Vào TPP, nhớ Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai

VietTimes -- Những ngày đầu năm mới 2016, khi mà báo chí đang nói nhiều về cơ hội tăng tốc của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới sau khi chúng ta tham gia TPP (mặc dù thách thức cũng không phải là nhỏ), tôi bỗng nhớ tới cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai.
“Hãy nhìn quan hệ Việt - Mỹ với đôi mắt mới”, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Lê Mai phát biểu tại Hội đồng đối ngoại Mỹ ở New York năm 1990.
“Hãy nhìn quan hệ Việt - Mỹ với đôi mắt mới”, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Lê Mai phát biểu tại Hội đồng đối ngoại Mỹ ở New York năm 1990.

Ông là một trong những nhân vật chủ chốt khởi đầu cho quá trình đàm phán để đưa Việt Nam quay trở lại với cộng đồng quốc tế sau thời gian dài bị cấm vận.

Tên tuổi của ông đã gắn liền với một trong những giai đoạn sôi động, phức tạp và khó khăn nhất trong hoạt động ngoại giao, đặc biệt là quan hệ Việt - Mỹ.

Trong "mắt" của truyền thông quốc tế

Cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai (sinh năm 1940, tại Huế) được giới chính trị gia và truyền thông phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đánh giá rất cao. Với dáng người mảnh mai, nói tiếng Anh thành thạo, nụ cười đôn hậu thường trực trên môi, ông có sức hút kỳ lạ với người đối thoại.

Không phải chỉ đến khi ông dẫn đầu đoàn Việt Nam đàm phán với Mỹ về bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, rồi đàm phán về hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, đặt nền móng cho Việt Nam gia nhập WTO sau này, mà ngay từ khi ông còn là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Thái Lan, ông đã được truyền thông phương Tây ca ngợi là nhà ngoại giao mẫn tiệp.

Việc ông góp phần cải thiện quan hệ Việt Nam- Thái Lan đã nâng hình ảnh Việt Nam lên rất nhiều trong thời kỳ nước ta bị cấm vận khi quân đội Việt Nam vào Campuchia tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn Pốt cứu giúp người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng.

Tại một cuộc họp báo (mà tôi được chứng kiến) do Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch và Bộ trưởng Ngoại giao (sau này là Phó Thủ tướng) Thái Lan Siddhi Savetsila chủ trì (vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước) tại Hà Nội, tuyên bố Việt Nam rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia, đích thân ông Siddhi Savetsila đã ca ngợi vai trò của Đại sứ (lúc này đã là Thứ trưởng Ngoại giao) Lê Mai, người “đã tạo dựng một vòng liên kết thân thiện và cảm tình của dư luận quốc tế trong việc đối phó và hóa giải vấn đề Campuchia một cách mềm dẻo và khôn khéo”.

Các nhà ngoại giao châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á thường rất ngưỡng mộ mỗi khi nhắc đến Thứ trưởng Lê Mai. Những đồng nghiệp của các báo như Bangkok Post, Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, Nikkei, v.v. thường trú ở Hà Nội thời bấy giờ mà tôi có nhiều dịp trò chuyện, đều rất kính phục ông. Ông có vai trò to lớn trong tiến trình Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức ASEAN vào năm 1995.

Việt Nam là đất nước chứ không phải cuộc chiến

Tuy nhiên, vai trò nổi bật nhất của Thứ trưởng Lê Mai là trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ. Ông được giới chính trị và báo giới Mỹ coi là “Kiến trúc sư của quan hệ Việt- Mỹ”.

Trong giai đoạn từ năm 1988 đến năm 1996, khi Thứ trưởng Lê Mai qua đời, tôi đã có nhiều dịp được làm việc với ông với vai trò là bình luận viên quốc tế báo Quân đội nhân dân (1988-1994) và Trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi trẻ TP. HCM tại Hà Nội (1995-1996).

Lần đầu tiên tôi có bài phỏng vấn chính thức với Thứ trưởng Lê Mai là cuối tháng 11 năm 1991, mặc dù trước đó tôi đã có khá nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với ông. Cuộc phỏng vấn được thực hiện khi Thứ trưởng Lê Mai vừa kết thúc phiên đàm phán đầu tiên với Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ về Đông Á - Thái Bình Dương Robert Solomon ngày 21-11-1991.

Đây là vòng đàm phán chính thức đầu tiên về bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Trong bài phỏng vấn này Thứ trưởng Lê Mai đã nói rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang ấm dần lên và có những bước tiến đáng kể.

Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng chặng đường phía trước còn đầy cam go và có những diễn biến khó lường, cần hết sức tỉnh táo, nhưng việc bình thường hóa là không thể đảo ngược được.

Sau này, trong vòng 4 năm trời, cứ sau mỗi vòng đàm phán tôi lại có dịp được gặp ông, phỏng vấn ông. Cũng có lúc ông trực tiếp gọi tôi đến phòng làm việc của ông để trao đổi một vấn đề nào đó còn khúc mắc và cần làm cho dư luận rõ, ủng hộ.

Ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để có được sự kiện bước ngoặt trong nền ngoại giao Việt Nam nói chung và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng này cả hai bên đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thậm chí là chống đối cả từ phía Mỹ lẫn phía ta.

Hai chướng ngại mà phía Mỹ luôn mang ra để mặc cả, là Việt Nam đóng quân tại Campuchia và vấn đề tù binh chiến tranh (Prisoner of War) và người Mỹ mất tích (Missing in Action), gọi tắt là vấn đề POW/MIA. Đầu những năm 1990 vấn đề Campuchia đã được giải quyết, nhưng vấn đề POW/MIA vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Mặc dù ngay sau Hiệp định Paris năm 1973 Việt Nam đã trao trả 590 tù binh Mỹ bị bắt ở Việt Nam, Lào và Campuchia, người Mỹ vẫn cho rằng còn tới 2.646 lính Mỹ mất tích. Vì vậy người dân Mỹ vẫn khăng khăng rằng chính quyền Mỹ chưa làm hết sức mình trong việc tìm kiếm POW/MIA.

Trong khi đó, nội bộ Việt nam chúng ta cũng còn không ít vấn đề. Tôi còn nhớ, trong một lần trò chuyện với Thứ trưởng Lê Mai, ông bảo: “Cái khó khăn nhất từ phía Việt Nam chúng ta là làm sao hóa giải “những cái đầu nóng” của một bộ phận vẫn nhìn Mỹ như là “kẻ thù chiến lược”.

Phải nói rằng trong bối cảnh “trong chưa thực sự ấm, ngoài chưa thực sự êm” ấy thì những đóng góp của các nhà ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là Thứ trưởng Lê Mai là hết sức quan trọng. Ông đã thuyết phục nhiều “cái đầu nóng” rằng việc bãi bỏ cấm vận đối với chúng ta thực sự có tính chất “sống còn”.

Tôi đã có dịp phỏng vấn các Thượng nghị sỹ (TNS) Mỹ, những người có ảnh hưởng lớn tới tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ như TNS John Kerry, John McCain, Bob Smith v.v., trao đổi với các đồng nghiệp phương Tây, đặc biệt là các phóng viên Mỹ, khi nói về Thứ trưởng Lê Mai, họ đều cảm phục và kính trọng.

Họ luôn đồng nhất ông với câu nói nổi tiếng (của ông) như là biểu tượng của quan hệ Việt- Mỹ “Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh”.

Nhà ngoại giao xuất sắc

Lần cuối cùng tôi được gặp Thứ trưởng Lê Mai là tại cuộc họp báo quốc tế về bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ tại Nhà khách Chính phủ, số 2 Lê Thạch, Hà Nội. Tôi đã đặt câu hỏi cho Thứ trưởng Lê Mai: “Nếu được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ thì công việc đầu tiên ông làm là gì?”.

Phòng họp báo sôi động hẳn lên. Ngưng một lát, khi phòng họp trở lại yên lặng, ông mỉm cười: “Hiện tại chưa có quyết định đó. Nếu có một quyết định như vậy thì việc đầu tiên tôi sẽ suy nghĩ là mình cần phải làm gì”. Cả phòng họp báo lại ồn ào.

Tiếc rằng, đó là câu nói cuối cùng mà tôi được nghe từ Thứ trưởng Lê Mai. Ngày 13-6-1996, ông đột ngột qua đời ở tuổi 56.

Đó thực sự là một mất mát to lớn đối với nền ngoại giao Việt Nam nói chung và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng.

Tháng 6 năm 2006, tưởng niệm 10 năm ngày Thứ trưởng Lê Mai qua đời, trên The Wall Street Journal, nhà bình luận chính trị nổi tiếng, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Đông Nam Á đã viết: “Mối bang giao hữu hảo Hoa Kỳ - Việt Nam mang ơn rất nhiều một con người với dáng điệu mảnh mai, hay mỉm cười, đã ra đi vào dịp này của 10 năm về trước. Nếu không có ông Lê Mai, nhà ngoại giao kỳ cựu của chính quyền Hà Nội, thì Nhà nước cộng sản Việt Nam khó có thể mời được Tổng thống G. Bush sang thăm Hà Nội vào tháng 11 năm 2006 và đưa Việt Nam tới ngưỡng cửa gia nhập WTO”.

Ngay sau khi Thứ trưởng Lê Mai qua đời, tờ Asianweek viết: “Ông Lê Mai là kiến trúc sư tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Mỹ kể từ năm 1977, một người có vai trò chính đưa tới sự chấm dứt cấm vận kinh tế của Washington vào tháng 2 năm 1994 và tạo dựng quan hệ bình thường 18 tháng sau đó”.

Còn trên tờ The Independent, London, ngày 14-6-1996, nữ ký giả kỳ cựu Judy Stowe đã viết một bài dài ca ngợi Thứ trưởng Lê Mai, trong đó nhấn mạnh: “Ông Lê Mai là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc nhất. Dư luận quốc tế đã từng mong muốn ông là Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, hay có thể sẽ là Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam. Dù ở cương vị nào đi nữa thì ông cũng là người tháo gỡ sự cô lập quốc tế đối với Việt Nam trong một thời kỳ kéo dài”.