Sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch cho đến những ngày gần đây thị trường ngoại hối bất ngờ sôi động. Theo cập nhật, số lần điều chỉnh tỷ giá tại các NHTM trong ngày hơn 10 lần, cá biệt có ngân hàng điều chỉnh tới 14 lần. Điều gì đang diễn ra trên thị trường? Nên ứng xử thế nào cho phù hợp?
Vẫn là tin đồn thất thiệt
Theo phản ánh từ thị trường, tỷ giá USD tăng vọt trong những ngày vừa qua đến từ tin đồn NHNN sắp điều chỉnh tỷ giá thêm 1%. Với tin đồn đó, thị trường tự do đã nổi sóng kéo lan vào thị trường ngân hàng với diễn biến điều chỉnh tỷ giá tăng ở nhiều nhà băng.
Tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết ngày 16/3 ở mức 21.380 - 21.440 đồng/USD (mua vào - bán ra), của Vietinbank lên 21.375 - 21.450 đồng/USD và của BIDV là 21.380 - 21.440 đồng. Còn tại Techcombank tăng lên 21.350 - 21.445 đồng/USD, Eximbank là 21.360 - 21.440 đồng/USD và Sacombank là 21.350 - 21.450 đồng/USD.
Như vậy, tỷ giá giao dịch dưới ngưỡng bình quân liên ngân hàng 21.458 đồng/USD và nằm trong biên độ 21.243 – 21.673 đồng/USD của NHNN.
Thực tế, trên quan điểm cung cầu thị trường thì thấy biến động tăng giá vừa qua thiếu cơ sở. Tỷ giá tăng khi thừa VND, thiếu USD và ngược lại. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, cung ngoại tệ dồi dào từ kiều hối, cầu ngoại tệ đã qua cao điểm Tết Nguyên đán. Như vậy, thị trường không thiếu USD, nhu cầu không đột biến, tín dụng tăng trưởng đến 10/3 mới 0,46% khó có thể nói cung cầu ngoại tệ mất cân đối.
Vậy tại sao tỷ giá vẫn nhảy múa?
Thời gian qua USD đang mạnh lên trên thị trường ngoại hối quốc tế. Đây là yếu tố rõ ràng nhất cho thấy NHNN đang chịu sức ép điều chỉnh tỷ giá. Đã có những khuyến nghị từ những cơ quan nghiên cứu chính sách với NHNN nên phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước.
Áp lực tăng tỷ giá còn đến từ những diễn biến của lãi suất. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng ở nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm, thậm chí xuống thấp kỷ lục khiến dòng tiền có xu hướng chuyển sang kênh đầu tư khác trong đó có ngoại tệ với kỳ vọng NHNN điều chỉnh tỷ giá
Khi thị trường có nhu cầu đầu tư ngoại tệ thì cũng là lúc đầu cơ xuất hiện. Để thu hút nhà đầu tư đổ tiền vào ngoại tệ, giới đầu cơ buộc phải tạo ra sóng trên thị trường. Có lên xuống, giao dịch có chênh lệch thu lời, thị trường ngoại tệ trở nên hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tạo ra vòng xoáy đẩy tỷ giá tăng.
Tỷ giá không chỉ là chuyện của Ngân hàng Nhà nước
Cách nhanh nhất để bình ổn thị trường là NHNN bán ra ngoại tệ. Hành động như vậy là lời cam kết chắc chắn, mạnh mẽ nhất về ổn định tỷ giá nhưng chịu nhiều rủi ro. Bởi lẽ, bán ngoại tệ đồng nghĩa giảm dự trữ ngoại hối trong khi NHNN không quyết định được dự trữ ngoại hối tăng hay giảm. Vì vậy, muốn thị trường ngoại hối ổn định, tỷ giá diễn biến trong tầm kiểm soát thì phải tăng tiềm lực dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhưng tăng dự trữ ngoại hối không chỉ mình NHNN có thể làm.
Thứ nhất, hoạt động thương mại phải có thặng dư nói cách khác Việt Nam phải xuất siêu. Điều này phụ thuộc vào các chính sách thương mại với vai trò dẫn dắt là Bộ Công thương. Ngành ngân hàng chỉ có thể hỗ trợ bằng ưu đãi như lãi suất tín dụng xuất khẩu, hay phí dịch vụ tài chính xuất khẩu,...chứ không thể làm thay.
Thứ hai, muốn tăng dự trữ ngoại hối phải thu hút được nguồn vốn nước ngoài, ở đây là vốn đầu tư trực tiếp FDI và vốn đầu tư gián tiếp FII. Với FDI, là các chính sách thu hút đầu tư do Bộ KH&ĐT chủ trì cùng các chính sách hỗ trợ khác từ địa phương. Còn FII, nguồn vốn đầu tư gián tiếp rất quan trọng lại phụ thuộc vào thị trường vốn trong đó TTCK đóng vai trò nóng cốt. Ở đây vai trò của Bộ Tài chính cùng UBCK rất quan trọng. Nếu như không thu hút được FDI, thị trường vốn không hấp dẫn FII thì khó có thể yêu cầu NHNN tăng dự trữ ngoại hối.
Cuối cùng, NHNN cũng không thoái thác trách nhiệm của mình trong quản lý ngoại hối quốc gia. Muốn các chính sách hỗ trợ thương mại hiệu quả, kinh tế vĩ mô cần ổn định trong đó lạm phát là yếu tố quan trọng nhất. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của NHNN với chính sách tiền tệ của mình.
Tiếp đến, tăng cường quản lý dòng vốn ngoại như tình trạng nhập lậu vàng, hay việc chuyển tiền phi pháp ra nước ngoài. Cùng với việc công khai minh bạch thông tin liên quan đến quản lý ngoại hối không phải số liệu mật như số liệu cán cân thanh toán, xuất nhập khẩu vàng,.. để hạn chế đất sống cho tin đồn thất thiệt.
“Bây giờ thị trường ngoại hối mới chỉ có giới đầu cơ trong nước. Trong tương lai khi chúng ta mở cửa thị trường chắc chắn sẽ có sự tham gia của giới đầu cơ quốc tế. Nếu không công khai minh bạch thì sẽ tạo điều kiện cho giới đầu cơ lợi dụng. Khi đó ổn định thị trường ngoại hối càng khó khăn hơn” – một chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định.
Vì vậy lời khuyên của vị chuyên gia tài chính nêu trên là khi thị trường ngoại tệ nổi sóng cần tỉnh táo phân tích, đánh giá diễn biến thị trường dựa trên tất cả khía cạnh nêu trên. Không nên chỉ nhìn thấy một yếu tố tăng giá đã như “Thầy bói xem voi” vội vàng kết luận NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá rồi cuốn theo và gánh chịu thua lỗ không đáng có.
Theo NĐH