Vàng yên, đô “chạy” vì sao?

Đô la Mỹ lên giá không chỉ với những ngoại tệ mạnh bên trời Tây xa xôi, mà ngay cả những đồng tiền các nước khu vực gần Việt Nam cũng đang “lép vế” trước đồng bạc xanh.
Khi tỷ giá biến động, cơ quan quản lý đã không có hành động thích hợp để củng cố niềm tin cho thị trường.
Khi tỷ giá biến động, cơ quan quản lý đã không có hành động thích hợp để củng cố niềm tin cho thị trường.

Cùng kỳ này năm ngoái, ngày 17-3-2014 một đô la Singapore quy đổi ra tiền Việt bằng 16.735 đồng; ngày 31-12-2014 bằng 16.275 đồng và ngày 17-3-2015 còn tương đương 15.514 đồng. Tính ra một năm qua đô la Singapore mất giá 7,3% so với đô la Mỹ, còn trong 75 ngày qua nó rớt 4,7%.

Sự tăng giá của đô la Mỹ đã khiến người ta suy nghĩ. Nói gì thì nói, đô la Mỹ vẫn đang là đồng tiền thống lĩnh trên thị trường tài chính thế giới. Khi mà hầu hết các nước phát triển và đang phát triển, từ G-7 đến G-20 đều bơm tiền để chống giảm phát, cải thiện sức mua, xua đuổi sự trì trệ của nền kinh tế, đồng tiền Việt liệu có bảo toàn được sự ổn định của nó trong dòng biến động tỷ giá toàn cầu?

Trong một phần lắng lại của mọi người là sự tính toán thiệt hơn: giữ tiền đồng hay chuyển qua đô la Mỹ đây? Gửi tiết kiệm tiền đồng được 5%/năm, đô la Mỹ có 0,75%/năm. Cái phần chênh lệch 4,25%/năm kia có đủ bù đắp nếu tỷ giá biến động? Trong các đợt “nhảy múa” của tỷ giá trước đây, mức kịch trần ghi nhận được ngoài thị trường tự do là 21.800-21.900 đồng/đô la. So với giá kịch trần được phép hiện giờ của ngân hàng (trong biên độ cộng trừ 1% với tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước  - NHNN - công bố hàng ngày) là 21.672 đồng/đô la Mỹ, có thể tỷ giá tự do đã được “tự động” cộng thêm 1% từ mức kịch trần của ngân hàng. Đây có thể là kỳ vọng từ tuyên bố của NHNN rằng tỷ giá năm nay có khả năng điều chỉnh tối đa 2%. Đầu năm đã điều chỉnh 1%, vậy còn dư địa 1% nữa.

Ảnh hưởng sự tương tác giữa các đồng tiền bên ngoài Việt Nam đến thị trường trong nước là có. Điều đó không cần phải bàn luận nhiều. Tuy nhiên, yếu tố chủ yếu đang tác động mạnh lên tỷ giá không phải chỉ là sự tương tác đó, mà là vàng. Đúng hơn là sự chênh lệch giá vàng nội - ngoại tới 5,4 triệu đồng/lượng. Buôn lậu vàng bị cấm, song lòng tham của buôn lậu đang lấn lướt pháp luật bởi sức hấp dẫn của mức lợi nhuận quá lớn.

Khoảng 35-35,5 triệu, cao nhất 36 triệu đồng/lượng đã tạo thành cái khung gần như cố định của giá vàng trong nước 18 tháng qua. Tác dụng nổi bật của sự “giậm chân tại chỗ” của giá vàng là làm tiêu hao thanh khoản thị trường. Giá không nhúc nhích kéo dài là điều giới đầu cơ sợ nhất vì họ không thể kiếm được lợi nhuận. Với người dân, những người đã trót mua vàng giá cao trước đây thì được “an ủi” giá chắc không giảm nữa, nên không bán ra, cứ giữ vậy làm của để dành. Những người chưa có vàng, lúc có tiền nhàn rỗi, mua vài lượng, coi như có của phòng thân với tính toán đơn giản so với cái thời giá 45-48 triệu đồng/lượng, giờ vàng đã rẻ nhiều.

Sự tổng hợp của những góc nhìn khác nhau ấy là nhịp mua bán vàng chậm lại, mối quan tâm đến vàng ít đi. Mục tiêu trước mắt của chính sách quản lý vàng và điều hành của NHNN cũng chỉ cần có thế. Vàng vốn là thứ hàng hóa có sức hút ma lực, cai được sự “nghiện” vàng đã tồn tại lâu nay đâu có dễ. Cho nên làm sao để người ta ít quan tâm đến vàng đã là thành công rồi.

