Xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của Nga tiếp tục tăng trong tuần trước, tín hiệu cho thấy tốc độ xử lý dầu thô tăng đã kéo theo số lượng các lô hàng được chuyển đến cho các bên mua ở nước ngoài.
Giới thương nhân và chuyên gia phân tích hiện đang theo dõi sát sao mọi dữ liệu để xem Nga có tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 500.000 thùng/ngày hay không. Tuy nhiên, đây là điều rất khó thực hiện bởi kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, Moscow đã giữ bí mật về dữ liệu sản lượng.
Mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng số lượng các chuyến hàng dầu thô của Nga đã giảm mạnh trong những tuần gần đây do sản lượng từ cảng biển Baltic sụt giảm, có khả năng cao là do cơ sở này được bảo trì. Trong tuần gần đây nhất, các chuyến hàng nhiên liệu tinh chế đã tăng thêm hơn 200.000 thùng/ngày, theo dữ liệu của công ty phân tích Vortexa. Tăng mạnh nhất trong số các sản phẩm là dầu diesel.
Tổng sản lượng nhiên liệu tinh chế cao hơn 14% so với năm ngoái. Đà phục hồi diễn ra sau giai đoạn suy giảm kéo dài suốt 7 tháng, khi mà hoạt động bảo trì định kỳ cơ sở lọc dầu được tiến hành.
Các lô hàng dầu diesel và gasoil, chiếm khoảng 40% sản lượng dầu của Nga, đã tăng lên tới 1,15 triệu thùng/ngày. Con số này thể hiện mức tăng 36% so với tháng 5, nhờ có thêm nhiều chuyến hàng vận chuyển cho bên mua ở Đông Suez tiếp sau lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu Nga mà EU áp đặt hồi đầu tháng 2.
Xuất khẩu naphtha – một nguyên liệu hoá dầu được sử dụng để sản xuất khối nhựa xây dựng và trong hỗn hợp xăng – của Nga đã tăng cao hơn, lên khoảng 484.000 thùng/ngày, con số cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 3. Hầu hết các lô hàng được xuất sang châu Á và Trung Đông.
Xuất khẩu xăng và các nguyên liệu pha chế hiện đang gặp những hạn chế do Bộ Năng lượng Nga đã đưa ra tín hiệu để giới hạn xuất khẩu, nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước không bị thiếu hụt. Số lượng lô hàng loại này đã giảm xuống chỉ còn chưa đầy 1/3 so với tháng 5, và xuất khẩu xăng máy bay cũng không có sự tăng trưởng.
Xuất khẩu nguyên liệu thô cho nhà máy lọc dầu – được sử dụng trong các đơn vị tinh chế thứ cấp để chế tạo các loại nhiên liệu khác – cũng giảm, tính đến tháng này.
Nga hiện vẫn là nhà cung ứng dầu nhiên liệu hàng đầu thế giới kể cả khi đã mất đi thị trường lớn nhất của Mỹ và sau đó là châu Âu, do cuộc chiến ở Ukraine. Việc Nga chuyển hướng tới các khu vực như châu Á và Trung Đông đã giúp họ duy trì được lượng xuất khẩu. Theo dự báo, các lô hàng sẽ tăng 17% trong tháng này, lên khoảng 795.000 thùng/ngày.
Điểm đến của hầu hết các tàu chở dầu ra khơi trong tháng này vẫn chưa rõ ràng, do thông tin về cảng dỡ hàng chưa được thông báo. Khối lượng hàng hoá có thể sẽ điều chỉnh do thêm nhiều chuyến hàng được bổ sung vào dữ liệu trong phần còn lại của tháng./.
Quyết định của Opec+ có giúp dầu mỏ Nga thoát sự kìm hãm của phương Tây?
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Cách Mỹ ngăn Nga kiếm bộn tiền từ dầu mỏ
Hiệu ứng Boomerang khi phương Tây "vũ khí hóa" dầu mỏ đối phó Nga
Theo Bloomberg