“Nếu để ý chúng ta sẽ thấy những tin nhắn của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông không rõ ràng, ví dụ như thông tin về các gói cước. Việc cung cấp dịch vụ nội dung, nhắn tin các doanh nghiệp chủ yếu giao cho các đơn vị hợp tác và thu cước phí qua tỷ lệ phần trăm doanh thu và các quảng cáo, dẫn đến nhiều bất cập trong cung cấp nội dung, dịch vụ qua tin nhắn, không tuân thủ quy định về giá cước gây thiệt hại cho khách hàng. Theo quy định các tổng đài phải thông báo giá cước tới khách hàng nhưng bây giờ các tổng đài hầu như không thông báo. Khi chúng tôi nói với các doanh nghiệp viễn thông về tình trạng này thì họ chỉ làm một động tác là không thu cước 10 giây đầu”, ông Lê Quốc Cường bức xúc.
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, vẫn có tình trạng nhà mạng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng nhưng thông tin không rõ ràng, gây hiểu nhầm cho khách hàng và có khi dẫn đến tự kích hoạt dịch vụ không có sự đồng ý của khách hàng. Điều này dẫn đến việc khách hàng khiếu nại, khiếu kiện nhà mạng và nhà mạng làm mất niềm tin của khách hàng. Tuy nhiên, ông Lê Quốc Cường không chỉ ra nhà mạng nào vi phạm việc này.
Ông Lê Quốc Cường còn cho biết thêm, thực tế các doanh nghiệp không thu cước 10 giây đầu đối với dịch vụ 1900 nhưng việc thông báo giá cước thì không được thực hiện nghiêm túc. Đối với dịch vụ 1900 không thông báo giá cước và không thực hiện như thông báo, Sở TT&TT TP.HCM đề nghị Bộ yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện điều này. Bộ TT&TT cần có biện pháp quản lý đồng bộ tin nhắn 1900 để đảm bảo quyền lợi cho cho khách hàng.
Thực tế, Bộ TT&TT đã nhiều lần xử lý các doanh nghiệp di động mập mờ thông tin, tự kích hoạt dịch vụ để trục lợi từ khách hàng. Mới đây, Bộ TT&TT cũng xử phạt một loạt nhà mạng liên quan đến vi phạm về quảng cáo khuyến mại.
Theo kết quả thanh tra Viettel, VinaPhone, MobiFone, GTEL, Hanoi Telecom về quản lý thuê bao di động trả trước trong năm 2013 được Thanh tra Bộ TT&TT công bố hồi cuối năm 2013, 100% các nhà mạng này đều có sai phạm. Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, VinaPhone, MobiFone, Viettel đã vi phạm trong việc tích hợp sẵn ứng dụng trên SIM để bán cho người sử dụng (ứng dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí) nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý/không đồng ý với mức phí đưa ra.
Trả lời ICTnews về vấn đề đó, 3 nhà mạng thừa nhận có cung cấp dịch vụ này và chưa tuân thủ chính xác một số quy định như niêm yết rõ ràng về giá cước, cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý sử dụng dịch vụ với mức cước tương ứng...
Các nhà mạng cho rằng, dịch vụ cung cấp nội dung thông tin theo danh mục sẵn có trên SIM là hình thức dịch vụ rất phổ biến của các nhà khai thác di động cả ở trên thế giới và Việt Nam. Hình thức cung cấp dịch vụ của các nhà mạng tới khách hàng đều tương tự nhau.
Các ứng dụng cài trên SIM được thiết kế và upload vào SIM trước khi xuất bán và không thể sửa đổi trong quá trình sử dụng. Các ứng dụng hiện có trên SIM được chia thành 2 nhóm. Nhóm tiện ích giúp quá trình đăng ký các dịch vụ được đơn giản hơn (ví dụ đăng ký dịch vụ 3G khách hàng không phải nhớ cú pháp và đầu số đăng ký mà chỉ cần click vào mục đăng ký trên SIM và khi đó máy sẽ tự động gửi tin nhắn với cú pháp được đặt từ trước đến đầu số đăng ký 3G lên hệ thống). Như vậy, nhóm này đơn giản chỉ là các ứng dụng kích hoạt việc gửi tin nhắn tự động từ máy của khách hàng. Còn nhóm dịch vụ từ sự hỗ trợ đặc biệt từ các SIM, nhóm này yêu cầu phải có sự phối hợp của các ứng dụng trên SIM mới dùng được. Tuy nhiên, sau đó các nhà mạng cũng cam kết với Bộ TT&TT tuân thủ đúng quy định không tự kích hoạt dịch vụ cho khách hàng.
Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đưa ra sự việc nhà mạng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng nhưng thông tin không rõ ràng, gây hiểu nhầm và có khi dẫn đến tự kích hoạt dịch vụ không có sự đồng ý của khách hàng đặt ra yêu cầu phải kiểm tra một cách nghiêm túc để tránh tình trạng nhà mạng “móc túi” khách hàng.
Theo ICT News