Samsung, LG hưởng lợi khi Mỹ trừng phạt các công ty Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một số công ty công nghệ Hàn Quốc được cho là sẽ tận dụng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc để củng cố vị trí của mình vào năm 2021.
Ảnh: Korea Times
Ảnh: Korea Times

Theo các nhà phân tích, Samsung, LG, SK Hynix và các công ty Hàn Quốc khác được cho là sẽ tận dụng các lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ đối với các công ty Trung Quốc để củng cố vị thế của mình vào năm 2021. Trong năm 2020, Mỹ đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như một phần của cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra. Trong đó, Huawei là một trường hợp tiêu biểu với việc công ty Trung Quốc này bị cấm sử dụng công nghệ của Mỹ trong sản xuất chất bán dẫn.

Lệnh cấm cũng đã ngăn cản các công ty Hoa Kỳ hoặc các công ty khác sử dụng công nghệ hoặc phần mềm của Mỹ hỗ trợ vật chất thông qua các hoạt động thương mại cho Huawei trong việc sản xuất chipset của riêng mình. Viện dẫn những rủi ro về an ninh quốc gia, Washington gần đây cũng đưa vào danh sách đen hàng chục công ty công nghệ của Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip lớn nhất SMIC.

Mỹ cũng đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào TCL - một trong những nhà sản xuất TV hàng đầu ở Trung Quốc. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ - ông Chad Wolf cho biết cơ quan của ông đang điều tra nhà sản xuất TV Trung Quốc về khả năng công ty này đưa “cửa hậu” vào các sản phẩm TV của hãng.

“Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đánh dấu trường hợp các công ty Trung Quốc thu thập bất hợp pháp dữ liệu về người tiêu dùng Mỹ hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ. Năm nay, DHS đã phát hiện ra rằng, TCL đã đưa các “cửa hậu” vào tất cả dòng TV của mình khiến người dùng có nguy cơ bị thu thập dữ liệu bất hợp pháp” - ông nói.

Các quan chức trong ngành công nghiệp cho rằng, nếu TCL bị hạn chế bán TV ở Mỹ, các nhà sản xuất TV Hàn Quốc là Samsung và LG rõ ràng sẽ được hưởng lợi từ động thái này. Trong số hai nhà sản xuất TV trong nước, LG có thể thu được lợi nhuận do đang cạnh tranh gay gắt với công ty Trung Quốc về thị phần toàn cầu.

“Mặc dù chưa có gì được quyết định, tuy nhiên hoạt động kinh doanh TV của LG có thể được đẩy mạnh tại thị trường Mỹ” - một quan chức giấu tên của Hàn Quốc cho biết. Theo nhà nghiên cứu thị trường Omdia, thị phần toàn cầu của LG đạt 11,6% về lượng hàng xuất xưởng trong quý 3 năm nay, chỉ đứng sau Samsung với thị phần 23,6%, trong khi đó, TCL đang bám sát LG với 10,9% thị phần.

Các nhà phân tích trong ngành cũng dự báo LG sẽ tiếp tục chứng kiến giá cổ phiếu tăng trong năm tới khi kỳ vọng ngày càng lớn rằng nhà sản xuất TV số 2 thế giới sẽ cải thiện thị phần của mình tại thị Bắc Mỹ.

Một quan chức trong ngành công nghiệp dự báo mức tăng trưởng của LG có thể còn cao hơn nhờ vào lĩnh vực giải trí gia đình mà cụ thể là mảng kinh doanh TV vì nó trực tiếp hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với TCL.

Thị trường Bắc Mỹ là một trong hai chỗ đứng vững chắc của TCL về doanh số TV. Theo Omdia, doanh số bán hàng trong khu vực của TCL vào năm 2020 sẽ chiếm khoảng 31,7% tổng doanh số và cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với doanh số mà công ty sẽ tạo ra từ thị trường Trung Quốc.

Trong lĩnh vực bán dẫn, các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu như Samsung và SK hynix sẽ được hưởng lợi từ việc Washington kiềm chế các công ty Trung Quốc. Do lệnh trừng phạt của Washington, nhà sản xuất chip Trung Quốc SMIC đã bị ngăn cản tiếp cận công nghệ sản xuất chất bán dẫn ở cấp độ tiên tiến 10 nanomet trở xuống. Các nhà phân tích tin rằng thị phần của Samsung trong lĩnh vực kinh doanh đúc bán dẫn sẽ lớn hơn nhiều vào năm 2021.

SK Hynix cũng được cho là đang chứng kiến số lượng đơn đặt hàng sản xuất chip ngày càng tăng dựa trên mảng kinh doanh xưởng đúc 8 inch của mình vì đại dịch làm tăng nhu cầu về cảm biến hình ảnh, các mạch tích hợp trình điều khiển màn hình và quản lý điện năng.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại về bất kỳ lệnh trừng phạt kéo dài nào đối với các công ty Trung Quốc vì Hàn Quốc đặc biệt phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc hiện vẫn đang là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với các công ty Hàn Quốc.

Theo Korea Times