Điều gì sẽ xảy ra từ nay cho tới ngày Tổng thống Mỹ tuyên thệ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Những cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu cử họ trong ngày bầu cử 3/11 thực chất không phải những người trực tiếp lựa chọn Tổng thống.

Vẫn còn nhiều diễn biến đáng chú ý tính từ thời điểm này cho tới ngày Tổng thống Mỹ tuyên thệ (Ảnh: CNN)
Vẫn còn nhiều diễn biến đáng chú ý tính từ thời điểm này cho tới ngày Tổng thống Mỹ tuyên thệ (Ảnh: CNN)

Xét về mặt kỹ thuật, họ đã bỏ phiếu cho 538 đại cử tri, những người mà theo Hiến pháp Mỹ sẽ nhóm họp ở các bang mà họ đại diện và bỏ phiếu cho Tổng thống và Phó Toognr thống ngay sau khi kết quả phiếu bầu phổ thông được kiểm đếm và xác nhận.

Các đại cử tri sẽ tổ chức bỏ phiếu, sau đó lá phiếu của họ được chuyển tới Chủ tịch Thượng viện, người sẽ tổ chức kiểm đếm chúng trong một phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Sau đây là các cơ chế pháp lý và hoạt động diễn ra từ ngày bầu cử 3/11 cho tới ngày tuyên thệ nhậm chức 20/1/2021.

Ngày 3/11 – Ngày bầu cử

Cử tri đi bỏ phiếu, phiếu bầu của họ được kiểm đếm.

Trong khu hàng triệu người dân Mỹ đi bỏ phiếu từ trước ngày bầu cử 3/11, hoặc trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, luật pháp Mỹ quy định Ngày Bầu Cử diễn ra vào ngày thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Lá phiếu được kiểm đến vào ngày bầu cử trên khắp cả nước.

Ngày 4/11 – 23/11

Phiếu bầu được kiểm đếm.

Các lá phiếu gửi qua đường bưu điện cần phải có dấu bưu điện không muộn hơn ngày 3/11 ở mọi bang của nước Mỹ, nhưng chúng có thể được tiếp nhận muộn và vẫn được đếm ở nhiều bang. Trong phần lớn trường hợp, chúng cần phải được tiếp nhận trong ngày hoặc 2 ngày bầu cử. Nhưng ở bang Washington, các lá phiếu bỏ qua đường bưu điện có thể được tiếp nhận đến tận ngày 23/11 – ngày mà bang này xác nhận kết quả bầu cử. Ở các bang chiến trường như North Carolina và Pennsylvania, các lá phiếu qua đường bưu điện được tiếp nhận đến hết ngày 6/11.

Ở các bang chiến trường Minnesota và Nevada, phiếu bầu qua đường bưu điện được tiếp nhận đến hết ngày 10/11. Và ở Ohio, chúng được tiếp nhận đến hết ngày 13/11.

Ngày 10/11– 1/12

Các bang của nước Mỹ xác nhận kết quả bầu cử.

Ở mỗi bang, quy trình này lại có sự khác biệt, nhưng vào thời điểm 1 tuần sau ngày bầu cử 3/11, chính quyền các bang bắt đầu xác nhận kết quả bầu cử ở bang của họ. Những thời hạn chót này có thể được thay đổi trong trường hợp một bang phải kiểm phiếu lại do kết quả cực kỳ sít sao. Phần lớn thời hạn chót để các bang xác nhận kết qủa là 2 tuần lễ cuối của tháng 11. Duy chỉ có bang California là xác nhận kết quả vào ngày 8/12.

Ngày 8/12

Chính thức xác nhận kết quả bầu cử và chỉ định đại cử tri.

