Cái mà Triều Tiên từng gọi là "quà Giáng sinh" dành cho nước Mỹ, một thời hạn chót cùng một "con đường mới" mà họ cảnh báo sẽ lựa chọn...tất cả đều là những lời đe dọa bí ẩn mà chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un đưa ra trong 12 tháng qua.
Ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp gỡ 3 lần với hy vọng đạt được một thỏa thuận mà trong đó Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, tên lửa của họ để đổi lấy việc Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt và bình thường hóa quan hệ song phương. Thế nhưng viễn cảnh đó có đạt được hay không vẫn còn là điều chưa chắc chắn. Ngay cả những khối óc tinh tế và giàu kinh nghiệm nhất về vấn đề Triều Tiên cũng thừa nhận rằng họ khó dự đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến nhất trí rằng: Triều Tiên đang cảm thấy bất bình trước sự thiếu linh hoạt và sáng tạo của các nhà đàm phán Mỹ. Đáng ngại hơn, động thái mà Triều Tiên có thể đưa ra trong thời gian tới chắc chắn là nhằm thu hút sự quan tâm lớn hơn của Tổng thống Trump.
Phóng vệ tinh
Ảnh chụp vệ tinh mới đây cho thấy Triều Tiên đang nối lại hoạt động tại bãi phóng vệ tinh Sohae (Ảnh: VOA)
|
Nhiều chuyên gia về Triều Tiên tin rằng bước đi tiếp theo của Triều Tiên sẽ là dùng một tên lửa đẩy để đưa vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất.
Trong hôm 14/12 vừa qua, hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên đăng tải thông tin về một "vụ thử quan trọng khác" đã được thực hiện thành công tại bãi phóng vệ tinh Sohae của nước này, một địa điểm mà Bình Nhưỡng từng tuyên bố sẽ dỡ bỏ sau các vòng đàm phán với Mỹ. Vụ thử tiếp nối sau một vụ "thử nghiệm rất quan trọng" khác được Triều Tiên thực hiện tại cùng bãi phóng này.
Bình Nhưỡng tuyên bố rằng chương trình không gian của họ phục vụ mục đích hòa bình và khoa học. Chủ tịch Kim Jong-un thường xuyên nói ông muốn xây dựng một "đất nước xã hội cường thịnh" dựa vào nền kinh tế tự cung tự cấp, khoa học và công nghệ. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chỉ đạo thực hiện 2 vụ phóng thành công đưa vệ tinh vào quỹ đạo.
Nhưng những lời đảm bảo của Bình Nhưỡng khó lòng thuyết phục được cộng đồng quốc tế. Bởi một vụ phóng vệ tinh sử dụng cùng công nghệ phóng với tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Và trên thực tế, KCNA cũng nói rằng vụ thử mới nhất của Triều Tiên tại bãi phóng Sohae sẽ giúp cải thiện "khả năng đánh chặn hạt nhân chiến lược đáng tin cậy" của họ.
Mặc dù chưa rõ các vụ phóng mà Triều Tiên thực hiện gần đây nhằm mục đích gì, nhưng các vệ tinh mà họ từng phóng lên quỹ đạo có thể cung cấp những thông tin quan trọng về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tân tiến của nước này - theo giới chuyên gia.
"Họ (Triều Tiên) vẫn chưa cho thấy khả năng mang một tải lượng lớn trở về bầu khí quyển Trái Đất, một bước quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của quân đội của họ" - Evans Revere, cựu chuyên gia về Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay.
Ông Revere - hiện đang là chuyên gia nghiên cứu không thường trực tại Viện Brookings - nói rằng cộng đồng quốc tế không nên quá bất ngờ nếu như "vụ phóng vệ tinh này bao gồm khả năng mang phóng vật có trọng tải lớn tới phía Bắc Thái Bình Dương".
"Thông điệp đáng sợ này, được gửi tới Mỹ, có thể là Triều Tiên thực sự có đủ khả năng để tấn công vào lãnh thổ Mỹ với một vũ khí hạt nhân" - ông Revere nói.
Triều Tiên từng làm điều tương tự vào năm 2012, khi họ và Washington đạt một thỏa thuận về trao đổi biên bản ghi nhớ về tên lửa đạn đạo, các vụ thử hạt nhân và đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy hàng viện trợ lương thực.
Thế nhưng biên bản ghi nhớ này không đề cập tới các vụ phóng vệ tinh. Cái gọi là "Thỏa thuận Ngày nhuận" (Leap Day Deal) khi đó đã sụp đổ sau khi Triều Tiên phóng một vệ tinh chỉ vài tuần sau đó, bởi hai bên về cơ bản là bất đồng về việc: Liệu một vụ phóng vệ tinh có được tính là phóng tên lửa tầm xa hay không.
