Bất cập từ mô hình đào tạo cũ
GS.TS. Phạm Minh Thông – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - thẳng thắn chia sẻ: “Nói thật, tại các bệnh viện, sinh viên y khoa học 6 năm ra trường chưa thể và chưa đủ khả năng để làm việc”.
Thực trạng này có nguyên nhân sâu xa từ mô hình đào tạo hiện nay: Các sinh viên phải học tập kiến thức lý thuyết trong 6 năm dài, sau đó chỉ được thực hành lâm sàng và hành nghề trong 18 tháng rồi phải tham gia vào đội ngũ nhân sự tại các bệnh viện. Khi đó, các tân bác sĩ mới chỉ có kiến thức lý thuyết, chưa có kỹ năng chuyên môn để làm việc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại bệnh viện.
Từ phải sang trái: GS.TS. Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, GS.TS. Phạm Minh Thông - nguyên Trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Đại học Y Hà Nội và nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai,GS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.
|
Thực tế này còn bắt buộc các sinh viên phải tiếp tục đi học để được cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên khoa sau khi đã đi làm một thời gian. Mặt khác, hệ đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và chuyên khoa II đòi hỏi kinh nghiệm thực tế của người học, phải đào tạo không liên tục. Việc này không chỉ khiến cho các bác sĩ phải chuyển đổi giữa công việc và việc học tập quá nhiều lần, mà còn khiến cho chất lượng của các bác sĩ không đồng đều giữa các vùng miền do nhiều người không có điều kiện đi học.
Đồng quan điểm với GS.TS. Phạm Minh Thông, GS. TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, những bác sĩ và điều dưỡng tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo y khoa chưa thể làm việc được ngay. Thậm chí, bác sĩ nội trú - nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành - cũng chưa thể làm việc độc lập ngay sau khi ra trường, cũng cần được đào tạo thêm từ 6 tháng đến 1 năm.
Thực tế hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục phải đào tạo cho các tân bác sĩ và điều dưỡng trong 3 năm tiếp theo. Trong đó, 6 – 9 tháng đầu tiên đào tạo bác sĩ nhi khoa cơ bản, 2 năm rưỡi tiếp theo để học tập kiến thức về chuyên khoa nhi, giúp đạt chuẩn năng lực làm việc tại Bệnh viện.
GS. Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao Bằng tốt nghiệp cho các bác sĩ trẻ. (Ảnh: Thanh Hằng)
|
GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho biết: “Việc đào tạo không liên tục còn khiến cho chất lượng bác sĩ ở các vùng miền không đồng đều, nhiều hậu quả không mong muốn xảy ra”.
Mấu chốt là phải đào tạo liên tục
Để giải bài toán về chất lượng nhân lực đầu ra, các chuyên gia đều thống nhất cần thay đổi mô hình đào tạo y khoa hiện nay.
Trong đó, theo GS.TS. Tạ Thành Văn, việc đào tạo liên tục rất quan trọng, giúp có ngay bác sĩ, điều dưỡng trình độ cao để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
GS.TS. Tạ Thành Văn đề xuất việc đào tạo kiến thức chung cho các sinh viên nên diễn ra trong vòng 6 năm. Sau đó, các sinh viên dành ra 3 năm để thực tập, được cấp chứng chỉ hành nghề tạm thời, rồi tiếp tục được đào tạo chuyên khoa kéo dài từ 2 đến 5 năm.
GS. Văn cũng cho biết, không chỉ Trường Đại học Y Hà Nội, mà hiệu trưởng các trường y dược trên toàn quốc cũng đề xuất mô hình đào tạo này. Bên cạnh đó, các hiệu trưởng cũng thống nhất: Trường đại học quản lý đào tạo liên tục, đào tạo chuyên khoa, đào tạo chuyên khoa sâu, thực hành tay nghề tại các bệnh viện...
Sinh viên y khoa thực tập tại các bệnh viện.
|
Tán thành phương án do GS.TS. Tạ Thành Văn đề xuất, GS. Nguyễn Minh Thông nhấn mạnh: "Đào tạo bác sĩ nội trú mất tối thiểu từ 4 – 5 năm, thậm chí đến 7 năm, thì mới ra hành nghề được và phải đào tạo liên tục".
Phản hồi thông tin từ các chuyên gia, ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế - cho biết dự thảo Nghị định đang chia quá trình đào tạo làm 2 giai đoạn: 4 năm đầu đào tạo nhân lực chuẩn đầu ra tương đương trình độ bậc 6 và những năm tiếp theo đào tạo định hướng chuyên sâu nghiên cứu hoặc hành nghề bác sĩ.
Như vậy, sau 4 năm đào tạo, các sinh viên sẽ được công nhận là cử nhân y khoa, có thể tham gia ngay các công việc phù hợp mà xã hội yêu cầu. Trong trường hợp sinh viên muốn được hành nghề y, sẽ tiếp tục để được công nhận cấp bằng bác sĩ y khoa, tham gia thực hành nghề nghiệp, và tham dự thi quốc gia để lấy chứng chỉ hành nghề.
GS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội và ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cùng đoàn công tác và các bác sĩ trẻ thăm Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé. (Ảnh: Thanh Hằng)
|
Việc này sẽ giúp giải quyết được những bất cập mà các chuyên gia lo lắng. Đầu tiên là vấn đề học tập chuyên khoa cần kinh nghiệm thực tế và chứng chỉ hành nghề.
“Khi đã tham gia thi quốc gia, được cấp chứng chỉ, thì người đó đã đã đạt chuẩn chung, là đủ tư cách để tham gia hoạt động chuyên môn” – Ông Nguyễn Minh Lợi cho biết.
Sau đó, khi đã có chỉ kì thi quốc gia và có chứng chỉ hành nghề, người đó khẳng định được vị trí việc làm, được xem xét về chế độ chính sách đãi ngộ, ví dụ phụ cấp, về lương phù hợp.
Ông Nguyễn Minh Lợi cũng cho biết thêm, trong Nghị định cũng xác định rõ việc đào tạo chuyên sâu, đào tạo chuyên khoa có vai trò không thể tách rời của có cơ sở y tế, bệnh viện. Vì vậy, dự thảo Nghị định cũng đưa ra điều kiện về cơ sở đào tạo, bệnh viện tham gia giảng dạy các chương trình chuyên sâu, vai trò của cơ sở đào tạo không tách rời vai trò của các bệnh viện.