Dẫu thế, mọi tính toán cặn kẽ đến đâu cũng có thể không trọn vẹn. Sự chênh lệch giá vàng trong - ngoài nước là một kẽ hở chưa được bịt lại. Kể từ khi giá vàng thế giới lao dốc về 1.170 rồi sau đó là 1.160 và có ngày tới 1.150 đô la Mỹ/ounce, giá đô la thị trường tự do liên tục tăng. Đô la mặt được gom để nhập vàng lậu là chuyện không còn phải nghi ngờ.

Người ta tự hỏi ai đang tiêu thụ vàng lậu? Vàng nhập lậu là vàng nguyên liệu nguyên cục nguyên thỏi, hoặc sử dụng để chế tác nữ trang, hoặc dập thành vàng miếng. Hiện nay việc dập vàng miếng nhãn hiệu SJC đã được NHNN kiểm soát. Nguyên liệu đưa vào đây phải có nguồn gốc rõ ràng và không phải doanh nghiệp nào mang vàng nguyên liệu đến cũng được nhận dập. Còn chế tác vàng nguyên liệu thành nữ trang đòi hỏi thời gian và sức mua vàng nữ trang trên thị trường không hề đột biến đến mức các cơ sở gia công ào ào kiềng, nhẫn, dây chuyền để tung ra bán.

Một nguồn tin đáng tin cậy trong giới ngân hàng cho biết vàng nhập lậu giờ đây tinh vi hơn. Thay bằng nhập vàng nguyên liệu, buôn lậu nhập luôn vàng miếng. Vàng miếng được dập ngay ở nước ngoài và về chất lượng, nó là vàng bốn số chín, mẫu mã cũng y chang vàng dập chính thức trong nước. Trước đây, có thời điểm, có ngân hàng đã mua phải vàng dập và nhập lậu này vì khi đưa vào kiểm nghiệm chất lượng, chúng là vàng bốn số chín thật.

Bằng cách đó, vàng nhập lậu nhanh chóng “chảy” vào lưu thông. Nó thậm chí có thể được bán cả cho ngân hàng. Nên nhớ không ngân hàng nào từ chối mua vàng miếng khi khách hàng mang đến bán theo giá niêm yết (những ngân hàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng). Từ đây, ngẫu nhiên, ngân hàng trở thành nơi tiêu thụ vàng lậu nếu vàng nhập lậu không bị phát hiện.     

Vấn đề ở chỗ trong những thời điểm giá vàng thế giới lên xuống bất thường, vì sao các ngân hàng vẫn giữ khoảng cách chênh lệch giá mua-bán vàng miếng chỉ 200.000-300.000 đồng/lượng. Nếu khoảng cách này tăng vọt, thí dụ bán ra 35 triệu và mua vào 30 triệu đồng/lượng, thử hỏi người mua/bán sẽ hành động thế nào? Sự chênh lệch sẽ chảy vào túi ngân hàng, nhưng liệu có bao nhiêu khách hàng chấp nhận bán giá thấp và mua giá cao cho ngân hàng? Chưa kể sự chênh lệch đó có thể được điều tiết bằng thuế, nộp thẳng vào ngân sách. 

Để ngăn chặn vàng lậu, cần phải thu hẹp và xóa bỏ các nguồn tiêu thụ nó. Không loại trừ khả năng khi ngân hàng hạ giá mua vàng, các tiệm vàng sẽ hạ giá bán và cầu vàng sẽ tăng. Vậy các công cụ kiểm soát hoạt động các tiệm vàng theo đúng quy định pháp luật ở đâu? Cấp phép hoạt động cho các tiệm vàng, cho các điểm thu đổi ngoại tệ là một phần trách nhiệm của NHNN.

Hơn lúc nào hết, các đợt biến động là thử thách thực tế của chính sách điều hành tỷ giá hối đoái. Một sự quyết đoán, tuyên bố mạnh mẽ, chính xác, đúng thời điểm về sự nhất quán trong điều hành tỷ giá phải được phát đi từ NHNN. Niềm tin nào cũng bắt nguồn từ kết quả những hành động thực tế. Ba năm qua tỷ giá ổn định, không có nghĩa là niềm tin của người dân vào giá trị tiền đồng đã “vững như bàn thạch”. Đáng tiếc kể từ sau Tết Nguyên đán, tức thời điểm tỷ giá có dấu hiệu biến động, cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã không có một hành động thích hợp để củng cố niềm tin cho thị trường, chẳng hạn cung cấp những dữ liệu về cung cầu, về tổng thể trạng thái ngoại hối các ngân hàng, về lãi suất các loại tiền đồng và khả năng sẵn sàng can thiệp của NHNN. 

Yếu tố chủ yếu đang tác động mạnh lên tỷ giá không phải chỉ là sự tương tác giữa các đồng tiền bên ngoài Việt Nam, mà là vàng. Ba năm qua tỷ giá ổn định, không có nghĩa là niềm tin của người dân vào giá trị tiền đồng đã “vững như bàn thạch”.

Theo TBKTSG