Theo Đạo luật Kiểm đếm Bầu cử (Electoral Count Act), đây là ngày mà các bang đã hoàn tất kiểm đếm phiếu, quyết định người thắng cuộc và các lá phiếu đại cử tri đoàn. Các Thống đốc phải đưa ra xác nhận về người thắng trong kỳ bầu cử và các đại cử tri. Năm 2000, Tòa án Tối cao đã phán quyết chấm dứt việc kiểm lại phiếu ở Florida vì nó không thể hoàn tất trong ngày được ấn định này. Việc kiểm lại có thể không làm thay đổi kết quả bầu cử lúc bấy giờ, nhưng kiểm lại trên toàn bang lại có thể giúp ông Al Gore trở thành Tổng thống. Năm nay, điều này đặc biệt quan trọng với đảng Cộng hòa bởi họ kiểm soát nhiều cơ quan lập pháp hơn đảng Dân chủ.

Ngày 14/12

Bỏ phiếu đại cử tri.

Theo luật pháp Mỹ, đây là ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư thứ hai của tháng 12. Năm nay, nó rơi vào ngày 14/12. 6 ngày kể từ khi mọi tranh chấp được giải quyết, các đại cử tri sẽ nhóm họp ở các bang của họ và bỏ phiếu cho Tổng thống Mỹ. Họ xác nhận 6 bộ phiếu và gửi chúng tới Washington. Nhiều bang có luật quy định các đại cử tri của họ phải ủng hộ ứng viên giành chiến thắng ở bang của họ, và có thể bị phạt tiền nếu tự bỏ phiếu theo ý mình.

Ngày 23/12

Đây là ngày mà lá phiếu đại cử tri được tiếp nhận ở Washington. Các lá phiếu đại cử tri được xác nhận có khoảng thời gian 9 ngày để từ các bang chuyển lên Đồi Capitol.

Ngày 3/1/2021

Quốc hội mới tuyên thệ.

Các thành viên của Hạ viện và thành viên mới của Thượng viện tuyên thệ vào buổi trưa. Đây là thời điểm chính thức khởi động Quốc hội thứ 117 của Mỹ.

Ngày 6/1/2021

Lá phiếu đại cử tri được đếm xong.

Các thành viên Hạ viện và Thượng viện hội họp tại Hạ viện. Chủ tịch của Thượng viện (Phó Tổng thống Mike Pence) chủ trì phiên họp này và các lá phiếu đại cử tri được đọc và đếm theo thứ tự bởi 2 người được chỉ định – 1 đến từ Hạ viện và 1 đến từ Thượng viện. Sau đó họ sẽ trao kết quả lại cho ông Pence, người sẽ công bố kết quả và lắng nghe mọi sự phản đối có thể xảy ra.

Có tổng cộng 538 phiếu đại cử tri. Nếu không có ứng viên nào đạt được 270 phiếu, 435 thành viên của Hạ viện sẽ quyết định cuộc bầu cử. Mặc dù có nhiều thành viên đảng Dân chủ hơn trong Hạ viện, nhưng ở thời điểm hiện tại đảng Cộng hòa lại kiểm soát nhiều cử tri đoàn bang hơn, bởi vậy rất có khả năng Hạ viện sẽ chọn ông Donald Trump làm Tổng thống mặc dù đảng Dân chủ nắm thế đa số trong Hạ viện. Hạ viện có hạn chót là ngày 20/1 để lựa chọn Tổng thống. Nếu họ không thể, thì Phó Tổng thống sẽ lên thay hoặc một người nào đó hợp lệ.

Ngày 20/1/2021

Ngày tuyên thệ.

Tân Tổng thống sẽ tuyên thệ vào buổi trưa. Nếu Tổng thống đắc cử qua đời trong khoảng thời gian từ ngày bầu cử 3/1 đến ngày tuyên thệ, Phó Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống. Trong một kỳ bầu cử nhiều tranh chấp, nếu Hạ viện không lựa chọn một Tổng thống trong khi Thượng viện lựa chọn được một Phó Tổng thống, vị Phó Tổng thống đắc cử này sẽ trở thành Tổng thống lâm thời cho đến khi Hạ viện đưa ra lựa chọn của mình. Và trong trường hợp không có cả Tổng thống đắc cử và Phó Tổng thống đắc cử, Hạ viện sẽ chỉ định một vị Tổng thống cho đến khi có một người được lựa chọn.