Tờ Nhật báo Quang Minh Trung Quốc ngày 21/11 có bài bình luận cho rằng Đức xưa nay luôn coi Mỹ là đồng minh thân cận nhất và một trong những đối tác hợp tác quan trọng nhất ngoài EU. Trong 8 năm qua, quan hệ Đức - Mỹ tuy gặp phải sóng gió như vụ "nghe lén", nhưng luôn duy trì trạng thái ổn định.
Tuy nhiên, sau khi Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, Đức lại trở nên lo ngại về quan hệ Đức - Mỹ trong thời gian tới.
Chính giới Đức có cảm giác phức tạp đối với ông Donald Trump, người từng phê phán chính sách người tị nạn của Đức, tuyên bố muốn giải tán NATO, chống lại Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đã gọi điện chúc mừng ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ. Khi đó, những người quan sát đều chú ý tới một chi tiết đó là bà Angela Merkel đã nói một câu "Đức sẵn sàng hợp tác với ngài (Donald Trump) trên nền tảng các giá trị chung của dân chủ và tự do".
Lời nói này có ý nghĩa sâu xa: Đó là hợp tác có tiền đề. Một số người cho rằng đây là sự nhắc nhở của bà Angela Merkel đối với một số tư tưởng phản đối người nhập cư và bài ngoại mà ông Donald Trump thể hiện trong tranh cử; cũng là sự phản ứng đối với việc ông Donald Trump phê phán chính sách nhập cư của Đức.
Phản ứng của các chính khách khác của Đức đối với việc ông Donald Trump trúng cử càng trực diện hơn. Ngoại trưởng Đức Steinmeier cảnh cáo, quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ đối mặt với rủi ro khó dự đoán, trong khi đó, quan hệ này là nền tảng cho sự ổn định của thế giới phương Tây.
Phó Thủ tướng Đức, Bộ trưởng Kinh tế Gabriel cho rằng một số chủ trương của ông Donald Trump là muốn làm thụt lùi thời đại.
Tuy nhiên, bà Angela Merkel - người làm việc lâu năm trên chính trường và ông Donald Trump - người còn "non nớt" trên chính trường thiếu sự tiếp xúc trực tiếp. Bà Merkel công khai hy vọng Đức và Mỹ có thể hình thành một loạt chính sách đối ngoại chung, chẳng hạn trên các phương diện như hợp tác chống khủng bố, bảo vệ tự do nhân quyền và quản lý biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, ông Donald Trump cũng công khai cho biết bà Angela Merkel là nhà chính trị được ông ngưỡng mộ nhất.
Mặt khác, chính khách của chính đảng cánh hữu Đức lại rất hoan nghênh đối với việc ông Donald Trump trúng cử, đặc biệt là đảng cực hữu "Sự lựa chọn khác cho nước Đức" (AfD). Đảng này mong muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Đức vào năm 2017.
Thủ lĩnh đảng này là Frauke Petry cho rằng chiến thắng của ông Donald Trump đã cung cấp hình mẫu cho Đức. Bà cho biết người Đức cũng phải có dũng khí dựa vào hòm phiếu để tạo ra lịch sử.
Phó chủ tịch đảng AfD là Beatrix von Storch thì cho rằng ông Donald Trump thắng cử cho thấy người dân các nước phương Tây đều hy vọng chính sách có thể có một sự thay đổi rõ rệt.
Đến nay, Đức tỏ ra bối rối trước về tương lai của quan hệ Đức - Mỹ sau khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Trong vài vấn đề, Đức đặc biệt quan ngại.
Trước hết là NATO. Trong tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần bày tỏ bất mãn với chức năng của NATO, đưa ra quan điểm làm suy yếu NATO.
Căn cứ vào các điều khoản của NATO, một cuộc tấn công vào một nước thành viên chính là tấn công đối với toàn thể NATO, NATO sẽ tiến hành chi viện.
Nhưng, ông Donald Trump lại cho biết khi nước đồng minh NATO bị tấn công, Mỹ không nhất định phải chủ động tiến hành bảo vệ. Lời nói này nếu trở thành sự thật, Đức - thủ lĩnh của châu Âu chắc chắn phải đứng lên, gánh nhiều chức trách hơn đối với quốc phòng, quân sự và ổn định khu vực, đầu tư nhiều tài lực, nguồn lực hơn.
Thứ hai là kinh tế. Ông Donald Trump chủ trương thúc đẩy thực hiện chính sách bảo hộ thương mại, phản đối các hiệp định thương mại tự do. Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, nước Đức có 1,5 triệu việc làm dựa vào thương mại với Mỹ.
Nếu Mỹ từng bước thực hiện chính sách hạn chế thương mại, chắc chắn sẽ là một cú đánh nặng nề đối với Đức, quốc gia lệ thuộc vào xuất khẩu.
Chuyên gia vấn đề Mỹ Josef Braml của Hiệp hội chính sách ngoại giao Đức cho rằng giới tinh hoa của châu Âu cảm thấy sợ hãi đối với việc ông Donald Trump thắng cử, chính là do ông Donald Trump nghi ngờ về hai nền tảng lớn của quan hệ Âu - Mỹ, bao gồm liên minh an ninh và thỏa thuận thương mại tự do.
Chuyên gia Marcel Fratzscher từ Viện nghiên cứu kinh tế Đức cho rằng sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, tiến trình TTIP ít nhất phải trì hoãn 4 năm, trật tự thương mại toàn cầu cũng bị đe dọa.
Thứ ba là chủ nghĩa dân túy. Rất nhiều người Đức lo ngại ông Donald Trump nắm quyền sẽ làm cho chủ nghĩa dân túy của châu Âu và Đức trỗi dậy.
Những năm gần đây, tầm ảnh hưởng của các chính đảng cánh hữu châu Âu đang không ngừng tăng lên, ví dụ đảng "Sự lựa chọn khác cho nước Đức", Mặt trận Quốc gia Pháp, Đảng Chính trị gia Hà Lan.
Khả năng vào Quốc hội, thậm chí lên nắm quyền của những đảng này này trong các cuộc bầu cử năm 2017 đều tồn tại. Một khi các chính đảng cánh hữu các nước lên nắm quyền, lực ly tâm của EU sẽ tiếp tục tăng lớn, tiến trình nhất thể hóa châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.
Quỹ khoa học và chính trị Đức trước đó có bài viết cho rằng bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong nền chính trị quốc tế, Chính phủ Đức đều cần áp dụng lập trường độc lập, tự chủ hơn, thay đổi thái độ "phục tùng" tiêu cực hiện nay, không sợ xảy ra xung đột với Mỹ, tích cực xây dựng trật tự chính trị quốc tế.
Sau khi ông Donald Trump thắng cử, quan điểm này càng được khẳng định bởi không ít các cơ quan nghiên cứu Đức. Chuyên gia dự đoán, trong tương lai Đức có khả năng thực hiện chính sách ngoại giao hướng ngoại hơn, không chỉ nỗ lực cho quan hệ Âu - Mỹ, mà còn liên quan đến xây dựng trật tự thế giới.
Đương nhiên, tiền đề của những dự đoán này là Chính phủ bà Merkel chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2017. Điều có thể làm của Đức hiện nay chính là quan sát sự thay đổi của tình hình.