Người dân Hàn Quốc theo dõi một vụ phóng của Triều Tiên qua truyền hình (Ảnh: Yonhap)
|
Và cuộc tranh cãi này đến ngày nay vẫn tiếp diễn.
Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay kết thúc mà không có thỏa thuận, ông Trump nói rằng ông Kim đã cam kết bằng lời nói với ông rằng "ông ta sẽ không thử rocket hay tên lửa, hay bất cứ thứ gì liên quan tới hạt nhân". Thế nhưng ông Trump không đề cập tới các vụ phóng vệ tinh, bởi vậy đó được xem như một "lỗ hổng" trong cam kết.
Adam Mount - chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Liên hiệp Các nhà khoa học Mỹ - cho rằng sự nhập nhằng kéo dài này đòi hỏi Washington phải thúc đẩy "một điều khoản đóng băng các vụ thử tên lửa và hạt nhân rõ ràng, có thể xác nhận về số lượng, để làm nền tảng cho đàm phán".
Ông Mount cho rằng, dù cho Bình Nhưỡng có chọn "quà Giáng sinh" hay "con đường mới" như thế nào, thì chính quyền Trump cũng không nên quá bất ngờ.
"Trong suốt năm nay, Triều Tiên liên tục tăng cường sức ép đối với Mỹ, cố gắng buộc Mỹ đầu hàng họ trong các vòng đàm phán" - ông Mount nói - "Chính quyền Trump như thể đang mộng du trong toàn bộ tiến trình này và chỉ còn vài tuần lễ để họ thức tỉnh và đối diện với cuộc khủng hoảng này".
Món quà nào cho Mỹ: ICBM hay thử nghiệm hạt nhân?
Theo giới chuyên gia, ông Kim Jong-un thường đưa ra những hành động khiêu khích một khi ít được chú ý tới (Ảnh: Getty)
|
Một vụ thử ICBM hoặc thử hạt nhân chắc chắn là hành động mang tính chất khiêu khích hơn nhiều so với một vụ phóng thử nghiệm vệ tinh, và chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của chính quyền Trump.
Trở lại năm 2017, Bình Nhưỡng từng mô tả vụ thử nghiệm một ICBM của họ - một mẫu tên lửa được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu trên khắp hành tinh - như một "món quà" cho Washington. Vụ thử diễn ra vào ngày 4/7 - trùng Ngày Độc lập (Quốc khánh) của Mỹ. Cùng trong năm đó, Triều Tiên còn thử nghiệm 2 ICBM cùng vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lớn nhất từ trước đến nay.
"Nếu các bạn nhìn vào lịch sử, ông Kim Jong-un thường đưa ra những hành động khiêu khích nhất khi người ta không chú ý đến ông ta" - nghị sĩ Ami Bera, Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nói.
Chính quyền Bình Nhưỡng cũng hiểu rằng dù là phóng một ICBM hay thử nghiệm vũ khí hạt nhân cũng sẽ bị xem là hành động khiêu khích bởi Mỹ cũng như toàn thế giới - trong đó có đồng minh quan trọng của họ là Trung Quốc.
"Nếu Triều Tiên muốn gỡ bỏ trừng phạt, việc thử nghiệm và ra thêm các hành động khiêu khích không phải là con đường tiến lên phía trước của họ" - ông Bera nói.
Ông Revere nói rằng, có khả năng Mỹ và Hàn Quốc sẽ đáp trả các hành động như vậy bằng cách tổ chức "các cuộc tập trận quân sự, triển khai thêm binh sĩ Mỹ tại và xung quanh bán đảo Triều Tiên, từ đó làm tăng căng thẳng, phá vỡ tiến trình ngoại giao và cuối cùng thì triển vọng gỡ bỏ lệnh trừng phạt (với Triều Tiên) tan vỡ".
Triều Tiên chưa từng thử nghiệm một vũ khí hạt nhân hay ICBM từ năm 2017. Năm ngoái, Bình Nhưỡng đánh sập các đường hầm tại bãi thử hạt nhân của họ, Punggye-ri. Nhưng giới chuyên gia không chắc chắn liệu hành động này có thể đảo ngược hay không - bởi chỉ có các nhà báo nước ngoài, chứ không phải chuyên gia, được mời tới chứng kiến vụ việc.
"Bất kể Triều Tiên đang suy tính điều gì, chúng ta nên nhớ rằng khả năng của họ luôn vượt ngoài dự đoán của chúng ta, và họ sẽ làm bất cứ điều gì mà họ cho là cần thiết để tăng cường khả năng đánh chặn hạt nhân bất chấp cái giá phải trả về mặt ngoại giao" - ông Revere nói - "Đừng đánh giá thấp họ".