Tuần qua, Apple đã giới thiệu loạt iPhone mới trong đó có iPhone Xs Max cao cấp nhất với màn hình khổng lồ 6.5 inch và iPhone Xr là phiên bản giá rẻ. Bộ ba iPhone năm 2018 đều tích hợp sẵn tính năng SIM kép, bao gồm 1 SIM vật lý và 1 SIM điện tử (eSIM).
Chỉ riêng tại Trung Quốc, Apple dành sự ưu ái nhất định khi cung cấp phiên bản iPhone Xs, Xs Max và Xr hỗ trợ 2 SIM vật lý để đem tới sự tiện lợi cho người dùng thường xuyên du lịch, tránh chi phí phát sinh từ dịch vụ chuyển vùng quốc tế.
Tờ Tân Hoa Xã nhận định: “Rõ ràng Apple đang dành sự chăm sóc đặc biệt cho Trung Quốc, vì đây là nơi đem tới doanh số bán hàng lớn. Công ty đã biết thuận theo đặc tính và quy luật của thị trường Trung Quốc”.
Các nhà phân tích cũng cho rằng đây là điều Apple buộc phải làm để tồn tại tại thị trường tỷ dân. Tuy nhiên, tạp chí Forbes đánh giá iPhone 2 SIM không thể là át chủ bài của Apple để cạnh tranh với các công ty Trung Quốc. Tại sao vậy?
Hiện tại, SIM điện tử chưa phổ biến tại Trung Quốc. Thông thường, người dùng Trung Quốc sẽ phải tới các cửa hàng địa phương, xác minh tên và số chứng minh nhân dân để mua thẻ SIM vật lý.
Còn quá trình đăng ký eSIM ở Đại lục lại ít nghiêm ngặt hơn và có thể dẫn đến việc người dùng sử dụng chứng minh thư giả mạo. Nhiều chuyên gia bảo mật Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về hiểm họa an ninh tiềm ẩn có thể khiến Bắc Kinh sớm thắt chặt chính sách quản lý SIM điện tử.
Năm ngoái, thị phần của Apple tại Trung Quốc tăng trưởng 4,6%, từ 19,7% từ năm 2016 lên 24,3%, giúp Apple giành vị trí thứ 4 trong danh sách các thương hiệu smartphone yêu thích nhất năm 2017.
Nhưng khảo sát của Canalys mang tới tín hiệu đáng buồn cho Apple. Tính tới Q2/2018, doanh số iPhone đang trên đà sụt giảm nghiêm trọng khiến Apple tụt xuống vị trí thứ 8 trong danh sách 10 hãng smartphone hàng đầu Trung Quốc.
Các nhà sản xuất Trung Quốc như Huawei, Oppo hay Xaomi đã dần lấy đi miếng bánh thị phần của Apple. Ngoài việc từ lâu đã hỗ trợ SIM kép, thì các lý do có thể kể tới là giá thành thấp hơn, khoảng cách về chất lượng ngày càng thu hẹp và các tính năng sáng tạo khác trên sản phẩm.
Huawei P20 Pro với cụm 3 camera. Ảnh: Huawei
|
Huawei vẫn giữ vững ngôi đầu. Xếp sau lần lượt là Oppo và Vivo, Xiaomi thay thế Apple ở vị trí thứ tư. Bốn nhà sản xuất địa phương đã chiếm 73% tổng thị phần smartphone tại Trung Quốc.
Thực tế, Huawei P20 Pro sở hữu hệ thống camera 3 ống kính được bán ra với giá khởi điểm ở quê nhà chỉ 495 USD. Mẫu flagship không viền màn hình, Oppo Find X có giá 730 USD. Trong khi để sở hữu iPhone Xs hay Xs Max, người dùng sẽ phải chi trả khoản tiền giao động từ 950 USD tới 1.400 USD.
Nhà phân tích Jia Mo của công ty nghiên cứu thị trường Canalys có trụ sở tại Thượng Hải, cho rằng: “Nếu so sánh về phần cứng, thiết bị mới của Apple không hoàn toàn tốt hơn các mẫu Android từ Trung Quốc, nhưng chúng lại có giá đắt hơn nhiều”. Ông Mo nó thêm: “Điều này sẽ là trở ngại lớn để Apple thu hút người tiêu dùng Trung Quốc”.
Đó là chưa kể tới việc chính phủ Trung Quốc gần đây yêu cầu các nhà mạng lớn như China Mobile, China Telecom và China Unicom cắt giảm chi phí 20 phần trăm chi phí dành cho quảng cáo. Nhật báo Trung Hoa (China Daily) cho rằng: “Chính sách này sẽ ảnh hưởng tới Apple nhiều nhất bởi biểu tượng công nghệ Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào quảng cáo để tăng doanh số bán iPhone”.
Theo CNBC, Forbes