Kỳ 1: Thủ Thiêm - Một tương lai của hai thế hệ bị bỏ lỡ
Quận 2, TP.HCM, từng được quy hoạch thành khu đô thị hiện đại, là trung tâm tài chính phố Đông sông Sài Gòn, với tên Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Mai Kỳ.
|
“Nhất trụ kình thiên” ở Thủ Thiêm
Từ ngã tư đường Trần Não giao với đường Lương Định Của, đi về hướng cầu Thủ Thiêm để qua Q.1, trung tâm TP.HCM, có một căn nhà nhỏ sơn màu trắng hiếm hoi còn trụ lại, cỏ dại mọc đầy trước mặt và lau lách trổ cờ bọc kín sau lưng.
Người phụ nữ nhỏ, gầy, với giọng nói sang sảng, có thói quen ghếch chân lên ghế khi trò chuyện với người lạ tên Nguyễn Thị Hà (SN 1970), khí khái đầy chất Nam Bộ là chủ căn nhà này.
Từ đây, nhìn qua bên kia sông Sài Gòn, một vùng phát triển vượt bậc với tòa nhà cao nhất Việt Nam: Landmark 81, như là một sự đối lập.
Lý do tại sao căn nhà đó đến cuối năm 2018 vẫn là một trong số ít căn nhà còn đứng vững sau cuộc giải tỏa trắng kéo dài từ 2009 – 2012, rồi tới 2014 – 2016 luôn khiến khách qua đường kín đáo liếc vào với sự tò mò.
Căn nhà của chị Nguyễn Thị Hà (SN 1970) tại địa chỉ B12/1A, Lương Định Của, khu phố 1, phường Bình An, Q.2 là một trong số những căn nhà hiếm hoi còn sót lại ở khu vực này. Phía bên kia sông là tòa nhà cao nhất Việt Nam đến thời điểm này. Ảnh: Mai Kỳ.
|
Đêm xuống muộn giữa tháng 12/2018, trăng rằm sáng vằng vặc soi trên đỉnh đầu, sương đêm bãng lãng quấn qua vạt rừng lau đang trổ cờ, cảm giác như đang ngồi bên một ngôi nhà nhỏ nằm bên vách núi ở miệt vùng núi Bắc Kạn hay Cao Bằng, trên đường vượt đèo Giàng hay đèo Gió, những nơi lau nở bông mùa cuối năm này kín dọc ven đường, chứ không phải ngay trung tâm Q.2, TP.HCM, người phụ nữ tưởng luôn đanh đá, tự nhận mình là "thánh lầy của Thủ Thiêm" đó lại nhẹ nhàng cởi mở lòng mình.
“Chính xác là ngày 22/8/2014, tôi còn nhớ cái ngày định mệnh đó. Trước đó 2 ngày, gia đình tôi nhận được quyết định cưỡng chế. Tôi đã quyết định rằng: Hoặc là tôi chết cùng căn nhà của mình, hoặc là tôi để căn nhà mình tan nát.
Tôi cũng dặn dò con mình và người nhà những việc cần làm tiếp theo”, chị Hà nhớ lại, khi đôi môi mím chặt khi hồi tưởng về quá khứ.
Trong ký ức của người phụ nữ nhỏ bé này, thuở đó, nơi chị đang ở nhà cửa mọc san sát, các lối đi dù nhỏ hẹp nhưng luôn kín đặc người qua lại mua bán hằng ngày.
Lý do, địa điểm này vốn là chợ Bình Khánh, trung tâm mua bán sầm uất của quận 2, còn căn nhà màu trắng hiện đang chơ vơ nằm giữa lau lách bạt ngàn bây giờ có địa chỉ B12/1A, Lương Định Của, khu phố 1, phường Bình An, Q.2, trên đường dẫn từ bến phà Thủ Thiêm vào trung tâm quận.
Đường Lương Định Của hôm nay. Ảnh: Mai Kỳ.
|
“Họ không hề có công bố quy hoạch, không có quyết định thu hồi, không có thỏa thuận đền bù, không có phương án tái định cư… Không có gì cả. Cứ thế họ đập phá.
Ngày nào ngồi trong nhà, cũng nghe tiếng gào khóc như chạy giặc. Người dân Thủ Thiêm vốn buôn bán rất giỏi, trong chốc lát, thành tan hoang”, chị Hà ngước mắt nhìn lên ánh trăng vằng vặc trên đầu, nhớ lại.
Trước đó, và trước đó rất lâu nữa, như chị Hà nhớ thì từ năm 2008, 197 hộ dân bắt đầu đi khiếu kiện đòi quyền lợi về nhà đất khi bị chính quyền thành phố và quận 2 có ý định cưỡng chế.
“Chính tôi đã cùng với một số bà con đội mưa đội gió đội nắng: 6h sáng đứng trước cổng nhà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, 7h sáng đứng trước cổng nhà Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, 9h sáng đứng trước Văn phòng Thanh tra Chính phủ và thậm chí Vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) với những tập hồ sơ, đơn từ tố cáo trên tay gửi đến các cơ quan chức năng Trung ương kêu cứu để các cơ quan này chỉ đạo lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh trả lại nhà và đất cho bà con.
Liên tục như vậy, từ ngày ấy cho đến hôm nay, và bây giờ những căn nhà còn giữ lại được, đó là cả một sự đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu cùng với tuổi thanh xuân của bà con Thủ Thiêm chúng tôi”, chị Hà ứa nước mắt nhớ lại khi viết ra những dòng này.
