Đó là những thực trạng báo động được công bố trong hội thảo "Bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng internet tại Việt Nam - Quyết tâm và Giải pháp" do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Hiệp hội truyền hình trả tiền VN tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo.
Tình trạng ăn cắp bản quyền ở Việt Nam ở mức khủng khiếp
Trao đổi tại Hội thảo, các diễn giả cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, dịch vụ truyền hình có sự cạnh tranh khốc liệt khiến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phải đua nhau giảm giá thuê bao để cạnh tranh. Doanh thu bình quân trên một thuê bao truyền hình trả tiền của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực, nhưng việc phát triển thuê bao của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn do bị cạnh tranh bởi các loại hình dịch vụ mới như truyền hình OTT lậu và nạn ăn cắp bản quyền nội dung trên loại hình dịch vụ này diễn ra phổ biến.
Ông Micheal Kwan, Giám đốc Công nghệ Khu vực của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) cho biết, ở Việt Nam xem phim vi phạm bản quyền truyền hình chiếm 76,5% toàn bộ các loại hình vi phạm phim và chương trình truyền hình.
Ông Kwan cho biết thêm, MPA đã từng gửi yêu cầu tới các ISP đề nghị gỡ bỏ 27 website chiếu phim lậu, vi phạm bản quyền truyền hình tại Việt Nam, nhưng chỉ có 1 yêu cầu được thực hiện.
Ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình VN cho biết: “VTV là đơn vị đang bị vi phạm bản quyền trắng trợn và nhiều nhất. Nhiều đơn vị đang hưởng lợi từ sản phẩm của VTV, nếu đưa ra pháp luật thì nhiều vụ kiện dân sự đã xảy ra".
Cùng chung bức xúc trên, Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long khẳng định, tình trạng ăn cắp bản quyền ở Việt Nam ở mức khủng khiếp. Đài PTTH Vĩnh Long bị vài trăm trang web ăn cắp lại nội dung bản quyền, trong đó có rất nhiều nhà mạng, trang web lớn có tên tuổi. Họ đua nhau ăn cắp, làm giàu từ ăn cắp. Điều này không chỉ gây tác hại rất lớn đến Đài mà còn ảnh hưởng đến người dân.
“Trước đây, một bộ phim khi phát ở các nước như Hàn, Nhật, sau 18h sẽ có bản phụ đề Việt được up lên mạng. Nhưng với sự có mặt của một số doanh nghiệp “có máu mặt”, thời gian này giảm xuống còn 12 giờ, đến nay chỉ cần 30 - 60 phút là đã có mặt trên mạng”, ông Nguyên bức xúc.
Bên cạnh đó đã có những vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo của các thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam phát trên kênh YouTube, Facebook.
Hệ quả của những vi phạm bản quyền trên là, trong 6 tháng đầu năm 2017, một số doanh nghiệp như MyTV đạt mức độ tăng trưởng chỉ bằng 96,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC cũng bị suy giảm tới 40% doanh thu và phát triển thuê bao mới.
Quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước
Trước thực trạng trên, các đơn vị liên quan nhất trí sẽ cùng nhau ngăn chặn vi phạm bản quyền truyền hình.
Ông Lê Quang Nguyên mong muốn các đơn vị có trách nhiệm liên quan cần làm mạnh hơn nữa để chấn chỉnh hoạt động phi pháp trong vấn đề bản quyền. Nếu không chấn chỉnh được tình trạng này thì không thể bàn tính đến việc xây dựng và phát triển ngành giải trí Việt Nam trong tương lai
Còn ông Nguyễn Thành Lương, cho rằng cần phải tìm giải pháp cho việc làm thế nào để chống vi phạm bản quyền. Ông bày tỏ, VTV đang dùng mọi biện pháp để bảo vệ bản quyền của mình trước thực tế các chương trình truyền hình của VTV bị vi phạm nhiều như hiện nay. “VTV mong muốn các bên sử dụng phải nhận thức rõ ràng là cái gì không phải của mình thì không dùng. VTV sẵn sàng hợp tác để chia sẻ nguồn tin cho các đơn vị có nhu cầu”, Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam nói.
Đề xuất giải pháp ngăn chặn tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết: VNPT sẵn sàng hi sinh lợi ích từ nguồn thu hosting để ngăn chặn tình trạng này này, đồng thời cam kết mạnh mẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý triệt để vấn đề này.
