Kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ

Vị “kiến trúc sư” đằng sau tiến trình bình thường hóa

VietTimes – Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam và Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao (12/7/1995), VietTimes đã có cuộc phỏng vấn nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đại sứ Hà Huy Thông, một nhà ngoại giao đã tham gia tích cực vào quá trình đàm phán, cũng như thực thi tuyên bố này suốt 25 năm qua.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai trả lời phỏng vấn báo chí về việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tại Hà Nội

PV: Cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt bắt đầu từ khi nào, sau khi ông Nguyễn Cơ Thạch nghỉ hưu? Ông tham gia vào quá trình này như thế nào?

Đại sứ Hà Huy Thông: Thực ra, Mỹ và Việt Nam đã đàm phán về bình thường hóa từ năm 1977, thời của Tổng thống Jimmy Carter. Cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra tháng 5/1977, tại Paris.

Tuy hai bên không đạt được kết quả như mong muốn là thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ sau khi chiến tranh kết thúc được khoảng 2 năm, nhưng đã đạt được một kết quả quan trọng là Mỹ không phản đối Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.  Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc.

Từ năm 1978, "bàn cờ quan hệ quốc tế" đã thay đổi, cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa hai nước giảm dần, mặc dù phía Việt Nam đã tuyên bố sẵn sàng bình thường hóa vô điều kiện với Mỹ.

Từ cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, tình hình quốc tế thay đổi căn bản, Chiến tranh Lạnh kết thúc....

Đến ngày 21/11/1991, phía Mỹ đã mời phía Việt Nam cử đoàn sang Mỹ đàm phán lần đầu tiên trở lại về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Lúc đầu, dự kiến Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ dẫn đầu đoàn Việt Nam đi dự, nhưng sau do không đi được, nên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai đi thay.

Tôi chỉ là cán bộ Vụ Châu Mỹ, được cử tham gia để phục vụ.

Vậy kể từ khi Đặc phái viên của Tổng thống Ronald Reagan thăm Việt Nam lần đầu (1-3/8/1987) đến ngày 21/11/1991, khi phía Mỹ đã mời phía Việt Nam cử đoàn sang Mỹ đàm phán lần đầu tiên trở lại về bình thường hóa quan hệ, hai nước đã vượt qua  những trở ngại nào để đi đến quyết định này?

Đại sứ Hà Huy Thông: Mỹ và Việt Nam có nhiều khác biệt, về thể chế chính trị, quy mô nền kinh tế, văn hóa, chịu tác động khác nhau do biến động trên thế giới và hậu quả của cuộc chiến tranh tàn khốc.

Giai đoạn từ năm 1985 đến 1991, quan hệ Mỹ - Việt chịu tác động trực tiếp của 3 yếu tố: (i) Chiến tranh lạnh kết thúc; (ii) Bầu cử Tổng thống ở Mỹ năm 1988 và 1992; (iii) Đổi mới ở Việt Nam từ sau Đại hội Đảng (1986) và tiếp theo là Nghị quyết 13 của Trung ương Đảng (20/5/1988) xác định yêu cầu giữ vững hòa bình, đấu tranh chống bao vây - cấm vận, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên, tập trung phát triển kinh tế, rồi đến Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa, "làm bạn với tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác và phát triển".

Việc xử lý các khác biệt, đặc biệt là việc tăng cường hiểu biết và tin cậy thông qua các việc làm để xử lý nhiều vấn đề cụ thể trong quan hệ song phương, đã góp phần thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ.

Những khó khăn mà hai nước gặp phải trong quá trình đàm phán lại là gì? Cách Việt Nam vượt qua những thử thách này, và vai trò cá nhân của Trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam?

Đại sứ Hà Huy Thông: Quan hệ Mỹ - Việt là quan hệ phức tạp giữa một "siêu cường" và một nước đang phát triển, lại trải qua một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, để lại nhiều hậu quả nặng nề với cả hai nước mà đến nay chưa giải quyết xong. Nên quá trình bình thường hóa quan hệ rất khó khăn từ nhiều phía và về nhiều mặt, chính trị, kinh tế, tâm lý... là điều dễ hiểu.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc (30/4/1975), một phóng viên báo New York Times đã nhận xét và dự đoán: Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, nhưng "Việt Nam" còn lâu mới rút khỏi nước Mỹ".

