Vì sao giá dầu giảm kể từ khi xung đột Hamas-Israel bắt đầu và tình trạng này có kéo dài?

VietTimes – Bất chấp chiến sự căng thẳng giữa Israel và Hamas, giá dầu mới đây vẫn giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Điều gì đã xảy ra?
Quang cảnh một trạm xăng hết nhiên liệu do các cuộc tấn công của Israel ở Rafah, Gaza vào ngày 25/10/2023 (Ảnh: CNBC)

Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng do thị trường năng lượng toàn cầu phần lớn gạt bỏ lo ngại về nguy cơ cuộc chiến Israel-Hamas có thể leo thang thành xung đột khu vực, gây ra sự gián đoạn lớn đối với nguồn cung dầu thô.

Dầu thô Brent kỳ hạn và Dầu thô trung cấp West Texas trượt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 vào hôm 7/11. Giá dầu toàn cầu giảm 3,57 USD, tương đương 4,2%, xuống 81,61 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giảm 3,45 USD, tương đương 4,3%, xuống 77,37 USD.

Giá dầu thô đã tăng hơn 9% vào giữa tháng 10 sau các cuộc tấn công của Hamas và các cuộc trả đũa của Israel, nhưng sau đó đã giảm ngay cả khi chính phủ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tăng cường tấn công trên bộ ở Gaza.

Marko Papic, trưởng chiến lược gia của Clocktower Group, đã viết trong một báo cáo nghiên cứu trong tuần qua rằng việc giá giảm là điều đáng ngạc nhiên bởi chiến tranh đã trở thành xung đột khu vực.

Lực lượng Houthi ở Yemen và Hezbollah ở Lebanon, được Iran hậu thuẫn, đã tấn công Israel. Và chính phủ Thủ tướng Netanyahu đã tiến hành các cuộc tấn công ở Lebanon và Syria.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm tác động đến nhu cầu dầu mỏ (Ảnh: Bloomberg)

Nền kinh tế toàn cầu suy giảm?

Thực tế, lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại dưới tác động của lãi suất cao dường như đang đè nặng lên giá cả vào lúc này hơn là nỗi lo về một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông.

“Nếu cuộc tấn công của Hamas dẫn đến xung đột lan rộng tại khu vực sản xuất dầu mỏ quan trọng nhất thế giới, thì giá dầu sẽ tăng. Nhưng diễn biến không như vậy”, ông Papic viết.

Giá dầu chạm mức thấp nhất trong 3 tháng sau khi Trung Quốc báo cáo dữ liệu kinh tế yếu kém và dự báo tiêu thụ dầu thô của Mỹ giảm mạnh trong hôm 7/11 vừa qua.

Nhập khẩu dầu thô của Bắc Kinh đã tăng trong tháng 10, nhưng tổng xuất khẩu của nước này giảm nhiều hơn so với dự kiến, cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể đang chậm lại. Trung Quốc báo cáo xuất khẩu tính bằng USD giảm 6,4% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo 3,3%.

Đây là tháng thứ 6 liên tiếp xuất khẩu của Trung Quốc giảm do lãi suất cao ở Mỹ và châu Âu gây ảnh hưởng tới nhu cầu trên toàn thế giới.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hiện dự báo tổng mức tiêu thụ xăng dầu của nước này sẽ giảm 300.000 thùng/ngày vào năm 2023, sau khi dự báo trước đó rằng mức tăng hàng năm là 100.000 thùng/ngày.

“Triển vọng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc là một vấn đề có ảnh hưởng lớn ở đây”, Ellen Wald, chủ tịch của Transversal Consulting, cho biết. Wald cảnh báo rằng rủi ro địa chính trị ở Trung Đông chưa hoàn toàn biến mất mà thay vào đó đã chuyển từ mối lo ngại trước mắt sang trung hạn.

Theo một nghiên cứu được UBS công bố vào tuần trước, giá dầu vẫn có xu hướng tăng mặc dù đã trượt dốc gần đây, dự kiến ​​sẽ tăng trở lại lên 90 USD đến 100 USD/thùng.

Arab Saudi và Nga mới đây xác nhận rằng họ sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng lần lượt là 1 triệu thùng/ngày và 300.000 thùng/ngày cho đến ít nhất là cuối năm nay. UBS tin rằng những đợt cắt giảm này sẽ kéo dài đến quý đầu tiên của năm 2024 để cân bằng nhu cầu dầu yếu hơn theo mùa.

Và tiêu thụ dầu thô vẫn được hỗ trợ tốt bất chấp dự báo ảm đạm ở Mỹ, theo UBS. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái và OPEC dự kiến ​​nhu cầu sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm tới.

Nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ cuộc chiến Israel-Hamas vẫn chưa biến mất, theo UBS. Rủi ro lớn nhất đối với giá dầu là sự sụt giảm xuất khẩu dầu của Iran từ 300.000 đến 500.000 thùng/ngày, ngân hàng này cảnh báo. Hạ viện Mỹ gần đây đã thông qua dự luật nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Tehran sau các cuộc tấn công của Hamas, với số phiếu thuận áp đảo.