Về phía Bộ TT&TT, trong chương trình hành động của Bộ, đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường quản lý trong lĩnh vực truyền hình, đặc biệt là xử lý tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, vi phạm bản quyền nội dung trên internet. Việc bảo vệ bản quyền phải đạt được 2 mục tiêu: Bản quyền của chủ sở hữu được tôn trọng và được sử dụng hợp pháp; Có bản quyền nội dung, nhưng việc cung cấp nội dung có bản quyền phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Bàn về các giải pháp để hạn chế, tiến tới chấm dứt vi phạm bản quyền truyền hình trên internet tại VN, các đại biểu tham gia hội thảo, các nhà quản lý, lãnh đạo các đài truyền hình đều cho rằng: Cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trên Internet vi phạm bản quyền; Cần có mức phạt cao, có sức răn đe đối với đơn vị vi phạm bản quyền.
Cùng với đó, nhà cung cấp dịch vụ đường truyền cần có chế tài nghiêm khắc, từ chối cung cấp dịch vụ đối với những trang mạng vi phạm bản quyền truyền hình và các doanh nghiệp quảng cáo nên chấm dứt việc quảng cáo sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội, thông tin điện tử cố tình vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet…
Ngoài ra, các tham luận tại hội thảo cũng đã nêu lên những giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet như: Các nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung thông tin, tăng cường hợp tác đồng sản xuất chương trình; Tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, rút giấy phép hoạt động, thu hồi tên miền của các trang vi phạm, đồng thời khuyến nghị các nhà quảng cáo tẩy chay với các hệ thống, trang web có vi phạm bản quyền.
Bên cạnh đó, về lâu dài cần hoàn thiện các quy định pháp luật về bản quyền nội dung trên môi trường mạng, phân loại đối tượng vi phạm phổ biến và có cách ứng xử phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ mang tầm quốc gia để giám sát và theo dõi vi phạm bản quyền truyền hình và các tác quyền liên quan, qua đó bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình, hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh nội dung số lành mạnh, đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền.
Kết luận tại Hội thảo, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, việc vi phạm bản quyền đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng rất khó để giải quyết dứt điểm được vấn đề.
Một phần của vấn đề này nằm ở tư duy của người xem. Hiện người dân xem truyền hình như một tiện ích mà không phải nội dung. Người dân luôn có xu hướng xem các chương trình đặc sắc nhưng không phải trả tiền cho nhà đài, luôn chờ đợi ở Facebook, Youtube phát lại các nội dung trên dẫn đến tình trạng ăn cắp nội dung phổ biến.
Vì vậy, ông hi vọng các đơn vị kinh doanh trên nội dung số sẽ chung tay để đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền truyền hình trên mạng Internet.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường tuyên truyền tác hại của việc vi phạm này đến người dân, hi vọng người dân sẽ thay đổi tư duy về việc sử dụng nội dung truyền hình xem không trả tiền sang truyền hình trả tiền
Về phía Cục PTTH&TTĐT, ông Thanh Lâm cho biết, đây là một bài toán lớn, không thể giải quyết nhanh chóng trong cùng một lúc, mà cần phải chia nhỏ, siết chặt quản lý ở nhiều nơi, nhiều lúc và phải đúng, phải trúng.
“Formosa làm ô nhiễm môi trường biển phải bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả, nhưng không có văn bản pháp luật nào của Việt Nam phạt Formosa 500 triệu USD, nhưng việc ấy là cần thiết. Vậy bây giờ làm ô nhiễm môi trường mạng thì phạt bao nhiêu?” ông Thanh Lâm đặt câu hỏi cho chính cơ quan quản lý và bày tỏ tin tưởng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ TT&TT, các hiệp hội, doanh nghiệp… và cả cơ quan công an, vấn đề này sẽ dần được xử lý rốt ráo..
Ông cam kết, Cục sẽ làm “sứ giả” đến tận các đơn vị liên quan, cả Bộ TT&TT, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bên quản lý để cảnh báo nguy cơ và cùng tìm ra giải pháp để lành mạnh hóa việc trả tiền bản quyền trên nội dung số, chống vi phạm bản quyền…