Ông Hà Huy Thông trong một hội thảo tại Mỹ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tâm lý không muốn bình thường hóa quan hệ trong nội bộ mỗi nước, “tài liệu Nga”, hay lĩnh vực cụ thể nào, khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, là khó nhất, thưa ông?

Đại sứ Hà Huy Thông: Chuyện "tài liệu Nga" chỉ là một trong rất nhiều vấn đề trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt.

Khi đàm phán, có rất nhiều vấn đề như: người Mỹ và Việt Nam mất tích trong chiến tranh, hậu quả của việc rải chất độc da cam, vấn đề tài sản ngoại giao của hai bên, vấn đề quyền con người (nhân quyền).

Rồi các vấn đề quốc tế liên quan... như cái gọi là "vấn đề Campuchia" mà Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng độc lập chủ quyền.

Mỗi vấn đề đều có mặt phức tạp riêng, nên sau khi Tổng thống Mỹ Clinton tuyên bố bỏ cấm vận và "lập quan hệ ở cấp Cơ quan liên lạc" (3/2/1994), hai bên đã lập ngay các kênh đàm phán về từng vấn đề.

Có vấn đề phức tạp, nội bộ còn ý kiến khác nhau như "vấn đề nhân quyền", Thứ trưởng Lê Mai đã phải có bài đăng trên báo Nhân dân, tôi nhớ đầu đề hình như là: "Vì sao Việt Nam đối thoại với Mỹ về vấn đề quyền con người?"

Là người đã được dự nhiều cuộc mà Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Trần Quang Cơ và Thứ trưởng Lê Mai làm việc với phía Mỹ, ông thấy ông Thạch, ông Cơ và ông Mai trong cả quá trình bình thường hóa quan hệ suốt gần 20 năm đối với Mỹ thế nào?

Đại sứ Hà Huy Thông: Là cán bộ cấp thấp, tôi chỉ được tham dự một số cuộc, và không ở vị trí có thể đánh giá các thủ trưởng của mình và lại càng không thể so sánh giữa các thủ trưởng mà mình luôn kính trọng và khâm phục tài năng.

Tôi chỉ có thể nêu 2 cảm nhận cá nhân là: Thứ nhất, cả ba ông đều là những người tham gia kháng chiến, sau sang làm đối ngoại, làm về Mỹ lâu, nhất là từ cuộc đàm phán Hiệp định Paris (1968-1973) về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, trực tiếp đàm phán, hay liên quan đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ năm 1977-78, rồi làm lãnh đạo Bộ Ngoại giao, cả lãnh đạo Đảng, tham gia nhiều công tác đối ngoại từ đó đến những năm 1990s, nên hiểu rất rõ về tình hình quốc tế, về Mỹ và quan trọng nhất là về lợi ích dân tộc và chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Nhưng cũng vì làm về Mỹ nhiều, nên có khi các ông bị coi là "thân Mỹ", thậm chí là "Ngài Mỹ" (Mr America)....

Nhưng tôi đã may mắn được trực tiếp chứng kiến các "cuộc đấu trí", khi các ông kiên quyết, thẳng thắn và khôn khéo đấu tranh bảo vệ lợi ích dân tộc mình trước các đối tác Mỹ, yêu cầu phía Mỹ phải giải quyết hậu quả do chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam, giải quyết vấn đề nhân đạo của Việt Nam như giúp những người bị phơi nhiễm chất độc da cam do Mỹ rải trước đây, vấn đề người Việt Nam "ra đi bằng thuyền" (hay "thuyền nhân"), tháo dỡ bom mìn Mỹ rải trong chiến tranh..., yêu cầu phía Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam vì là "di sản của Chiến tranh lạnh đã kết thúc"....

Các ông ví việc Mỹ và Việt Nam cùng giải quyết vấn đề nhân đạo như vấn đề người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam, người mất tích của cả 2 bên như "con đường hai chiều" hợp tác cùng có lợi..., thể hiện tinh thần "đẩy lùi quá khứ, hướng tới tương lai".... và thậm chí có khi bị hỏi rằng phải là người "thân Mỹ" không thì đã trả lời thẳng: "Tôi thân Việt Nam!". Có khi có ông đã phải thốt lên: "Làm với Mỹ đã mệt, còn bị mang tiếng".

