|
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể là người thứ ba đăng đàn trong kỳ chất vấn tại Quốc hội lần này. Không khí tại nghị trường nóng dần lên trước các câu hỏi trong lĩnh vực hạ tầng, thu phí không dừng và phương tiện vận tải quá khổ quá tải.
Trước các nội dung chất vấn, Bộ trưởng Thể đã trả lời đi thẳng vào vấn đề, bày tỏ các vướng mắc tồn tại, giải pháp liên quan đến lĩnh vực của ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, cả về tư vấn trong nước và Ban Quản lý dự án đều có hạn chế, rồi tổng thầu cũng có vấn đề.
Bộ trưởng Bô GTVT giải thích về những dự án đường sắt khi lập chưa có chủ trương xin vốn, thường huy động doanh nghiệp trong nước lập dự án. Cũng giống như hiện nay, việc xác định danh mục trình Quốc hội thông qua hoàn toàn không có kinh phí. Do đó, địa phương, chủ đầu tư phải căn cứ vào suất đầu tư và công trình tương tự để lập và trình Quốc hội, nên số liệu không được chuẩn. Khi có chủ trương của Quốc hội, Bộ GTVT tiến hành lập dự án, tư vấn mới nghiên cứu kỹ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, qua triển khai các dự án đường sắt thời gian qua, cán bộ kỹ thuật và tư vấn còn hạn chế, khi triển khai dự án đường sắt thường lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, khi ký hiệp định vay vốn, Trung Quốc chỉ định tổng thầu. Do đó, Bộ GTVT làm việc với các bên, cố gắng cải thiện tình hình để đưa dự án sớm đi vào vận hành.
Về câu hỏi tại sao dự án đã nhiều lần trễ hẹn hoàn thành, Bộ trường Nguyễn Văn Thể cho biết, đến thời điểm này thiết bị cung cấp đã xong 99%, hạng mục công việc đã xong 99%. Điều đặc biệt quan trọng là phải chứng minh được tính an toàn của hệ thống. Bộ GTVT đã thuê tư vấn nước ngoài và một công ty của Pháp đứng đầu sẽ đánh giá an toàn hệ thống.
|
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã nhiều lần trễ hẹn, gây bức xúc dư luận.
|
“Bộ GTVT mong muốn sớm đưa đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào sử dụng nhưng do có những yếu tố khách quan, nên dự án vẫn chậm tiến độ. Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đang đào tạo 800 người để sử dụng phương tiện này. Hiện nay những người vận hành dự án chạy không tải, để thuần thục trước khi đưa vào sử dụng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo Quốc hội.
Bộ trưởng cũng khẳng định Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội để sớm đưa dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào sử dụng. Bộ GTVT cũng đang làm việc với tổng thầu và cơ quan chức năng để có thông tin, quy trình vận hành, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.
“Chúng ta còn nhiều dự án khác nên Bộ GTVT đang tiếp tục đầu tư. Nếu Bộ GTVT không làm hết trách nhiệm thì Chính phủ và các cơ quan Quốc hội sẽ giám sát xử lý" - Bộ trưởng Thể cam kết.
Vấn đề chất lượng công trình giao thông cũng được nhiều đại biểu chất vấn. ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ băn khoăn về việc các dự án chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém và đặt vấn đề về trách nhiệm cá nhân: “Ta có truy đến cùng không hay chỉ là tập thể thôi. Tôi muốn xử lý đến cùng trách nhiệm cá nhân để gây ra tình trạng này”.
Trả lời điều này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Thanh tra của Bộ đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an tiến hành xử lý. Với những công trình chậm tiến độ do yếu tố khách quan như giải phóng mặt bằng, hay bố trí vốn không kịp thời, Bộ sẽ kiểm điểm rút kinh nghiệm. Với những dự án thuộc trách nhiệm chủ quan của các đơn vị liên quan như chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, thì sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.