Vì sao Bộ Y tế bãi bỏ 3 thông tư về trang thiết bị, dược liệu, sữa học đường, do Bộ trưởng ban hành?

VietTimes – Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký Thông tư 08 bãi bỏ ba Thông tư do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trong đó, có quy định về đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, về kinh doanh dược liệu.
Trang thiết bị y tế càng hiện đại, càng hỗ trợ hiệu quả cho công tác khám và chữa bệnh

Thông tư 08/2023/TT-BYT của Bộ Y tế đã bãi bỏ ba Thông tư do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành trước đó vì không còn phù hợp thực tế, gồm: Thông tư số 14/2020/TT-BYT (gọi tắt là Thông tư 14) ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế (TTBYT) tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư số 03/2016/TT-BYT ngày 21/01/2016 (gọi tắt là Thông tư 03) quy định hoạt động kinh doanh dược liệu và Thông tư số 31/2019/TT-BYT ngày 05/12/2019 (gọi tắt là Thông tư 31) quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Bộ Y tế nêu rõ về điều khoản chuyển tiếp: Đối với những gói thầu TTBYT đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước ngày thông tư này có hiệu lực thì đơn vị được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu TTBYT tại các cơ sở y tế công lập hoặc thực hiện thủ tục điều chỉnh các nội dung có liên quan theo quy định hiện hành về đấu thầu.

Trước đó, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế - đã ký Tờ trình gửi Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Trong đó, nêu rõ lý do bãi bỏ ba thông tư này.

Đại diện Vụ Pháp chế cho biết lý do cần thiết bãi bỏ Thông tư số 14 quy định một số nội dung trong đấu thầu TTBYT tại các cơ sở y tế công lập là vì: Các nội dung trong Thông tư số 14 trong quá trình thực hiện đều gặp khó khăn, vướng mắc mà thực hiện Phương án sửa đổi bổ sung các nội dung trên đều không khả thi và thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tiễn hiện nay:

+ Thông tư không phải được giao hướng dẫn chi tiết điều, khoản, điểm của Luật hay Nghị định (Thông tư không đầu);

+ Nội dung quy định trong Thông tư không còn phù hợp với các quy định mới ban hành (như việc bổ sung Trung Quốc và Hàn quốc vào danh sách các nước tham chiếu trong phân nhóm TTBYT hay Điều 27 của Thông tư 08/2022/TT-của Bộ KHĐT về giấy phép bán hàng và hàng hóa mẫu...)

Xóa bỏ các quy định không cần thiết sẽ góp phần nâng cao chất lượng điều trị

Hơn nữa, theo kết luận số 02/KL-TTrB ngày 13/01/2023 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế, phản ánh của một số doanh nghiệp cho biết căn cứ quy định về phân nhóm đấu thầu TTBYT tại Thông tư số 14, một số cơ sở y tế công lập đã đưa điều kiện chỉ chấp nhận nhóm 1,2,3 dẫn đến việc loại bỏ (cố tình hoặc vô tình) các sản phẩm sản xuất trong nước thuộc nhóm 5 và đây là sự thiếu công bằng, bất hợp lý, gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và kiến nghị sửa đổi quy định này cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

+ Các phương án sửa đổi, bổ sung Thông tư không đủ cơ sở pháp lý và chưa có tiêu chí khoa học để thực hiện (quy định phân nhóm TTBYT).

Ngoài ra, Thông tư 14 đã được bãi bỏ Điều 8 tại Thông tư số 14/2022/TT-BYT; vì vậy nội dung chính của Thông tư 14/2020/TT-BYT còn đang hiệu lực là: 1) Quy định về phân nhóm TTBYT trong đấu thầu mua sắm; 2) Quy định về giấy ủy quyền bán hàng.

Đối với 2 nội dung này khi bãi bỏ Thông tư 14 thì TTBYT sẽ được quản lý như sau:

+ Về nội dung phân nhóm: Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, nguồn vốn đầu tư, mua sắm; đơn vị thành lập Hội đồng chuyên môn để xây dựng cấu hình kỹ thuật trang thiết bị mua sắm phù hợp (Nội dung này Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 đã nêu rõ); Các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng: Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu (Một số quy định tại Điều 12 yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa khi lập hồ sơ mời thầu); Luật Đấu thấu số 43/2013/QH13 (Điều 33, 34, 35 Chương 3): Quy định về tên gói thầu, giá gói thầu, tiêu chuẩn định mức trang thiết bị, ...); Luật Giá (Một số quy định trong Điều 5, 11, 12); Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14; Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công; Nghị định số 98/2021/NĐ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2021/NĐ-CP; các văn bản pháp luật khác có liên quan.

+ Về giấy ủy quyền: Các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng: Bộ Luật Dân sự (tại Điều 564); Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT của Bộ KHĐT (Điều 27)

Theo Vụ Pháp chế, việc bãi bỏ Thông tư số 03 quy định hoạt động kinh doanh dược liệu là do hiện nay, các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính quy định trong Thông tư trên đã được quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ- CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược, Thông tư số 03/2018/TT-BYT ngày 09/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về thực hành tốt phân phối thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Thông tư số 35/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thông tư số 36/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Do vậy, toàn bộ nội dung của Thông tư số 03/2016/TT-BYT đã hết hiệu lực và đủ cơ sở pháp lý để bãi bỏ theo quy định.

Thông tư số 31 quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường cũng được bãi bỏ vì ngày 4/11/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 05/VPCP- KGVX gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về chủ trương xây dựng đề án tổng thể về sức khỏe học đường, trong đó có giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể về sức khỏe học đường cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chương trình bữa ăn học đường thay thế chương trình Sữa học đường do Bộ Y tế thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2021. Bộ Y tế tiếp tục triển khai chương trình sữa học đường cho đến khi đến khi đề án tổng thể nêu trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 08/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Như vậy, Chương trình sữa học đường mặc định đến năm 2020 là hết hiệu lực.

Theo đó, Thông tư số 31 quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường đã không còn hiệu lực trong giai đoạn hiện nay và cần thiết phải bãi bỏ.