Sau khi Việt Nam đổi mới (1986), các ông đấu tranh để Mỹ công nhận thực tế mới ở Việt Nam và hợp tác cùng có lợi.

Thứ hai, trong làm việc và xử lý quan hệ với Mỹ, tất nhiên mỗi người có phương pháp và phong cách riêng.

Thứ trưởng Lê Mai được báo chí trong nước và quốc tế đánh giá là “kiến trúc sư của bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ”. Còn ông, với kinh nghiệm tham gia đoàn đàm phán, ông đánh giá thế nào về Thứ trưởng Lê Mai trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ giai đoạn 2, với tư cách trưởng đoàn đàm phán?

Đại sứ Hà Huy Thông: Như đã nói trên, tôi khi đó chỉ là cán bộ mới vào ngành và cấp thấp, nên không ở vị trí để đánh giá thủ trưởng cũ của mình. Những lãnh đạo Bộ Ngoại giao làm việc cùng với Thứ trưởng Lê Mai mới có thể đánh giá được chính xác. Tôi chỉ nêu một vài chi tiết cụ thể liên quan đến lễ tang đó.

Điếu văn của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao khi Thứ trưởng Lê Mai mất (ngày 12/6/1996) đã đánh giá tổng hợp, toàn diện và thích hợp hơn.

Khi đó, tôi đang công tác ở bên Mỹ, không dự được lễ tang của Anh Lê Mai ở trong nước, nhưng được nghe nhiều anh chị em công tác cùng trong nước gọi điện sang hay khi sang Mỹ kể lại đám tang hiếm thấy, vì có rất nhiều đoàn đại diện ngoại giao các nước và các tổ chức, báo chí và các tổ chức phi chính phủ quốc tế đến dự, và chia sẻ nhận xét chung anh Lê Mai là nhà ngoại giao thân thiện, cởi mở, đức độ, và tài hoa, thể hiện rõ nhất khi xử lý các tình huống phức tạp và tế nhị với cả Mỹ và Việt Nam.

Khi Anh Lê Mai mất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phát biểu riêng đánh giá cao Anh Lê Mai có vai trò quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Khi đó, chúng tôi đang công tác tại Đại sứ quán tại Mỹ (khai trương từ tháng 8/1995) cũng được cán bộ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Thông thường Bộ Ngoại giao Mỹ không có phát biểu chia buồn cấp Thứ trưởng các nước mất. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phát biểu riêng chia buồn vì Ngài Lê Mai có vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vốn rất phức tạp và giúp giải quyết vấn đề nhân đạo của hai nước, trong đó có vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam rất dễ gây xúc động ở Mỹ.

Xin cám ơn ông.

Lý lịch tóm tắt của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đại sứ Hà Huy Thông

+ Đại học Ngoại giao Khóa X (1975-80)

+ Thạc sĩ quản lý công tại Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore - NUS) và Đại học Harvard (2000-2001).

- Công tác tại Bộ Ngoại giao: 1980-2011

- Công tác ở nước ngoài: Tuỳ viên Báo chí tại Phái đoàn thường trực VN bên cạnh Liên Hợp quốc, New York, Mỹ (1987-1990; Trưởng đoàn tiền trạm đi mở Cơ quan Liên lạc (CQLL) và Phó trưởng CQLL tại Washington 1994-1995); Tham tán, rồi Tham tán Công sứ - Phó trưởng cơ quan Đại sứ quán VN tại Mỹ (1995-97); Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Hà Lan và Đại diện thường trực VN tại Tổ chức Chống vũ khí hóa học (OPCW) tại Hà Lan (2006-2010).

- Năm 2011: Được Chủ tịch nước phong hàm "Đại sứ Việt Nam".

- 2011-2016: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, kiêm Đồng Chủ tịch Nhóm Đối thoại (kênh 2) giữa VN- Mỹ về Chất độc da cam -Dioxin, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị VN với Canada.

- Từ 2013 đến nay: tham gia một số tổ chức thuộc Liên hiệp các Tổ chức hòa bình và hữu nghị Việt Nam./.