Vi phạm trong sử dụng nhà công vụ có thể bị xử lý hình sự

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến đóng góp, vi phạm trong sử dụng nhà công vụ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một nhà ở công vụ tại Hà Nội
Một nhà ở công vụ tại Hà Nội

Những quy định cụ thể

Thông tư nêu rõ, những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà ở công vụ như: tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở công vụ; cho thuê nhà ở công vụ không đúng đối tượng; chuyển đổi, chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào; cho người khác mượn, ở nhờ một phần hoặc toàn bộ nhà ở công vụ; cải tạo, sửa chữa nhà ở mà không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà ở công vụ...

Các hành vi vi phạm quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý phát triển nhà và công sở. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với các quy định về quản lý vận hành, bảo trì, quản lý cho thuê nhà ở công vụ thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường.

Thông tư nêu rõ nhà ở công vụ phải được quản lý chặt chẽ trong quá trình sử dụng, không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng; việc cho thuê phải đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện theo quy định. Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại.

Cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý người thuê nhà ở công vụ có quyền và trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà ở công vụ và đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ biết ngay khi người thuê hết tiêu chuẩn được sử dụng nhà ở công vụ.

Người thuê nhà ở công vụ có nghĩa vụ trả lại nhà ở công vụ cùng trang bị nội thất kèm theo trong thời hạn ba tháng kể từ khi nhận thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ...

Dự thảo thông tư này cũng nêu rõ việc thu hồi nhà ở công vụ được thực hiện trong các trường hợp sau: người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ; người thuê nhà chuyển công tác đến địa phương khác; người thuê nhà có nhu cầu trả lại nhà ở công vụ; người đang thuê nhà ở công vụ bị chết; người thuê nhà sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ.

Thời hạn thu hồi nhà ở công vụ tối đa không quá 90 ngày, kể từ ngày thông báo thu hồi có hiệu lực thi hành. Trường hợp bên thuê nhà ở công vụ thuộc diện thu hồi không bàn giao lại nhà ở theo thời hạn quy định thì bên cho thuê nhà có văn bản báo cáo cơ quan quản lý nhà ở công vụ đề nghị cưỡng chế thu hồi.

Vì sao soạn thảo thông tư trên

Theo Bộ Xây dựng, thông tư trên được soạn thảo do thực tế công tác quản lý sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập. Tình trạng sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích, sai đối tượng đã diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

Nhiều trường hợp, vì các lý do khác nhau người sử dụng khi hết tiêu chuẩn đã không chịu trả lại nhà, một số cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục sử dụng nhà công vụ. Thậm chí, nhiều trường hợp sang nhượng lại cho con cháu, không sử dụng hoặc khóa cửa để đấy.

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ, cho thu hồi nhiều nhà ở công vụ, đồng thời đưa ra các cơ chế chính sách phù hợp nhằm nâng cao công tác quản lý sử dụng hợp lý nhà ở công vụ. Căn cứ Luật Nhà ở năm 2005, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan đã cho ban hành nhiều văn bản quy định của pháp luật nhằm hướng dẫn công tác quản lý sử dụng nhà ở công vụ, trong đó có Thông tư số 01/2014/TT-BXD ngày 16/01/2014 về hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ. Tuy nhiên, xét theo Luật Nhà ở sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, để phù hợp thực tế, Bộ Xây dựng đã tiếp tục cho soạn thảo dự thảo thông tư này nhằm thay thế Thông tư 01/2014/TT-BXD.

Theo ông Trịnh Hồng Quân, Trưởng Ban Quản lý Nhà ở công vụ, Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, dự thảo thông tư này quy định cụ thể hơn về việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ, kể cả trang bị nội thất cơ bản gắn với nhà ở công vụ đó. Bên cạnh đó còn quy định nguyên tắc quản lý sử dụng nhà ở công vụ; trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở công vụ; phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở công vụ… Những quy định này sẽ khắc phục được tồn tại trước đây khi các đối tượng được sử dụng nhà ở công vụ tự ý thay thế nội thất, sửa lại nhà, sử dụng sai đối tượng, mục đích... mà đơn vị quản lý khó thu hồi.

Theo TBKTSG