Cuộc tập trên, có tên là Sự kiện huấn luyện bay phối hợp, tập trung vào nội dung huấn luyện chiến đấu trên không trong các trường hợp giả định và có sự tham gia của nhiều mẫu chiến đấu cơ chưa được công bố của quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Để tránh khiến Bình Nhưỡng tức giận, cuộc tập trận này vốn đã được giảm cả về quy mô và phạm vi từ những năm trước đó, thế nhưng phía Triều Tiên mới đây vẫn tỏ ý không hài lòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm 17/11 cho hay quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẽ duy trì sự sẵn sàng ở mức độ cao bất chấp việc hoãn tập trận. đồng thời bác bỏ nhận định cho rằng quyết định ngừng tập trận là bước đi nhượng bộ với Triều Tiên.
"Tôi không xem đây là hành động nhượng bộ. Tôi xem đó là nỗ lực xây dựng lòng tin để thúc đẩy hòa bình" - ông Esper nói trước báo giới - "Tôi nghĩ rằng việc kiến tạo thêm không gian để các nhà ngoại giao của chúng tôi đạt thỏa thuận về giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là rất quan trọng".
Cuộc tập trận bị tuyên bố hoãn đáng lẽ ra sẽ được tổ chức trong vài ngày tới. Trước đó, hồi đầu tháng, một nhà ngoại giao Triều Tiên đã cáo buộc cuộc tập trận chung mà Mỹ tổ chức là "dội gáo nước lạnh" vào các vòng đàm phán giữa hai nước. Bình Nhưỡng thường xuyên phản ứng phẫn nộ trước các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, xem đó là hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược đất nước họ.
Mỹ hối thúc nối lại đàm phán
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu quyết định hoãn tập trận chung có giúp khởi động lại các vòng đàm phán giải giáp hạt nhân với Bình Nhưỡng hay không. Bộ trưởng Quốc phòng Esper nói, ông hy vọng rằng Triều Tiên sẽ phản hồi lại cử chỉ thiện chí của họ.
"Chúng tôi khuyến khích Triều Tiên thể hiện thiện chí tương tự khi cân nhắc về các hoạt động huấn luyện, tập trận hay thử nghiệm của họ" - ông Esper nói - "Chúng tôi cũng kêu gọi Triều Tiên trở lại bàn đàm phán mà không cần có tiền đề hay sự do dự".
Trong bối cảnh các vòng đàm phán với Mỹ bế tắc, Triều Tiên liên tục thử thách đối tác đàm phán của mình bằng hàng loạt vụ thử tên lửa, và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc thiếu đi một thỏa thuận kiểm soát vũ trang vững chắc đã cho phép Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân.
Các vụ thử tên lửa trên thực tế có giá trị thực tiễn trong quá trình hiện đại hóa sức mạnh quân sự của Triều Tiên. Thêm đó, chúng cũng giúp Triều Tiên tăng cường ưu thế của mình khi phải đối mặt với cái mà họ xem là hành động thù địch của Mỹ.
Trong hôm 17/11, Triều Tiên nói rằng họ đã cố gắng coi việc Mỹ điều chỉnh cuộc tập trận chung là tín hiệu tích cực, nhưng thêm rằng nghị quyết mới của LHQ liên quan tới vấn đề nhân quyền đã cho thấy Washington không hề thành thực khi nói muốn nối lại đàm phán.
Bình Nhưỡng mô tả những lời chỉ trích của LHQ về vấn đề nhân quyền nhằm vào họ như một sản phẩm của "chính sách thù địch" của Mỹ nhằm lật đổ chế độ, và gọi nghị quyết trên là hành động "khiêu khích về mặt chính trị".
"Đừng quá lạc quan" về Triều Tiên
Trong lúc bắt đầu cuộc họp ba bên với ông Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo ở Bangkok, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã lên tiếng cảnh báo các bên không nên quá kỳ vọng và kêu gọi cả ba nước duy trì sự sẵn sàng chiến đấu.
"Không ai có thể lạc quan về vấn đề Triều Tiên" - ông Kono nói - "Triều Tiên đã liên tục thử nghiệm hơn 20 tên lửa trong năm nay, trong đó có nhiều loại tên lửa đạn đạo mới cũng như một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm".
Ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã hứng chỉ trích từ phía Quốc hội vì có nhiều bước đi nhượng bộ Bình Nhưỡng mà không nhận lại được gì nhiều. Ông Trump trong khi đó phản bác rằng ông đã khiến Bình Nhưỡng ngừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân, làm giảm mạnh rủi ro xảy ra chiến tranh.
Tháng 6 vừa qua, ông Trump đã trở thành vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu phi quân sự (DMZ). Ông cũng trở thành vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp gỡ một lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2017, khi ông công bố kế hoạch ngừng cái mà ông gọi là các cuộc tập trận chung thường niên "đắt đỏ và rất khiêu khích".
Quân đội Mỹ sau đó phải vội vàng sửa lại rằng, ông Trump chỉ nói tới các cuộc tập trận "lớn" trên bán đảo Triều Tiên và rằng Mỹ và Hàn Quốc vẫn duy trì các cuộc tập trận chung khác.
Cuộc tập trận vừa bị tuyên bố hoãn được cả Mỹ và Hàn Quốc xem là một nội dung tập trận nhỏ. Kể từ năm 2017, khi còn có tên là "Vigilant Ace", cuộc tập trận này đã được cắt giảm về quy mô. Trước đây, Vigilant Ace thường có sự tham gia của hơn 230 máy bay, trong đó cso 6 chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor, và khoảng 12.000 binh sĩ Mỹ.
Khi được hỏi rằng liệu Mỹ và Hàn Quốc có nối lại cuộc tập trận bị hoãn này hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong từ chối nói về thời điểm cụ thể, chỉ cho rằng điều này sẽ được quyết định thông qua quá trình tham vấn với Washington.
Theo Reuters