Trao đổi với báo chí bên hành lang Quôc hội ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã lý giải về việc Bộ Công Thương quyết định chuyển hồ sơ vụ Khaisilk cho cơ quan điều tra.
Theo người đứng đầu Bộ Công thương, ngay sau khi có báo cáo tổng hợp về vụ việc này từ các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương, cùng những thông tin, dấu hiệu, chứng cứ vi phạm pháp luật của Khaisilk cho thấy, mức độ vi phạm của doanh nghiệp này và các cửa hàng kinh doanh trực thuộc là nghiêm trọng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá các hành vi như làm giả nhãn mác cho các sản phẩm nhập từ nước ngoài, lừa dối và gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh khác nhau đã đủ các yếu tố để cấu thành phạm pháp hình sự.
Về quy mô cũng như các mức độ của hành vi vi phạm này đã vượt quá ngưỡng xử lý vi phạm hành chính, đủ điều kiện để chuyển các cơ quan điều tra về kinh tế để làm rõ.
Trước đó, chiều 30/10/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan liên quan: công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đơn vị trong Bộ để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Cũng liên quan đến vụ Khaisilk, chiều 31/10, Tổng Cục hải quan đã công bố số liệu nhập khẩu chính ngạch đối với mặt hàn khăn lụa tơ tằm từ Trung Quốc về Việt Nam. Theo đó, trong 2 năm 2015, 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập hơn 8.800 chiếc khăn tơ tằm Trung Quốc chính ngạch, trị giá 35.800 USD (tương đương 816 triệu đồng). Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng khăn lụa tơ tằm từ Trung Quốc về Việt Nam là hơn 4.400 cái, trị giá 134 triệu đồng. Đáng chú ý, từ năm 2015 đến 2016, dù số lượng nhập không thay đổi nhiều nhưng giá trị lại giảm nhanh, từ 4 triệu USD, giảm còn 2,3 triệu USD và giảm xuống trong 9 tháng đầu năm 2017 còn 1,2 triệu USD. Như vậy, nếu chia bình quân, trong 9 tháng đầu năm, giá một chiếc khăn lụa tơ tằm từ Trung Quốc về Việt Nam có giá khai báo trung bình khoảng 1,3 USD (tương đương 30.000đ/c).
Tại Lễ ra mắt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tại Hà Nội vào tối 30/10, trước câu hỏi của báo chí về quan điểm của Chính phủ đối với vụ việc Khaisilk bán hàng có nguồn gốc Trung Quốc song lại cho khâu nhãn mác "Made in Vietnam", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là hành vi “không thể chấp nhận được”.
Ông Dũng nói: “Liên quan đến hàng ngoại mà dán nhãn mác hàng Việt Nam như vụ Khaisilk vừa rồi, có thể nói đó là thông tin không tốt lắm, nhất là khi chúng ta đang có chủ trương khuyến khích phát triển doanh nghiệp và hàng hóa trong nước. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương kiểm tra, xử lý vụ việc. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề liên quan đến buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập khẩu, đặc biệt là yêu cầu cơ quan quản lý phải vào cuộc mạnh mẽ hơn”.