Vì sao "lò bát quái" của Mường Thanh dễ khai hỏa?

Liên tiếp 2 vụ cháy xảy ra tại các chung cư "tổ ong" của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, với cùng nguyên nhân… chập điện. Nếu hệ thống điện của chủ đầu tư kém chất lượng, dễ cháy nổ như vậy, ai sẽ bảo đảm an toàn tính mạng cho hàng chục nghìn hộ dân sinh sống tại đây?
Nếu xảy ra cháy nổ, cư dân ở "tổ ong" của Mường Thanh sẽ thoát hiểm thế nào?
Nếu xảy ra cháy nổ, cư dân ở "tổ ong" của Mường Thanh sẽ thoát hiểm thế nào?

Các dự án chung cư (CC) của DN xây dựng số 1 Lai Châu (Tập đoàn Mường Thanh) luôn "sốt sình sịch" ngay từ khi được khởi công. Bí quyết thành công của chủ đầu tư này là tiến độ xây dựng "thần tốc", căn hộ diện tích nhỏ từ 45 - 50m2, giá rẻ "giật mình"… Nhưng, các dự án của Mường Thanh đã có tai tiếng về xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch đô thị, mật độ dân cư quá đông, cháy nổ liên tiếp, thu tiền chênh cao ngất ngưởng.

Cháy do chập điện!

Mới đây, người dân thủ đô đã vô cùng hoảng sợ, khi xảy ra 2 vụ cháy do chập điện liên tiếp tại CC Xa La và Linh Đàm của Mường Thanh. Đây là 2 khu CC có mật độ xây dựng lớn, tập trung dân cư đông đúc bậc nhất tại Hà Nội. 

Ngày 16/9, hàng trăm cư dân đã bỏ chạy tán loạn khi phát hiện đám cháy tại tầng 17 của tòa nhà HH4A Linh Đàm - là 1 trong 12 tòa CC cao tầng tại khu đất HH (thuộc KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Dự án này do DN xây dựng số 1 Lai Châu đầu tư, với quy mô 4 khối nhà (HH1, HH2, HH3, HH4) gồm cụm 3 tòa nhà A - B - C (cao từ 35 - 40 tầng) nằm san sát, chỉ cách nhau… vài mét. 

Tòa nhà HH4A vừa xây dựng xong, đang bàn giao cho người dân thì xảy ra vụ cháy ở tầng kỹ thuật (tầng 17). Dù không có thiệt hại về người, song các cư dân ở 3 tòa CC HH4 Linh Đàm được một phen kinh hãi, sống trong cảnh mất điện suốt 3 ngày vì sự cố này. 

Vài ngày sau (ngày 20/9), một vụ cháy chập điện, cũng ở tầng kỹ thuật (tầng 9), lại xảy ra tại tòa nhà CT5 KĐT Xa La (quận Hà Đông, Hà Nội) của Mường Thanh. Hệ thống báo cháy của tòa nhà đã không hoạt động (!?), mà người dân tự phát hiện cháy và chữa cháy bằng bình cứu hỏa cầm tay.

Với chiều cao của các tòa nhà HH4A Linh Đàm (35 - 40 tầng) và CT5 Xa La (22 tầng), lực lượng cứu hỏa gặp khó khăn tiếp cận, giải cứu người bị nạn ở các tầng cao trên 15 tầng. Người dân lại khó di tản qua thang máy khi bị mất điện, hoặc lối thang bộ ở các tầng quá cao sẽ không phù hợp với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai… 

Sau 2 vụ cháy này, không ít người dân đã phải di tản sang nhà người dân ở tạm hoặc lùi ngày dọn về ở tại CC "lò bát quái" của Mường Thanh, chờ đợi chủ đầu tư có biện pháp khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn tính mạng. 

Sau vụ cháy tòa HH4A Linh Đàm, phóng viên đã liên lạc với ông Lê Thanh Thản, chủ sở hữu DN xây dựng số 1 Lai Châu để tìm hiểu nguyên nhân, khắc phục sự cố. Tuy nhiên, ông Thản liên tục cáo bận họp và chỉ sang làm việc với Ban quản lý tòa nhà HH4. Còn một đại diện Ban quản lý cũng lấy lý do "đang tập trung khắc phục, sửa chữa hệ thống điện" của tòa nhà bị cháy để từ chối cung cấp thông tin. 

1 thang máy "cõng" hơn 400 người

Được biết, Mường Thanh đã mua lại khu đất CC6 (rộng 4,2ha) nằm trong KĐT mẫu Linh Đàm của Tập đoàn HUD để đầu tư xây dựng nhà ở, dịch vụ hỗn hợp. Theo quy hoạch - kiến trúc được phê duyệt, mật độ xây dựng chỉ 40%, chiều cao 35 - 40 tầng, diện tích sàn xây dựng 606.000m2, quy mô dân số khoảng 6.300 người. 

Thực tế, DN xây dựng số 1 Lai Châu đã xây dựng tới 12 khối nhà cao 35 - 40 tầng với mật độ căn hộ dầy đặc như những "tổ ong". Tổng quy mô cả khu lên tới 9.000 căn hộ với trên 30.000 người dân. 

Riêng tổ hợp 3 tòa nhà HH4 (A - B - C) được xây dựng "thần tốc" trên khu đất rộng 3.530m2, cho ra lò hơn 2.100 căn hộ. Đơn cử, tòa HH4A có 20 căn hộ/sàn với diện tích từ 42 - 76m2/căn được bố trí từ tầng 2 - 35 (tầng 1 là kiot bán hàng), tổng số 700 căn hộ.

Dù thiết kế chỉ có 35 tầng, nhưng chủ đầu tư đã "cơ nới", xây thêm khoảng 20 căn hộ penthouse trên tầng 36 của tòa nhà. Điều lạ là, các căn penthouse này có diện tích "tí hon" chỉ 45,68m2 và được sàn giao dịch bán giá khoảng 2,5 tỷ đồng/căn. 

Nếu chỉ tính 700 căn hộ và số dân khoảng 2.500 người, hệ thống 6 thang máy của tòa nhà đã luôn trong tình trạng quá tải. Vì tính ra, 1 thang máy phải phục vụ tới 116 căn hộ, tương ứng "cõng" khoảng… 416 người mỗi ngày!

Với mật độ xây dựng và dân cư dày đặc, thang máy quá tải, hạn chế đường thoát hiểm như vậy, người dân sẽ gặp khó khăn nếu xảy ra hỏa hoạn. Hệ thống cầu thang bộ cũng khó có tác dụng với người dân ở các tầng 30 - 40.

Hơn nữa, để bảo đảm an toàn phòng cháy, Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam đã quy định các tòa nhà cao tầng phải cách nhau tối thiểu 25m, có đường dành cho xe chữa cháy rộng tối thiểu 3,5m… Thực tế, 12 khối nhà HH1, HH2, HH3, HH4 đều bố trí san sát nhau và khoảng cách giữa 3 tòa A - B - C của khối chỉ là 10 - 15m. 

Tòa nhà cũng phải tuân thủ các yêu cầu về diện tích lỗ thông gió, các cửa ngăn chống cháy nhằm phòng chống hỏa hoạn của tầng kỹ thuật, hệ thống báo cháy, thiết bị chữa cháy, lối thoát nạn…

Từ các vụ cháy xảy ra liên tiếp ở khu CC của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản đang đặt ra nghi vấn chất lượng công trình chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn xây dựng? 

Theo TBKD