Vì sao LG ‘tụt dốc không phanh’ ở mảng smartphone?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Các chuyên gia có thể viện dẫn nhiều lý do trên trời nhưng người dùng cuối có những lý do thực tế hơn để không dùng điện thoại LG từ lâu.
Vì sao LG ‘tụt dốc không phanh’ ở mảng smartphone?
Vì sao LG ‘tụt dốc không phanh’ ở mảng smartphone?

Các chuyên gia có thể viện dẫn nhiều lý do trên trời nhưng người dùng cuối có những lý do thực tế hơn để không dùng điện thoại LG từ lâu.

LG chỉ bán được 6,5 triệu chiếc điện thoại trong quý III/2020, chiếm 2% thị phần toàn cầu, theo Counterpoint. Chưa có số liệu của quý IV và cả năm 2020, nhưng không khó để dự đoán LG sẽ tiếp tục có một năm lao dốc vì smartphone. Mảng này đã khiến gã điện tử khổng lồ Hàn Quốc lỗ tới 5 nghìn tỷ Won (4,5 tỷ USD) trong vòng 5 năm qua trong khi các bộ phận khác vẫn liên tục phá kỷ lục doanh thu.

Vì vậy, sau tất cả, tin tức LG quyết định bán mảng smartphone là chuyện sớm muộn cũng xảy ra. Thế nhưng nó lại trở thành tin tức sốt dẻo với người Việt khi báo Hàn loan tin một tập đoàn lớn của Việt Nam đang nổi lên là ứng viên hàng đầu thâu tóm lại mảng smartphone của LG ở Mỹ.

LG vẫn còn thị phần ở Mỹ nhờ đó vẫn thu hút được các bên mua tiềm năng
LG vẫn còn thị phần ở Mỹ nhờ đó vẫn thu hút được các bên mua tiềm năng

Theo các chuyên gia, LG có thể chỉ bán lại mảng kinh doanh smartphone ở Mỹ chứ không phải bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) và các bằng sáng chế. Nhưng dù cho LG có ý định bán lại toàn bộ mảng smartphone, không chắc ông lớn nào dám nhảy vào canh bạc liều lĩnh này, bởi LG đã thua toàn diện trên mặt trận smartphone từ rất lâu.

Năm 2010, đối thủ Samsung ra mắt dòng sản phẩm Galaxy S đầu tiên sử dụng màn hình Super AMOLED (công nghệ OLED). 7 năm sau, LG giới thiệu G6 tại Mobile World Congress vẫn sử dụng màn IPS (công nghệ LCD) và bo mạch rời trong khi đối thủ đã dùng hệ thống trên một vi mạch (SoC).

Không những chậm chạp hơn đối thủ về phần cứng, điện thoại LG cũng gặp không ít vấn đề khi ra mắt thị trường. Tập hợp các lỗi không rõ nguyên nhân là do phần cứng hay phần mềm xảy ra trên điện thoại LG được gọi chung là lỗi “đột tử”, mà nó có thể là lỗi hỏng cảm ứng, lỗi bootloop, lỗi màn hình…

Lỗi bootloop khiến LG chịu tổn hại nặng nề về danh tiếng
Lỗi bootloop khiến LG chịu tổn hại nặng nề về danh tiếng

Trong đó, lỗi nghiêm trọng nhất chính là bootloop tràn lan trên các dòng điện thoại G4, V10, V20, G5 và Nexus 5X (hợp tác với Google). Hiểu đơn giản bootloop là lỗi biến smartphone thành cục gạch và hiếm khi xảy ra với điện thoại Android chưa root (tương tự như jailbreak trên iPhone). Lỗi này đã dẫn đến một vụ kiện ở bang California hồi năm 2017 mà kết quả cuối cùng là LG đồng ý bồi thường 425 USD tiền mặt hoặc giảm giá 700 USD (ở lần mua kế tiếp) cho những nạn nhân trong vụ kiện ở Mỹ.

Dù vậy, tiếng xấu vẫn đồn rất xa. Trên các diễn đàn công nghệ nước ngoài, LG bị người dùng liên tục phàn nàn về tình trạng chậm cập nhật firmware, nhanh nóng máy, hao pin. Khi bị các đối thủ giá rẻ đến từ Trung Quốc như Xiaomi hay Oppo phả hơi nóng vào gáy, LG mới vội vàng cải tiến pin, nâng cấp màn hình, sạc nhanh. Tuy nhiên, vấn đề cuối cùng là khâu phân phối và tiếp thị, tính sẵn sàng của chuỗi cung ứng lại không đồng bộ khiến điện thoại LG phải rất lâu mới thực sự có mặt trên thị trường sau ngày công bố ra mắt (launching). Đấy là chưa kể, khâu chăm sóc khách hàng của LG thực sự gặp vấn đề và bị người dùng phàn nàn là đem con bỏ chợ.

Một số dòng sản phẩm nổi bật gần đây như Velvet 5G, V60 hay Wing 5G thực sự đáng đồng tiền bát gạo, nhưng để mua nó ở Mỹ quả là một kỳ công chứ chưa nói đến chuyện mua ở nước khác. Điều này dẫn tới hệ quả là người dùng không dám đánh bạc với một sản phẩm xách tay dính tiếng xấu mà lại khó để bảo hành.

Hệ quả, LG đã đi vào vết xe đổ của những ông lớn smartphone ngày trước và việc hãng này phải bán mình, thu nhỏ quy mô và tập trung vào R&D là một bước đi khó tránh.

Những mẫu điện thoại sau đó cũng không thể cứu vãn nổi tình hình
Những mẫu điện thoại sau đó cũng không thể cứu vãn nổi tình hình

Dù không thể phủ nhận sự đổi mới sáng tạo rất sớm của LG với điện thoại màn hình kép, màn hình cuộn, màn hình tỷ lệ 18:9 tràn viền, camera góc rộng (ultra-views), màn hình chạm để mở… Nhưng bằng cách nào đó, hãng này vẫn sử dụng một thứ gì đó yếu hơn trên các dòng sản phẩm flagship để cạnh tranh với đối thủ. Đó có thể là chip đời cũ, màn hình tần số quét thấp hoặc không chống nước chứ chưa nói đến giá bán thực sự đắt đỏ so với các dòng sản phẩm cạnh tranh.

Theo ICTNews