Trao đổi với báo chí sau khi Tổng liên đoàn Lao động tiêp tục đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 14,4% trong tuần qua, ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng ý kiến nêu trên là quan điểm riêng của các hiệp hội, tổ chức.
Tuy nhiên, vị này cho rằng về nguyên tắc, phương án cuối cùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã được đưa ra. Trong quá trình đi đến quyết định này, các bên đã được quyền có ý kiến và biểu quyết. "Nếu có ý kiến khác sau khi đã quyết định nghĩa là không tuân thủ nguyên tắc hoạt động, định chế của hội đồng", ông Huy nói.
Trước đó, phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016 được Hội đồng Tiền lương quốc gia biểu quyết ở mức 12,4%, trong khi VCCI muốn chỉ 9-10% còn đại diện người lao động vẫn giữ quan điểm khoảng 16%. Phương án chốt đang được trình lên Thủ tướng xem xét. quyết định.
Sang năm 2016, VCCI cho biết sẽ đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia có cơ chế mới để xác định lại mức sống tối thiểu từng vùng, tạo thuận lợi hơn khi bàn về lương tối thiểu hằng năm. Sau đó, các bên sẽ có 9 tháng để đàm phán, thương lượng trước khi đi đến thống nhất, quyết định và phát biểu trước công chúng.
"Sau khi hội đồng đã quyết định và công bố mức lương tối thiểu vùng rồi thì các bên không nên có ý kiến nữa. Các ý kiến trái chiều chỉ nên có trong quá trình thương lượng mà thôi", ông Huy nói.
Trước đó, sau cuộc họp thống nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia hồi đầu tháng 9, hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng xong dự thảo Nghị định về lương tối thiểu vùng năm 2016 để trình Chính phủ. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng tăng 12,4%, tương ứng với mức lương vùng I là 3,5 triệu; vùng II là 3,1 triệu; vùng III là 2,7 triệu và vùng IV là 2,4 triệu đồng.
Theo Vnexpress