Cụ thể, dự án BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp tự định giá. Còn phí liên quan tới Hội đồng nhân dân, Quốc hội… quyết định.
Từ đây, việc điều chỉnh tên gọi lại là thu giá để chính xác hơn về cách hiểu và cách vận dụng. Mà theo đó, nếu là thu giá, việc tăng giảm mức thu do doanh nghiệp xác định, đề xuất, Bộ GTVT xem xét, quyết định. Tức là, việc điều chỉnh mức thu sẽ linh động hơn – ông Thể giải thích.
Ngược lại, nếu để “nguyên tên” là thu phí BOT, việc điều chỉnh tăng giảm sẽ diễn ra rất chậm vì, thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và nhiều cơ quan khác.
Theo ông Thể, việc chuyển sang gọi là thu giá BOT sẽ giúp cân bằng quyền lợi của doanh nghiệp, xã hội, và chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển giao thông của Nhà nước.
Trong thực tế dư luận xã hội và cơ quan quản lý đang “dị ứng” với câu chuyện thu phí BOT, quan điểm này của ông Thể đã tạo ra nhiều ý kiến tranh luận, với nhiều ý kiến ở mức độ gay gắt.
Trên facebook cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ - phân tích thẳng thừng: “thu giá” thật ra là một “sáng tạo” để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và lệ phí.
Theo đó, Luật Phí và lệ phí quy định một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí.
Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp, khi khoản phí như vậy được đưa vào Danh mục phí được ban hành kèm theo Luật. Nhưng phí BOT hiện không có trong Danh mục này – tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng viết.
Từ đây, theo tiến sĩ, “đáng ra Bộ GTVT nên trình Quốc hội bổ sung phí BOT vào Danh mục nói trên, thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm”.
Thậm chí, tiến sĩ đánh giá khá “nặng” về quan điểm của Bộ trưởng Thể. “Thu giá là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân... nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ có thể thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa/dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê” – Tiến sĩ Dũng kết luận đoạn quan điểm của mình như thế.
Tuy nhiên, cũng rất nên bình tâm quan sát thực chất quan điểm của Bộ trưởng GTVT. Vì thực tế, như chính người đứng đầu ngành GTVT đã “rào đón”, việc gọi thu giá, hay thu phí không thay đổi bản chất việc thu.
Mục tiêu, như ông Thể giải thích và đúng như tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng chỉ ra, nhằm tránh thực tế phí BOT không nằm trong Danh mục phí được ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Trong tư cách người đứng đầu ngành giao thông, ông Thể rõ ràng không chấp nhận thực tế việc thu phí BOT đã thành bất hợp pháp theo cách ấy.
Đồng thời, đưa thu phí BOT vào danh mục để chịu điều chỉnh của các cấp Hội đồng nhân dân, Quốc hội khiến cho việc tăng giảm mức thu kéo dài, càng gia tăng bức xúc của xã hội.
Ông Thể nhận ra điều này và muốn Bộ GTVT được nhận, kèm theo là chịu trách nhiệm về tăng giảm mức thu BOT từng dự án, miễn là việc thực hiện tăng giảm được nhanh hơn.
Yêu cầu, mong muốn đó có sai hay ẩn chứa điều gì đằng sau?
Do đó, nếu như khái niệm “thu giá” có vẻ ngô nghê, không có trong luật hay trong bất kỳ văn bản pháp quy nào, thì câu hỏi trước tiên nên nêu, là tại sao Bộ trưởng GTVT lại tìm đến cách ngô nghê ấy, để kết quả phần việc ngành ông có thể thuận lợi hơn.