Những con cá này được người dân Thủ Thiêm đánh bắt từ dưới sông lên, phơi khô trên những khối bê tông nóng rẫy. Cuộc đời họ, mòn mỏi, khô quắt vì chờ đợi hàng chục năm nay cho niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng về khu đô thị mới Thủ Thiêm hình thành, như chính sản vật của họ vậy. Ảnh: Mai Kỳ.
|
Thông báo số 1483/TB-TTCP ngày 4/9/2018 chỉ rõ: “Tổng diện tích đất đã được UBND thành phố quy hoạch, bố trí tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm đúng theo quy hoạch Thủ tướng phê duyệt thuộc 5 phường là 46,1ha, còn thiếu 113,9 ha chưa được quy hoạch, bố trí tái định cư nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong phạm vi 05 phường (ngoài ranh Khu đô thị mới), mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu tái định cư 160 ha, nhưng UBND Thành phố đã giao đất cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng… với tổng diện tích khoảng 144,6ha.
Chỉ cách một con sông Sài Gòn, là những số phận người đối lập. Ảnh: Mai Kỳ.
|
Trong 51 dự án được UBND Thành phố quyết định giao sau khi đã có Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 4/6/1996 và văn bản số 190/CP-NN ngày 22/02/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu tái định cư (trong đó: 06 dự án chấp thuận chủ trương, tạm giao với diện tích 27,7ha và giao 45 dự án với diện tích 116,9ha sau khi có Quyết định 367/TTg ngày 4/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ).
Hậu quả là, không có đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Công cuộc đội đá vá trời
Trên con đường Vũ Tông Phan (Q.2, TP.HCM) có một quán cà phê nhỏ. Chủ nhân quán cà phê này tóc cũng đã bạc trắng, dáng người gầy, khắc khổ như chính cuộc đời ông vậy.
Sinh năm 1957, ông Bùi Quốc Toản vốn xuất thân là một thầy giáo dạy Hóa. Gia đình thầy giáo Toản vốn cư trú tại địa chỉ B23/8, tổ 9, khu phố 1, phường Bình An, Q.2, TP.HCM.
Nghỉ hưu, chưa kịp an nhàn tuổi già, gia đình ông nhận được quyết định cưỡng chế căn nhà gồm 6 nhân khẩu đang lưu trú, với lý do giải phóng mặt bằng phục vụ sự phát triển của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Một công trình quy mô lớn với trên 15.000 hồ sơ di dời, đã để lại những hệ lụy qua nhiều thế hệ. Ảnh: Mai Kỳ.
|
Kiên định rằng căn nhà của mình nằm ngoài ranh quy hoạch, ông Toản liên tục khiếu nại và khiếu kiện. Tuy nhiên, đến ngày 22/3/2011, căn nhà của ông bị cưỡng chế, phá dỡ hoàn toàn.
Suốt 7 năm qua, cả gia đình ông phải đi thuê nhà để ở, vừa lo kiếm sống, và liên tục khiếu kiện. Khẳng định rằng đó là việc bất đắc dĩ, nhưng ông Toản luôn nhất quyết rằng ông phải đòi cho bằng được lẽ công bằng.
Lần mò từng tờ quyết định, công văn, thông báo; ráp nối tất cả các điểm căn cứ, lẫn câu chữ, với trí nhớ phi thường của một thầy giáo dạy khoa học tự nhiên, lẫn sự kiên trì kiệt cùng sức lực, ông từng bước vẽ ra các mốc ranh giới mà ông luôn khẳng định nhà mình ngoài phạm vi quy hoạch của khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nơi này, từng là khu vực sầm uất, nay chỉ còn vài căn nhà sót lại. Ảnh: Mai Kỳ.
|
Tại thông báo số 1483/ TB-TTCP (ngày 4/9/2018) đã nêu ở trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP.HCM: “Rà soát từng trường hợp cụ thể người dân đang khiếu nại, đặc biệt là các hộ dân nằm trong khu vực khoảng 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp cho người dân, sớm chấm dứt khiếu nại”, là kết quả trả lời cho niềm tin và nỗ lực của người thầy giáo già năm nay đã 61 tuổi suốt gần một thập kỷ qua.
Lần giở tập tài liệu dày cộp, như công trình tâm huyết suốt những năm tháng đúng ra phải được nghỉ ngơi của mình, ông Bùi Quốc Toản lật những tờ quyết định, thông báo, từ cấp Trung ương đến cấp thành phố, lẫn tờ đơn khởi kiện của ông đối với Chủ tịch UBND Q.2 thời điểm 2011 là ông Tất Thành Cang, rồi nói rằng để có được đến ngày hôm nay, mỗi người dân Thủ Thiêm đã tự trở thành một luật sư dù họ không hề mong muốn vậy.
Thủ Thiêm, từng được mơ ước là phố Đông sông Sài Gòn, đối diện Q.1, hình thành một trung tâm thương mại, tài chính... Ảnh: Mai Kỳ.
|
Về khu tái định cư 160 ha, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: “UBND Thành phố đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu tái định cư 160 ha thuộc 05 phường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, đã phê duyệt quy hoạch, chấp nhận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng… sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư.
Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 367/TTg và văn bản số 190/CP-NN (được Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký ngày 22/2/2002 - NV), dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt.
Những người dân Thủ Thiêm vẫn mỏi mòn chờ đợi sau hàng chục năm. Ảnh: Mai Kỳ.
|
Việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”.
Vấn đề còn lại, việc “phá vỡ quy hoạch” khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Thủ tướng phê duyệt làm sao lại có thể diễn ra và diễn ra bằng cách nào?
(còn tiếp)
Kỳ 3: Ai đã phá vỡ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm?
Kỳ cuối: Những phận đời lưu lạc ở Thủ Thiêm