thậm chí rất quan trọng, trong bối cảnh nội lực cần phải có thời gian để tích lũy.
Hiện tại, Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực tối đa để duy trì sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vì cả hai nước đều quan trọng với Việt Nam trên nhiều mặt.
Tuy nhiên, tùy vào diễn biến quan hệ giữa hai cường quốc, cũng như giữa Việt Nam với hai nước, mà chúng ta có thể có những điều chỉnh ở cấp độ “dưới chiến lược” để bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình.
Ví dụ, nếu Trung Quốc tiếp tục hành động hung hăng trên Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế, đe dọa lợi ích hợp pháp của Việt Nam, thì Việt Nam có quyền cân nhắc nâng cấp quan hệ chiến lược với Mỹ, thắt chặt quan hệ với Mỹ và các cường quốc khác trên các lĩnh vực phù hợp để cân bằng lại mối đe dọa trên Biển Đông.
Chúng ta không chọn phe, nhưng chúng ta có quyền chọn quan điểm, chọn lập trường trong từng vấn đề cụ thể, sao cho lợi ích của mình được đảm bảo một cách tối đa.
Ngoài ra, hiện tại năng lực, vị thế của Việt Nam cũng đã tiến bộ rất nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việt Nam hoàn toàn có thể tham dự cùng các nước lớn để định hình môi trường chiến lược khu vực, chủ động thiết lập luật chơi có lợi cho mình.
Chúng ta không nên để cho những so sánh lịch sử che mờ tư duy lý tính thực tại. Đơn giản là thời thế đã thay đổi, cân bằng quyền lực đã thay đổi, tập hợp lực lượng cũng đã thay đổi so với cách 40 năm.
Vì vậy, chúng ta cũng cần phải thay đổi để bắt kịp, trước hết là về mặt tư duy chiến lược.
Có như vậy chúng ta mới bắt nhịp được với tình hình thế giới và bảo vệ được tốt nhất lợi ích quốc gia của mình.
Xin cám ơn ông.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, tổ chức hàng đầu khu vực về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế.
Trước khi làm việc cho ISEAS, ông làm việc cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và sau đó giảng dạy tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Các nghiên cứu của ông đã được xuất bản rộng rãi, bao gồm hai cuốn sách: "Sống cạnh Người khổng lồ: Kinh tế Chính trị của mối quan hệ Việt – Trung thời kì Đổi mới" (ra mắt năm 2016) và "Chính sách Đối ngoại của Việt Nam thời kì Đổi mới" (ra mắt năm 2018, đồng chủ biên với Anton Tsvetov).