Nhiều nhà phân tích lo ngại về khả năng xung đột lan ra toàn khu vực (Ảnh: Bloomberg)

Chiến tranh khu vực có thể xảy ra?

Chiến dịch quân sự của Israel nhằm tiêu diệt Hamas càng kéo dài thì khả năng Iran - nước ủng hộ chính của Hamas - có thể tạo ra sự gián đoạn ở eo biển Hormuz càng lớn, ông Wald nhận định. Khoảng 30% hoạt động thương mại dầu mỏ bằng đường biển của thế giới đi qua eo biển này.

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hồi đầu tháng đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu thô Hồi giáo áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Israel.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng leo thang xung đột ở Trung Đông cùng với sự gián đoạn do chiến sự ở Ukraine có thể đẩy thị trường hàng hóa vào “vùng bất định”.

Giá dầu sẽ tăng lên 140 USD và 157 USD/thùng nếu nguồn cung bị gián đoạn ở quy mô tương tự với lệnh cấm vận năm 1973, khi các nhà sản xuất Arab tạm dừng xuất khẩu dầu thô sang Mỹ và các quốc gia khác ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, theo WB.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thị trường, lệnh cấm vận dầu mỏ hay nỗ lực phong tỏa eo biển Hormuz của Iran khó có thể xảy ra trong môi trường hiện tại.

Arab Saudi và các nhà sản xuất dầu khác ở Vùng Vịnh là đối thủ của Iran và có rất ít động cơ để cắt giảm sản lượng trong cuộc chiến Israel-Hamas. Người đứng đầu Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), một nhóm khu vực bao gồm cả Iran, đã bác bỏ lệnh cấm vận.

“GCC hoạt động như một đối tác rõ ràng và trung thực, với tư cách là một nhà xuất khẩu dầu với cộng đồng quốc tế và chúng tôi không thể sử dụng điều đó làm vũ khí dưới bất kỳ hình thức nào có thể”, Jasem al-Budaiwi, Tổng thư ký GCC, cho biết tại một cuộc họp báo trong tháng 10.

Và phần lớn dầu trong khu vực hiện nay được chuyển đến các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc thay vì các quốc gia ủng hộ chính của Israel ở châu Âu và Mỹ. Đây là điều khác biệt lớn so với tình hình tại thời điểm lệnh cấm vận dầu mỏ được áp dụng vào năm 1973.

Giovanni Staunovo, một nhà phân tích hàng hóa tại UBS, lưu ý rằng Trung Quốc gần đây đã làm trung gian cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Arab Saudi: “Có rất ít mối ngại đến khả năng làm đảo lộn nhu cầu của châu Á”, ông nói về các nhà sản xuất dầu lớn ở Trung Đông.

Giới phân tích cho rằng Iran khó có khả năng phong toả eo biển Hormuz (Ảnh: Axios)

Khả năng phong toả eo biển Hormuz

Theo ông Papic, một cuộc tấn công quân sự trực tiếp của Israel vào Iran có thể tạo ra một vòng xoáy leo thang có tác động lớn đến dầu mỏ, có khả năng khiến nước Cộng hòa Hồi giáo này đóng cửa eo biển Hormuz.

Nhưng khả năng xảy ra kịch bản như vậy là thấp, chỉ 5%, do sự phản đối rõ ràng từ Mỹ, sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố công khai rằng Washington không có bằng chứng nào cho thấy Iran đứng sau các cuộc tấn công của Hamas, theo ông Papic.

“Điều này cho thấy Mỹ không muốn một cuộc chiến tranh khu vực giữa Israel và Iran xảy ra”, ông nói. “Với ưu thế công nghệ to lớn của Israel, đây là quốc gia duy nhất thực sự có khả năng khơi mào một cuộc xung đột như vậy”.

Và về cơ bản, Iran sẽ tự bắn vào chân mình khi cố gắng đóng eo biển mà nước này cần phải tiếp tục mở để xuất khẩu dầu của chính mình, Staunovo nói. Mike Rothman, chủ tịch của Cornerstone Analytics, cho biết Iran cũng không có khả năng thực hiện động thái như vậy.

“Hải quân của họ không thực sự có khả năng phong tỏa eo biển và thành thật mà nói, họ thậm chí sẽ không quan tâm đến việc đó bởi điều đó khiến họ trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia khác nhau”, Rothman nói.

JPMorgan, trong một nghiên cứu được công bố mới đây, lưu ý rằng Iran đã nhiều lần đe dọa phong tỏa eo biển này trong thập kỷ qua để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng chưa từng thực hiện. Điều này cho thấy Tehran muốn tránh một cuộc chiến tranh toàn diện.

Việc phong tỏa eo biển này sẽ gây tổn hại cho cả Iran và đối tác chính về dầu mỏ của nước này là Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ tác động đến lợi ích kinh tế của các quốc gia Vùng Vịnh láng giềng. Về bản chất, động thái như vậy sẽ càng khiến Iran bị cô lập.

“Trừ khi Iran có thể thuyết phục GCC rằng đó là hành động cần thiết để tự vệ, việc đóng cửa sẽ không chỉ bị coi là vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế mà tệ hơn nữa là ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của hầu hết các quốc gia Vùng Vịnh”, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết./.

Theo CNBC