
Nhiều điểm sáng trong kết quả kinh doanh
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Viglacera, trong quý II/2025, doanh thu thuần đạt 3.240 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 1.147 tỷ đồng, tăng 75%.
Trong quý, Viglacera có thêm 54 tỷ đồng doanh thu tài chính (tăng 3 lần) và 28 tỷ đồng lợi nhuận khác (tăng 4,5 lần).
Bởi vậy, bất chấp chi phí bán hàng tăng 26% (lên 242 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng 9% (lên 183 tỷ đồng) và khoản lỗ 4 tỷ đồng trong công ty liên kết, liên doanh, Viglacera vẫn kết lại quý II/2025 với khoản lãi sau thuế 540 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu thuần của Viglacera đạt 6.094 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu cho thấy 2 mảng kinh doanh trụ cột là cho thuê đất và gạch ốp lát có sự tăng trưởng, lần lượt tăng 21% (đạt 1.967 tỷ đồng) và tăng 4,5% (đạt 1.617 tỷ đồng).
Các mảng khác cũng có mức tăng trưởng đáng kể, như: bất động sản 132 tỷ đồng (tăng 83%), sứ, sen vòi, phụ kiện 491 tỷ đồng (tăng 52%), quản lý, vận hành khu công nghiệp, khu đô thị, chung cư, khách sạn 381 tỷ đồng (tăng 35%), gạch ngói 564 tỷ đồng (tăng 3,5%).
Nhờ doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận gộp 6 tháng đạt 1.989 tỷ đồng, tăng 43%. Tương ứng, biên lợi nhuận gộp đạt 32,6%.
Trong 6 tháng, hoạt động tài chính mang về cho Viglacera 77 tỷ đồng, tăng 94%. Các hoạt động khác cũng mang về khoản lãi 26 tỷ đồng. Vì vậy, công ty đủ sức "cân" các khoản chi phí, để khép lại 6 tháng với khoản lãi sau thuế 838 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2025, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 14.437 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.743 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 42% mục tiêu doanh thu và 65% mục tiêu lợi nhuận.
Lỗ gộp mảng kính gương
Mặc dù kết quả kinh doanh nói chung của Viglacera tương đối tốt, nhưng nếu nhìn vào cơ cấu doanh thu, có thể thấy mảng kính gương của công ty đang cho thấy sự thụt lùi.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, mảng kính gương chỉ mang về 712 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Đã vậy, mảng này còn kinh doanh dưới giá vốn (lỗ gộp 36 tỷ đồng), dẫn tới biên lợi nhuận gộp âm 5%.

Trên thực tế, không phải tới bây giờ mảng kính gương của Viglacera mới suy yếu như vậy. Trong hơn 2 năm qua, doanh thu của mảng này đã lao dốc mạnh, từ đỉnh cao 2.910 tỷ đồng (năm 2022) xuống 2.130 tỷ đồng (năm 2023) rồi xuống tiếp 1.816 tỷ đồng (năm 2024). Biên lợi nhuận gộp từ mức 30,5% (năm 2022) sụt xuống 1,92% (năm 2023) trước khi hồi lên 11,3% (năm 2024).
Nguyên do chủ yếu là sản phẩm kính gương của Viglacera chịu áp lực lớn từ hàng nhập khẩu trong khi hoạt động xuất khẩu cũng không dễ dàng.
Trong nửa đầu năm 2025, Viglacera đã mua thêm cổ phần và nắm quyền kiểm soát Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG). Nhưng cải thiện hiệu quả hoạt động của mảng kính gương trong ngắn hạn, đó vẫn là bài toán "đau đầu" với ban lãnh đạo VGC.
Bên cạnh vấn đề của mảng kính gương, "vết xước" khác của Viglacera nằm ở cơ cấu tài sản.
Tại ngày 30/6/2025, tổng tài sản của công ty đạt 25.502 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm. Chất lượng tài sản tương đối lành mạnh khi các khoản phải thu có giá trị không quá lớn, chỉ 2.243 tỷ đồng, chiếm hơn 4,7% tổng tài sản. Hàng tồn kho cũng chỉ 4.709 tỷ đồng, tăng 7% và chiếm 18,4% tổng tài sản.
Đó là chưa kể Viglacera có lượng tiền rất lớn, đạt 2.955 tỷ đồng, trong đó: tiền và tương đương tiền là 2.018 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng là 937 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ xấu trong 6 tháng đầu năm đã tăng khá mạnh, tăng 13%, lên 374 tỷ đồng. Điều này khiến dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng thêm 2%, lên 306 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự phòng giảm giá hàng tồn kho của công ty trong 6 tháng đầu năm cũng tăng tới 56%, lên 194 tỷ đồng. Đây đều là những chỉ số ít nhiều gây quan ngại.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Viglacera tại ngày 30/6/2025 đạt 14.626 tỷ đồng, giảm 1,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tiếp tục tăng thêm 5,6% lên 5.086 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính trong 6 tháng đầu năm cho thấy công ty vẫn duy trì quy mô vay/trả lớn, thậm chí cao hơn cùng kỳ năm trước, đạt 4.461 tỷ đồng/4.148 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm cũng ghi nhận hoạt động đầu tư mạnh của Viglacera. Công ty chi lớn cho hoạt động mua sắm, tạo lập tài sản cố định (chi 1.460 tỷ đồng) và chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác (808 tỷ đồng). Điều này khiến dòng tiền đầu tư âm 2.094 tỷ đồng, là nguyên nhân chính khiến tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm tới 29% so với đầu năm.

Điều gì khiến mảng kính, gương của Viglacera thụt lùi?
